Chế biến làm khô cá lóc tại Đồng Tháp |
Lũ bắt đầu nông nước cũng là lúc người nuôi cá lóc bước vào vụ thu hoạch chính. Đây cũng là thời điểm mà xóm khô cá lóc nổi tiếng ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) nhộn nhịp hẳn lên. Vào những ngày nắng ráo, cả đoạn đường dài gần 1km chạy qua khu chợ xã Phú Thọ A phủ đầy những liếp khô cá lóc vàng ươm…
Nghề truyền thống miền sông nước
Ông Nguyễn Văn Tâm, người có kinh nghiệm hơn chục năm cho biết, hiện khu vực này có trên chục hộ chuyên làm khô cá lóc. Người làm nhiều thì mỗi ngày xẻ và phơi được khoảng 100kg, người làm ít cũng vài chục kg. Theo ông, nghề làm khô cá lóc có mặt ở khu vực huyện Tam Nông này khá lâu. Tuy nhiên, trước đây người dân làm khô để dành ăn dần là chủ yếu, dư thừa ra chút ít thì để biếu cho bà con xa mỗi khi có dịp về thăm quê. Cách đây hơn chục năm, đường sá đi lại thuận tiện nên hàng ngày, đoạn đường chạy qua xã Phú Thọ A xuất hiện ngày càng nhiều khách du lịch đi ngang qua. Thấy người dân phơi khô, nhiều du khách đề nghị mua chút ít về làm quà. Thấy nhiều người hỏi mua, nên người dân nảy ra ý định làm nhiều hơn một ít để bán, kiếm đồng ra đồng vào. Nhà này làm được, nhà kia cũng bắt chước và thế là “xóm khô” hình thành từ lúc nào không hay.
Theo một số người dân địa phương thì trước đây 100% nguồn cá nguyên liệu từ tự nhiên. Ông Tâm cho biết thêm: “Hồi xưa cá ở khu này nhiều lắm, muốn bao nhiêu cứ xách câu, xách lưới ra đồng mà bắt. Bây giờ nguồn cá này đã hết rồi… Nguyên nhân thì đủ cả, từ chuyện môi trường sống bị thu hẹp cho đến các kiểu khai thác tận diệt theo lưới rà, lưới quét, xiệc điện…”.
Nguồn nguyên liệu cạn, song nghề làm khô thì không thể dừng lại được bởi đó là nghề, là nguồn sống nên người dân nảy ra ý định nuôi cá lóc để làm nguyên liệu. Giống như nghề làm khô thương mại lúc mới manh nha, nghề nuôi cá lóc từng bước phát triển và giờ cũng là một trong những nghề mang lại lợi nhuận cao của người dân Tam Nông. Ông Tám Thanh cho biết cách đây mấy năm, thấy một người bạn ở bên Tân Thạnh (Long An) đóng bè nuôi cá lóc nên ông định làm thử nhưng sợ không có đầu ra. Đột nhiên, nghề làm khô cá lóc “phất” lên được nên ông quyết đầu tư nuôi một bè hơn ngàn con. Cá trong bè chưa lớn đã có mấy hộ làm khô đến đặt hàng nên ông phấn khởi lắm. Giá cá ổn định khoảng 60-70 ngàn đồng/kg như hiện nay vụ này ông kiếm được hơn 50 triệu đồng tiền lời.
Bí quyết giữ nghề
So với cá lóc đồng thì khô cá lóc làm bằng cá nuôi không ngon bằng. Tuy nhiên, bù lại nó có độ mỡ trong thịt nhiều hơn nên khi nướng lên thịt khô thơm phức. Có được mùi thơm này, một phần do tự nhiên, phần do tay nghề của người làm khô. Được biết, quy trình làm việc ở “xóm khô” Phú Thọ A khá chặt chẽ và bảo đảm vệ sinh an toàn tuyệt đối. Ở đây không hề sử dụng hóa chất hoặc phẩm màu để ướp hay bảo quản. Cá từ bè sau khi vớt lên sẽ được chuyển thẳng đến các vựa làm khô ngay trong buổi sáng. Khi có cá, công nhân sẽ chia nhau từng công đoạn, người thì cắt đầu, mổ ruột… người thì xẻ thịt, ướp muối và đem phơi. Ướp muối là một trong những công đoạn quan trọng nhất bởi nó quyết định đến chất lượng và hương vị của cả mẻ khô. Nếu ướp mặn quá khô sẽ giữ được lâu, tránh được ẩm mốc song con khô sẽ cứng, ăn không vừa miệng. Những nếu như nhạt quá, thì thời gian bảo quản sẽ không lâu, dễ bị hư hỏng trên đường vận chuyển. Ngoài muối ra, trong chất ướp cá người ta còn cho thêm ít đường, bột nêm, ớt tươi xay…
Cá sau khi ướp sẽ được ngâm trong bồn khoảng nửa tiếng đồng hồ rồi mang ra liếp để phơi. Những hôm nắng tốt, chỉ cần phơi một ngày là có thể đem bán cho khách hàng được. Còn nếu như gặp nắng yếu, thời gian phơi có khi kéo dài ra 2-3 hôm. Một người làm khô cho biết: “So với khô phơi nhiều nắng, khô phơi một nắng là ngon nhất. Bởi ngoài màu sắc tươi, nhìn rất bắt mắt, thịt khô cũng thơm và ngon hơn nhiều…”.
Là một trong những địa phương có nguồn thủy sản phong phú, đặc biệt là cá lóc nên người dân Tam Nông mong muốn phát triển khô cá lóc của xứ mình thành một thương hiệu. Tuy nhiên, để có được điều này, người dân cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ đó, người dân “xóm khô” vẫn âm thầm xây dựng thương hiệu của mình bằng chất lượng sản phẩm trong lòng du khách.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh
Bình luận (0)