Ông Đực bên ngôi “nhà ghe” của mình
|
Thời gian qua, tại một số kênh rạch phía Tây và Nam Sài Gòn xuất hiện những “ngôi nhà ghe” quanh năm neo đậu một chỗ. Chủ nhân của những ngôi nhà này là mảnh đời, số phận cám cảnh cuộc sống thương hồ lênh đênh sóng nước. Họ muốn dừng bước kiếp thương hồ để tạo dựng lại cuộc sống mới…
Người dân Sài Gòn không còn xa lạ cảnh người dân sống đời thương hồ, quanh năm ghe, thuyền là nhà, không biết đâu là bến đỗ, nhưng đến một ngày nào đó thì họ dừng bước phiêu du để giã từ kiếp sống nước sông gạo chợ. Có nhiều nguyên nhân phải giã biệt đời thương hồ như sức khỏe, nghề không làm ra tiền như trước hay một biến cố nào đó xảy ra với họ… nhưng phần lớn họ hiểu rằng, muốn tương lai các con không theo con nước lớn ròng để mưu sinh thì phải tìm bến đỗ…
Bến đỗ của “ngôi nhà ghe”
Trên chiếc ghe “cố thủ” dưới tán bần, cạnh cầu Rạch Đỉa 1 (ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), anh Nguyễn Văn Quá hì hục gia cố lại mái vòm của “ngôi nhà ghe” đã rệu rã sau 4 mùa mưa nắng. “Đêm qua mưa lớn quá, không ngủ được. Mới xin được 2 tấm bạt, tranh thủ làm cho xong trước khi trời đổ mưa”, anh Quá nói. Anh Quá bỏ lại sóng nước thương hồ, chính thức neo ghe tại đây từ cuối năm 2011. Anh nhớ lại: “10 năm sống bằng nghề mua bán trái cây. Cứ tuần về miền Tây, tuần neo tại bến Trần Xuân Soạn để bán. Cuộc sống đang yên lành bỗng tôi đổ bệnh…”. Từ ngày phát hiện mình mắc chứng gai cột sống nặng, những chuyến hàng đi, về TP.HCM thưa thớt, rồi ngưng hẳn. “Mình ên vợ tôi (chị Hoa – PV) không thể ngược xuôi. Không còn cách nào khác, tôi quyết định neo ghe”, anh Quá nói. Chị Hoa lên bờ, xin việc ở một quán ăn tại Q.4. Tài sản của anh chị tích cóp được sau gần 20 năm chung sống là chiếc ghe trị giá khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, để có tiền chữa trị, anh chị đành đổi lấy chiếc ghe nhỏ, cũ hơn để nhận được khoản tiền dư ra 30 triệu đồng. “Phải đổi để có tiền chữa bệnh và lấy cái chỗ ngả lưng”, chị Hoa nói. Sau thời gian chữa trị, bệnh tình anh Quá đã khá hơn. Anh muốn trở lại với đời thương hồ nhưng không thể. “Lúc mới đổi, chiếc ghe này đã xuống cấp, neo một chỗ nhiều năm càng làm mục nát, rệu rã hơn. Chiếc này đi trong rạch còn không được, huống hồ chi ra sông lớn”, chị Hoa tiếp. Mới đây, anh Quá đi xin làm bảo vệ ở một công trình gần chỗ anh neo ghe nhưng bị từ chối vì giấy tờ tùy thân đã bị nước cuốn mất trong tai nạn chìm ghe hồi cuối năm 2009.
Phần lớn người sống đời thương hồ ước mơ một ngày được lên bờ, làm một công việc khác nhẹ nhàng, ít gặp bất trắc hơn. Tuy nhiên, có người lại không muốn lên bờ chỉ vì không biết nghề gì khác để làm ăn hoặc đã quen cái nắng, cái gió, cái bồng bềnh sóng nước… Cũng như những người bất đắc dĩ phải neo ghe, vợ chồng anh Quá ngày đêm khao khát được trở lại với cuộc sống thương hồ như trước. 5 năm rồi, “ngôi nhà ghe” cứ lên xuống theo con nước lớn ròng cũng làm anh chị nhớ quay quắt năm tháng ngược xuôi. Anh chị định neo ghe ở đây đến bao giờ? (tôi hỏi). “Cũng chẳng biết, ghe đi không được nữa, mà đi được thì cũng không biết đi đâu, về quê làm gì sống khi không có mảnh đất cắm dùi”, giọng anh Quá chùng xuống.
Bến Bình Đông (Q.8, TP.HCM) bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng tấp nập ghe thuyền chở trái cây, hoa quả từ các tỉnh miền Tây lên bán sỉ và lẻ. Chúng tôi đến bến vào cuối tuần, chỉ thấy lác đác vài chiếc, quang cảnh tĩnh lặng khác thường. Với gần 15 năm sống đời thương hồ, ông Trần Văn Chiến lắc đầu nói: “Giá nhiên liệu ngày càng tăng trong khi đó giá trái cây, hoa quả thì giảm, mua bán không có lãi. Mỗi chuyến hàng, ít nhất phải bỏ ra hơn chục triệu đồng tiền vốn. Lên tới nơi bán sỉ hết thì còn có chút đỉnh tiền lời. Còn phải neo ghe chờ bán lẻ thì coi như lỗ vốn. Đó là chưa kể trái cây bán không hết, bị thối…”. Ông Chiến cho biết thêm, ở quê ông (huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long) có hơn 200 hộ gia đình sống đời thương hồ nhưng nay đã neo ghe hết 2/3. Trong đó, chỉ có số ít chuyển đổi nghề có cuộc sống ổn định, số còn lại về quê ở tạm bợ trên ghe, sống bằng nghề phụ hồ, đan lát”.
