Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường, lớp ngoài công lập “chất lượng cao”: Nơi đầu tư cho con em các gia đình khá giả!

Tạp Chí Giáo Dục

HS hệ song ngữ Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (HN). Ảnh: TP

Một vài năm gần đây, trường ngoài công lập chất lượng cao, có chương trình giảng dạy liên kết với nước ngoài hoặc các tổ chức đào tạo quốc tế đang tạo nên sức hút “nam châm” với không ít gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Xu hướng này đang dần dần trở thành một trào lưu trong giới phụ huynh HS cũng như từ phía các trường dân lập, để hút HS và để khẳng định “thương hiệu” của mình, hầu hết các trường đều đang đầu tư vào mô hình trường, lớp “chất lượng cao”.

Đầu tư có trọng tâm

Cậu con trai đầu của chị Ngọc Hải (quận Hoàn Kiếm) lên 6 tuổi, theo đúng tuyến, cháu được vào học ở một trường tiểu học công lập khá tiếng tăm, nhưng gia đình chị nhất quyết “chuyển hướng” cho cháu vào học lớp chất lượng cao ở Trường THDL Nguyễn Siêu, mặc dù trường khá xa nhà. Chị Hải cho hay: “Trường THDL Nguyễn Siêu có tuyển đầu vào cho các lớp chất lượng cao. Học theo chương trình này, mỗi lớp chỉ có 18-20 học sinh, các cháu được học trong các phòng học có đầy đủ trang thiết bị. Tất nhiên, tiền học sẽ cao hơn nhiều so với trường công lập, nhưng điều đó không quan trọng, vấn đề là chúng tôi muốn đầu tư đúng trọng tâm”.

“Ông Nguyễn Trọng Vĩnh – Hiệu trưởng Trường PTDL Nguyễn Siêu cho biết: Năm học 2008-2009, chúng tôi chính thức chỉ tuyển học sinh lớp 1 chất lượng cao chứ không còn lớp bình thường nữa. Năm ngoái đã thí điểm 4 lớp và năm nay do nhu cầu lớn phải tăng lên 6 lớp.”

Theo ông Vĩnh: “Nhu cầu vào các lớp chất lượng cao của phụ huynh rất lớn nên ngay từ khoảng tháng 2, tháng 3 năm 2008 đã có rất nhiều người đến nộp đơn xin học cho con. Mặc dù chỉ tuyển khoảng 130 học sinh nhưng cũng có tới 350 hồ sơ nộp vào. Nhà trường đã phải tổ chức một cuộc kiểm tra đầu vào để xem xét về chỉ số IQ, khả năng ghi nhớ, năng lực tư duy, sáng tạo, nề nếp giáo dục gia đình và khả năng ngoại ngữ của học sinh…”

Hiện nay, bên cạnh Trường PTDL Nguyễn Siêu, rất nhiều trường ngoài công lập khác cũng đang chuyển mạnh sang hướng đào tạo dịch vụ “chất lượng cao”. Ông Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường dân lập Marie Curie cho biết: “Do nhu cầu vào trường thường cao gấp mấy chục lần so với khả năng nhận HS nên từ nhiều năm nay nhà trường phải tổ chức thi tuyển vào lớp 6 với hai môn Toán và Văn. Năm học 2008-2009, chỉ tiêu tuyển lớp 6 của trường chỉ có 250 học sinh nhưng có tới hơn 1600 đơn đăng ký dự thi. Như vậy tỷ lệ chọi rất căng thẳng.”

Để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh HS về mô hình lớp chất lượng cao, năm nay khối THCS của trường Maricure cũng bắt đầu thí điểm tuyển sinh 2 lớp 6 với tên gọi là “lớp tiếng Anh chuẩn quốc tế”, những HS theo học lớp này thì đến cuối cấp THCS có thể sử dụng tiếng Anh tương đối thành thạo cả 4 kỹ năng. Ông Nguyễn Xuân Khang cho hay: Mỗi lớp sẽ chỉ có 20 HS. Ngoài những môn học kiến thức theo đúng chương trình- SGK phổ thông hiện hành của Việt Nam thì HS được học tăng cường tiếng Anh do chính GV người bản xứ giảng dạy.

Đắt có xắt ra miếng?

Mức học phí đối với lớp tiểu học chất lượng cao của trường Nguyễn Siêu là 120 USD/tháng, tiền ăn 25.000 đồng học sinh/ngày, tiền xe đưa đón tại nhà là 60-70 USD/tháng, đưa đón tại điểm là 300- 400.000 đồng/tháng. Còn ở bậc THCS thì mức học phí là 1,3 triệu đồng/HS/tháng; ở bậc THPT là 1,4 triệu đồng/HS/tháng… Còn ở trường Lômônôxốp, HS vào lớp chất lượng cao (20 HS/lớp) ngoài khoản học phí 700.000 đồng/tháng thì còn phải đóng 70USD/HS/tháng (với bậc THCS) và 120 USD/HS/tháng (với bậc THPT) để chi trả cho việc học theo chương trình liên kết với nước ngoài, do giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy. HS được học tiếng Anh nhiều hơn với 9 tiết/tuần… Lớp tiếng Anh chuẩn quốc tế của trường Maricure có mức học phí 1.200.000 đồng/tháng; ngoài ra HS còn phải đóng 990 USD/HS/năm học để trang trải cho việc tăng cường học tiếng Anh.

Rõ ràng, học phí của các lớp chất lượng cao vượt xa so với học phí của các lớp bình thường và với cùng bậc học ở trường công lập. Vì vậy, không phải gia đình nào cũng có thể chọn các lớp chất lượng cao là “điểm đến” cho con. Theo chị Ngọc Hải: Chỉ làm phép tính đơn giản cũng thấy tiền học của con ở lớp chất lượng cao cao hơn nhiều so với lớp thường từ 4-5 lần. Nhưng “tiền nào, của nấy”, con trẻ được quan tâm nhiều hơn, học tập toàn diện hơn và môi trường cũng tiện nghi hơn. Chúng tôi đều đã học ở nước ngoài và làm việc trong các công ty liên doanh với nước ngoài nên muốn tạo cho con bước khởi đầu thuận lợi để chuẩn bị cho hành trang đi du học sau này.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định: “Có 4 yếu tố để làm nên một lớp (trường) chất lượng cao: đó là thời lượng học tập (2 buổi/ngày); sĩ số HS/lớp; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng đội ngũ (bao gồm cả GV người Việt và GV người nước ngoài). Tại những lớp chất lượng cao này, HS được học trong phòng điều hoà, mỗi HS có 1 bộ bàn ghế riêng và mỗi tuần được học 3 tiết tiếng Anh do người nước ngoài giảng dạy. Ở bậc THCS, THPT thì học sinh được học tăng cường những môn khoa học tự nhiên như: Toán, Lý, Hoá bằng tiếng Anh và cũng do người nước ngoài giảng dạy.”

Để xây dựng “thương hiệu” trường chất lượng cao, các trường không thể không “nâng cấp” mình một cách toàn diện. Đặc biệt, với mức thu phí không hề thấp, các trường không thể không lưu tâm đến vấn đề chất lượng giáo dục đào tạo. Vì vậy, nguyện vọng gửi gắm con vào các trường, lớp chất lượng cao của nhiều phụ huynh là có cơ sở. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để có thể đăng ký cho con em mình theo học mô hình này.

Thảo Nguyên (GD&TD)

Bình luận (0)