Ngày 24/4, Bộ GD&ĐT quyết định tạm dừng tuyển sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) của ĐHDL Hùng Vương (TP.HCM) trong năm 2009. Điều đáng nói ở đây rằng ĐHDL Hùng Vương là trường đại học đầu tiên của cả nước bị tạm dừng hệ tuyển sinh TCCN.
Về nguyên nhân tạm dừng tuyển sinh TCCN của ĐHDL Hùng Vương, Bộ GD&ĐT cho rằng: ĐHDL Hùng Vương chưa thực hiện đúng các quy định về đào tạo, tuyển sinh. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu ĐHDL Hùng Vương thực hiện nghiêm túc các nội dung như tập huấn, bồi dưỡng kịp thời cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ và đội ngũ giáo viên tham gia quản lý, giảng dạy ở hệ TCCN của trường. Ngoài ra, quyết định tạm dừng tuyển sinh TCCN của Bộ là góp phần tạo cơ hội để ĐHDL Hùng Vương có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo (cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên) cho phù hợp với quy mô và ngành nghề đào tạo của trường.
Có thể nói, quyết định tạm dừng tuyển sinh hệ TCCN của Bộ GD&ĐT đối với ĐHDL Hùng Vương vừa rồi không làm giới chuyên môn cũng như các nhà quản lý GD cảm thấy ngạc nhiên. Theo tin từ Bộ GD&ĐT, trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2008, đa số các trường, nhất là các trường ngoài công lập đều mắc lỗi về quy chế tuyển sinh như tuyển vượt quá 20% chỉ tiêu, cơ sở hạ tầng thiếu thốn hay đội ngũ giáo viên không đáp ứng được yêu cầu đào tạo.
Kể từ khi ĐHDL Thăng Long ra đời (tháng 3/1998) đến nay, cả nước đã có 45 trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Sau hơn 10 năm hoạt động, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã đào tạo được trên 120 ngàn sinh viên, chiếm 12% số sinh viên trong cả nước. Như vậy, việc hình thành và phát triển hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập thực sự góp phần đa dạng hóa hệ thống giáo dục, nó chứng minh khả năng huy động sự đóng góp to lớn của mọi tầng lớp xã hội đối với nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, thực tế hoạt động đã chỉ ra nhiều yếu kém của các trường ngoài công lập mà ĐHDL Hùng Vương là một ví dụ.
Thứ nhất, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, phục vụ nghiên cứu khoa học còn quá nghèo nàn. Theo báo cáo tổng kết 10 năm ĐH, CĐ ngoài công lập thì ĐHDL Phương Đông chỉ có mặt bằng là 1,5 ha, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM là 0,6 ha. Ấy là chưa kể các trường như Đông Đô, Văn Hiến, Hùng Vương sau 10 năm thành lập vẫn phải đi thuê 100% mặt bằng.
Thứ hai, đội ngũ giáo viên cơ hữu của các trường ngoài công lập nhìn chung vừa thiếu, vừa yếu. Số giảng viên trẻ của các trường này chưa đạt yêu cầu, trong khi số giảng viên có học hàm học vị đã ở tuổi nghỉ hưu, sức yếu không đảm bảo được nhu cầu đào tạo. Ấy là chưa kể một số trường không trung thực với Bộ trong việc báo cáo số giáo viên cơ hữu của trường.
Quyết định tạm dừng tuyển sinh hệ TCCN của Bộ GD&ĐT đối với ĐHDL Hùng Vương là một trong những cố gắng đáng kể của Bộ trong việc chỉnh đốn lại hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng và TCCN ở nước ta hiện nay. Chỉnh đốn lại hệ thống giáo dục đại học, nhất là các trường thuộc khu vực ngoài công lập là việc làm cần thiết.. Hơn bao giờ hết, chất lượng đào tạo vẫn là yếu tố sống còn của nền giáo dục nước ta nói chung, giáo dục đại học nói riêng.
Thụy Anh (GD&TĐ)
Bình luận (0)