Neo ghe để… củng cố đời con
Bà Vĩnh vui mừng vì con gái út được đi học ở lớp học tình thương |
So với anh Quá, cuộc sống thương hồ của gia đình chị Võ Thị Thu (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) với 5 thành viên khá hơn, nhưng chị Thu vẫn phải neo ghe vì tương lai con cái. Cám cảnh sông nước, thất học, vợ chồng chị Thu quyết định tạm biệt đời thương hồ để các con được đến trường. Chị Thu khoe: “Thấy mấy đứa tội nghiệp, người ta giúp cho hai đứa đi học vào năm nay. Đứa lớn 9 tuổi nhưng chỉ được học ở lớp học tình thương. Vợ chồng tui không được học hành, thua thiệt đủ thứ. Muốn cho tụi nó cái chữ thì mình phải có bến đỗ”. “Ngôi nhà ghe” của vợ chồng chị Thu neo bên dòng Kênh Tẻ (Q.7, TP.HCM). Công việc của anh chị là áp tải trái cây, hoa quả về các chợ vào mỗi sáng sớm.
Theo nghề đánh lưới hơn 20 năm, vợ chồng ông Lê Văn Đực (sinh năm 1955) và bà Nguyễn Thị Vĩnh cùng các con rời làng biển Gò Công Đông ngược lên Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Để tiết kiệm một khoản tiền lớn thuê nhà, gia đình ông Đực sống trên “ngôi nhà ghe”. Nhìn chiếc ghe với mái vòm rách tả tơi, những chiếc bao nilon bị xé toang bởi gió, ông Đực hóm hỉnh: “Chỉ cần vài bước chân là ra tới lộ, ở “mặt tiền” rồi còn gì. Ngồi trong nhà thấy cả tứ bề. Trời mưa lớn, mưa nhỏ gì cũng dột như thường”. Từ ngày neo ghe, ông Đực đi bán vé số. Vì sức khỏe yếu, tối ngày bà Vĩnh chỉ quẩn quanh trong “ngôi nhà ghe” và đến giờ đưa đón con gái út đi học ở lớp học tình thương. “Ở quê cũng có căn chòi che nắng che mưa nhưng không có đất để trồng trọt thì lấy gì mà ăn. Phải đi, nơi nào hiền thì ở, dữ lại tiếp tục đi”, ông Đực nói.
Màn đêm buông xuống, gia đình ông Đực “ké” ánh điện lờ mờ từ tòa nhà cao tầng phía bên kia đường. Chính quyền địa phương cũng vài lần đến nhắc nhở, song biết rõ hoàn cảnh của hai vợ chồng, sống hiền lành, chí thú làm ăn nên cũng không làm khó. Hơn hai năm neo ghe tại chân cầu Rạch Bàng 2 (đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7), vợ chồng ông Đực không thể nhớ bao lần bị kẻ xấu đến dọa giết, xin đểu. Mới đây, khi ông Đực đi bán, một tên nghiện hút cầm kim tiêm đầy máu đỏ tươi đến xin đểu. Bà Vĩnh lạy lục van xin nhưng kẻ nhẫn tâm đã xuống tay, cũng may bà thoát được mũi kim. Trước khi người đi đường áp giải đối tượng giao cho Công an phường Tân Phong, Q.7, bà Vĩnh bị đấm bầm mặt. Chúng còn ngang nhiên vào “ngôi nhà ghe” văng hết đồ đạc xuống kênh để kiếm tiền, trong đó có chiếc radio bỏ túi là phương tiện giải trí duy nhất chúng cũng đập nát.
Cuộc sống trên những “ngôi nhà ghe” lắm đỗi gian truân, khó khăn nhất là nước sinh hoạt. Ở “mặt tiền” như gia đình ông Đực thì xe ba gác còn chở nước đến đổ nhưng với những “ngôi nhà ghe” khác, hàng ngày phải xách can đi mua. Ông Đực cho biết: “Mỗi khối nước có giá 140 ngàn đồng. Vì giá cao nên sử dụng rất tiết kiệm, mỗi lần tắm ngồi vào thau, lấy nước đó để giặt giũ. Khi nước lớn, vợ chồng tận dụng nước kênh để tắm rửa, nhường nước sạch cho con”. Ngày trước, “ngôi nhà ghe” của anh Quá nằm sát mặt đường Lê Văn Lương nhưng sau đó dời qua bên kia con rạch. Anh Quá giải thích: “Bên đó tiện đường, dễ lên xuống nhưng đêm nào xì ke cũng quăng kim tiêm xuống, hoảng quá nên dời qua”.
Dẫu đời thương hồ vất vả, gặp nhiều bất trắc tai ương nhưng neo ghe là việc hầu như không ai muốn. Tháng ngày bồng bềnh trên sóng nước, cái nắng, cái gió, cái mùi tanh tưởi từ dòng nước kênh đen ngòm như đã làm họ dễ ăn, dễ ngủ hơn. Mất một thời gian dài, những mảnh đời thương hồ mới có thể thích nghi với cuộc sống mới. Điều đọng lại trong tôi mỗi khi rời “ngôi nhà ghe” là nụ cười lấp lánh trong ánh mắt, rạng rỡ trên môi của những người cha, người mẹ khi những đứa trẻ biết đọc, biết viết…
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)