Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nấu… cỗ dạo

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Văn Mười (bên trái) đang làm thịt một con thỏ
Đến tận nhà giết mổ gia cầm, gia súc… rồi chế biến theo yêu cầu của gia chủ được gọi là nghề nấu… cỗ dạo. Một công việc mới rất “có giá” trong những năm gần đây.
Nghề không đụng hàng
Người trong nghề thừa nhận rằng, đây là công việc làm chơi mà… ăn thiệt. Tuy nhiên, hiện nay số người theo nghề này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay vì có không ít người đã giải nghệ vì lời thị phi.
Là nông dân thứ thiệt nhưng từ khi đất nông nghiệp có giá, ông Nguyễn Văn Mười (TP.Tân An, tỉnh Long An) đã bán nốt 2 công đất và chuyển sang cách làm kinh tế khác. 54 tuổi đời, ông Mười đã có “trong tay” gần chục nghề. Thấy nghề nào làm có ăn là ông theo, thường là chẳng tính toán gì hết. Trong số các nghề, có thể nói nấu cỗ dạo là nghề ông trụ được lâu nhất – 20 năm có lẻ. Ông Mười chia sẻ về cơ duyên đến với nghề: “Năm 2000, trong xóm tôi có đám cưới. Nhà người ta có sẵn heo, bò trong chuồng nhưng không ai biết mần thịt (làm thịt – PV). Nghe vậy tôi đến làm giúp, sau đó nhiều đám tiệc khác ở xóm trên, xóm dưới đều tìm đến tôi”.
Bản thân ông cũng không nghĩ công việc này lại gắn bó với mình đến nay. Ban đầu ông chỉ nghĩ mình làm giúp bà con lối xóm, đâu nghĩ sẽ trở thành nghề kiếm cơm hàng ngày. Thù lao mà ông nhận được từ gia chủ là không nhỏ, có khối người ao ước. “Có người trả công bằng 5-7kg thịt, cũng có gia đình trả bằng tiền, từ 400 đến 700 ngàn đồng tùy theo làm thịt con heo hay con bò”, ông Mười cho biết. Khi nhà có đám tiệc, để tiết kiệm chi phí nhưng muốn rình rang vui nhà vui cửa, nhiều gia đình còn nhờ ông Mười đi mua gia súc sống về làm tại nhà. Có thêm công việc này, thu nhập của ông cũng kha khá. Mỗi chuyến đi về các huyện vùng sâu mua gia súc, ông cũng được gia chủ trả công hậu hĩnh.
Nhìn vào túi đồ nghề của ông Mười mà chúng tôi lạnh cả gáy. Dao thì đủ loại với nhiều kích cỡ; búa cầm tay cũng năm, bảy cái, rồi dao lam… có tất. Ông Mười cười nhe hàm răng ố vàng bởi khói thuốc lá, nói: “Toàn là “hàng nóng”, tôi thua tụi đâm thuê chém mướn cái liều chứ “hàng” thì… chẳng kém”. Cầm hai khúc đòn to như bắp tay, một bằng gỗ và một bằng sắt đặc, ông Mười bật mí: “Thứ này dùng để gõ đầu bò hoặc trâu, khi chúng bất tỉnh mới làm thịt được”.
Gần đây, nghề này đã xuất hiện ở một số quận/huyện vùng ven TP.HCM. Ông Nguyễn Văn Chí (ngụ xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) đến với nghề cũng hết sức tình cờ. Mỗi cuối tuần, con cháu thường tập trung về nhà ông tổ chức nấu nướng ăn uống. Những dịp như vậy ông thường đi mua gà, vịt về làm thịt. Bà con lối xóm được mời đến ăn tiệc biết ông Chí thạo việc lại nấu ăn ngon, thế là vào dịp cuối tuần ông càng bận rộn hơn với những “hợp đồng” làm thịt gia súc. Có ngày có hai gia đình đến nhờ ông Chí làm giúp. Với ông, hàng ngày quanh quẩn bên vườn kiểng cũng thấy chán. “Chỉ vì “ghiền”, không mần thì thấy nhớ chứ tôi không đòi hỏi người ta phải trả thù lao. Tôi sẵn sàng mần và nấu nướng khi gia đình có tiệc nhưng đừng có nửa đêm, đang nhậu hết mồi thì đến kiếm tui là không được à nghe”, ông Chí cười khà, nói thế. So với ông Mười, ông Chí còn có những đồ nghề tự chế rất độc đáo. Đó là những nan tre, ống lồ ô vót sắc nhọn dùng để lấy tiết trực tiếp vào miệng con vật.
