Nói về sự học hành của con em các hộ gia đình ở địa phương, ông Phạm Doãn Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) rất tự hào: “Xã này tuy còn nghèo nhưng người dân rất coi trọng chữ nghĩa, nhiều gia đình là tấm gương hiếu học. Trong đó, gia đình ông Phạm Minh ở thôn 3, nhà rất khó khăn, từ hai bàn tay trắng phải liên tục dời chỗ ở để chống đói nhưng đã nuôi dạy 6 con học ĐH và thành tài…”.
3 lần dời chỗ ở để mưu sinh
Bị “hấp dẫn” bởi lời giới thiệu của vị Chủ tịch xã, chúng tôi đã tìm đến thôn 3 – xã Hà Lâm để được tận mắt chứng kiến cái nghèo của một gia đình nông dân hiếu học. Câu chuyện về quá trình 38 năm lênh đênh tìm kiếm kế sinh nhai, xây dựng cơ nghiệp trên quê mới và chăm lo việc học cho con của vợ chồng ông Phạm Minh khiến chúng tôi hết sức cảm phục.
Trước mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 thấp lè tè, chật chội; phía trước nhà là một cái quán nhỏ – chiếc “cần câu” để gia đình này kiếm sống qua ngày và gom góp từng đồng tiền lẻ ít ỏi để lần lượt cho 6 đứa con vào ĐH. Ban đầu, ông Minh muốn từ chối phỏng vấn. Người nông dân miền Trung vốn không thích nói về mình bởi nhiều lẽ: Họ không nhiều chữ nghĩa, khiêm tốn và thấy việc lo cho con cái ăn học là việc bình thường của các bậc cha mẹ trước nay… Song, thấy khách thực tâm muốn chia sẻ, muốn viết bài “để động viên” và vì… nể nên vợ chồng ông mới vui vẻ “hợp tác”.
Ông Minh kể, quê của hai vợ chồng ông ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Do điều kiện sản xuất ở quê quá khó khăn, nhà lại đông con; để có cơ hội nuôi sống gia đình và cho các con ăn học, năm 1975 vợ chồng ông Minh quyết định đi xây dựng kinh tế mới và đến lập nghiệp tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm – một huyện mới được tách ra từ thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng). Sau 5 năm sinh sống trên quê mới dù lao động cật lực vẫn cứ nghèo, năm 1979 gia đình ông chuyển về xã Mađagui, huyện Đạ Huoai sinh sống. Ông Minh tham gia công tác tại UBND xã, còn vợ làm thuê cuốc mướn và làm rẫy, nuôi dạy các con học hành. 10 năm sau đó (năm 1989), ông Minh thôi không làm việc ở xã, cuộc sống gia đình tiếp tục khó khăn, vợ chồng ông một lần nữa “bồng bế” đưa nhau về thôn 3, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai sinh sống và bám trụ cho đến bây giờ…
Cổ nhân nói “an cư mới lạc nghiệp”, việc di chuyển chỗ ở đã khó khăn vì cuộc sống bị xáo trộn; đằng này gia đình ông Minh quá nghèo và tới 3 lần dời chỗ ở thì việc làm ăn, phát triển kinh tế gia đình gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn là khó tránh khỏi! Để nhanh chóng ổn định cuộc sống và nhất là không để các con vì nhà nghèo, chuyển chỗ ở mà phải thất học, vợ chồng ông Minh bắt đầu những tháng ngày “cày sâu, cuốc bẫm” và làm bất cứ việc gì. Với số tiền dành dụm sau gần 20 năm đi lập nghiệp, ông Minh mua được vài sào đất rẫy để sản xuất; kết hợp chăn nuôi và bán hàng tạp hóa trước cửa nhà… Đó là nguồn thu nhập chính của gia đình nghèo này.
Học tập “phương kế” thoát nghèo
Thu nhập từ nương rẫy, chăn nuôi, từ việc bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ (kể cả đi làm thuê…) dù chắt chiu đến mấy cũng không đủ chi tiêu trong gia đình và việc học hành của các con. Song, vợ chồng ông Minh suy nghĩ: “Muốn các con sau này thoát cảnh đói nghèo như đời cha mẹ chúng, không cách nào khác là phải cho chúng ăn học thành tài…”.Sau nhiều đêm suy tính, trăn trở ông Minh bàn với vợ: Phải xoay xở mọi cách và vay mượn nhiều nơi để cho con học tập đến cùng. Nhờ các đoàn thể ở địa phương quan tâm lập dự án vay vốn Ngân hàng CSXH hỗ trợ cho học sinh, sinh viên (theo chủ trương của Chính phủ) và sự thương yêu giúp đỡ của bà con trong thôn, trong xã… đến nay, cả 6 người con của vợ chồng ông Minh đều bước vào cổng trường ĐH. Trong đó, 4 đứa đã tốt nghiệp ra trường, có việc làm tại một số doanh nghiệp có tên tuổi ở TP.HCM với mức thu nhập cao và ổn định. Con gái đầu của ông bà là Phạm Thị Thanh (sinh 1983), tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ TP.HCM, hiện công tác tại Công ty EDGI MARKETING Việt Nam. Con gái thứ hai: Phạm Thị Thanh Hồng (1986), tốt nghiệp ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM, hiện công tác tại Công ty TNHH EIMSKIP Việt Nam. Con gái thứ ba: Phạm Thị Hồng Đào (1990), tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện công tác tại Công ty TNHH Thiết bị y tế OLYMPUS Việt Nam. Con trai thứ tư: Phạm Mẫn (1991), tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện công tác tại Công ty Bóng đèn điện quang TP.HCM. Con gái thứ năm: Phạm Thị Mận (1993) hiện là sinh viên năm thứ 3 ĐH Kinh tế TP.HCM và con gái út: Phạm Thị Thanh Trúc (1995), hiện là sinh viên năm thứ nhất ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Trên gương mặt sạm nắng của người cha một đời khổ cực chợt ánh lên niềm tự hào, mãn nguyện khi ông nói về những thành tích vượt khó học tập của 6 đứa con mình. Ông Minh thở phào nhẹ nhõm và khoe với chúng tôi: “Nhân hôm đứa con gái út thi đậu vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, vợ chồng tôi đã tổ chức một cái lễ “tri ân” thật ấm cúng; có mặt đông đủ các thầy giáo, cô giáo đã từng dạy dỗ các cháu; lãnh đạo địa phương và tất cả những người đã từng cưu mang, giúp đỡ cho vợ chồng tôi vay mượn tiền nuôi dạy các con ăn học suốt những năm qua”.
Với những năm tháng nỗ lực vượt nghèo, nuôi dạy 6 con ăn học thành đạt, nhiều năm qua, gia đình ông Phạm Minh đã được các cấp chính quyền địa phương, Phòng GD-ĐT huyện Đạ Huoai và tỉnh Lâm Đồng tuyên dương “Gia đình hiếu học tiêu biểu”. Ông Minh tâm sự: “Các con của tôi đều có chí, hiếu học và học giỏi; vợ chồng tôi thường động viên các con phải xác định rõ động cơ của việc khổ cực trong học tập hôm nay là để ngày mai có việc làm, có thu nhập, tự vươn lên bằng chính sự nỗ lực của mình; không có kiến thức thì suốt đời sẽ nghèo đói…”. Và điều làm cho vợ chồng ông Minh hài lòng là các con ông biết kính trọng thầy cô, cha mẹ và biết tự giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, học tập.
Ông Minh phấn khởi cho biết, nhờ 4 đứa con đã đi làm hàng tháng góp tiền gửi về; hiện vợ chồng ông đã trả hết nợ trước đây vay của Ngân hàng CSXH huyện và một số bà con, bạn bè… Thời gian tới gia đình ông Minh sẽ dồn sức cho hai con còn lại đạt kết quả tốt trong những năm theo học ĐH…
Người ta nói “Đầu tư việc học hành của con cái là sự đầu tư cho thế hệ tương lai”. Không nhiều chữ nghĩa, nhưng sự thầm lặng hy sinh vượt qua bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn để lo cho cả 6 đứa con được ăn học và thành đạt của vợ chồng ông Phạm Minh rất đáng trân trọng.
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)