Chịu nhiều thị phi
Tốc độ đô thị hóa ở các vùng ven TP.HCM nhanh đến chóng mặt nhưng với người dân quanh năm chân lấm tay bùn thì vẫn còn giữ lối sống “làng xã”. Khi muốn ăn thịt heo, bò hay dê thì họ hùn tiền mua một con rồi làm thịt chia ra mỗi nhà một ít. Biết nấu nướng nhiều món nhưng chẳng ai biết làm thịt, thế là phải cầu cứu những người có nghề.
Dù công việc thuận chèo mát mái, tháng nào ít mối cũng kiếm đủ cái ăn đắp đổi qua ngày cho gia đình bốn người, song ông Mười vẫn không khỏi lo lắng vì dư luận miệt thị. Ông Mười thường phải nghe những lời đàm tiếu, dị nghị của không ít người. “Họ bảo tôi làm nghề này chỉ để kiếm cái ăn, nhậu nhẹt cho bản thân. Người ta cho rằng tôi xấu xa khi xách bịch thịt về, coi cái ăn là hơn hết. Mà chú nghĩ thử coi, tôi có đòi họ cắc bạc nào đâu, tự họ trả thù lao cho tôi đấy chứ. Họ không trả bằng tiền thì trả bằng thức ăn. Ít thì để ăn, nhiều thì mang ra chợ đổi gạo. Ở đời có ai cho không mình thứ gì bao giờ đâu. Ai nói gì thì nói chứ mình không cảm thấy hổ thẹn với chính mình là được”, ông Mười giãi bày. Đoạn ông rít một hơi thuốc, uống ngụm trà chép chép miệng rồi nói tiếp: “Người ta bảo làm nghề này không có hậu, giàu có đó rồi lại nghèo đó nhưng chú thấy đấy, tôi có giàu bao giờ đâu mà sợ nghèo?”.
Trong khi đó, vợ con của ông Chí không ưng bụng khi có người đến rước ông đi làm cái nghề này. Ghé miệng sát tai tôi, ông Chí nói: “Bả (vợ ông Chí – PV) cự chú hoài, nói chú ăn rồi đi làm cái chuyện tào lao. Tuổi gần đất xa trời rồi mà đụng con gì cũng làm thịt, không ở hiền cho con cháu nhờ”. Giọng đang nhỏ nhẹ, bỗng ông ngả lưng vào ghế dựa, huơ tay nói lớn: “Sống ở đời ai cũng nghĩ đến cái hậu, tuy nhiên làm công việc này không phải là ác. Người sống ác thì mở miệng ra đã thấy ác chứ không đợi đến lúc họ cầm dao chọc tiết con này con kia”.
Đang cao hứng, từ trong nhà, cô con dâu ông Chí cầm chiếc điện thoại “mẹ bồng con” ra đưa cho ông. Ông nheo mắt nhấn nút bật loa ngoài. Đầu dây bên kia, giọng một thanh niên oang oang: “Bác Chí hả, con là thằng Tèo đây. Bác rảnh con chạy qua chở bác đi lấy tiết con baba, thằng Út đóng đáy bắt được, bự lắm”. Bên kia vừa dứt lời, ông Chí từ chối ngay: “Tụi bây ăn uống chi mà ác vậy, ráng để ngày mai đi, trễ rồi”.
Bài, ảnh: Trần An
Nghề không dành cho người yếu bóng vía
Không phải ai cũng có thể đến với nghề này. Làm thịt phải có tay nghề thực thụ, có kinh nghiệm để làm bất kể con vật gì từ dê, bò, heo, gà… Mỗi con vật đều có cách làm thịt riêng, không con nào giống con nào. Từ cách nấu nước sôi thế nào để làm lông, con nào cần phải thui bằng rơm, cách thức lấy tiết để cho gia chủ pha rượu uống, làm thế nào để thịt không bị tanh… Tuy nhiên, hơn hết vẫn là người có “máu lạnh”, chẳng ngại khi phải cầm dao, đòn đập mạnh vào đầu súc vật. 
 

 

Bình luận (0)