“Học trò giờ không mấy đứa hồn nhiên trong sáng. Chúng nói năng rất bỗ bã, yêu đương thì thả phanh. Đi học, đi chơi luôn phải để mắt tới, sẩy ra là hỏng liền”, chị Bích Phương, một giáo viên có con gái lớn than thở.
> Để thời thiếu nữ của teen không vướng vào cạm bẫy
Đã nói là phải… đệm
“Mình thấy bây giờ nhiều bạn nói không biết ngượng hay sao ấy? Các bạn ăn mặc, nói năng cứ như thế giới này chỉ có mỗi các bạn, đôi khi bọn mình cũng phát ngượng thay”, đó là tâm trạng bức xúc của Anh Thư, học sinh trường Lương Thế Vinh khi nói về phong cách học đường của bạn bè cùng trang lứa.
Anh Thư khẳng định, có rất nhiều bạn “sính” gắn kèm những tiếng đệm trong phát ngôn của mình, mà đôi khi chính các bạn cũng không biết thêm vào như thế để làm gì. Từ đệm bình thường một ở đầu câu, hai ở cuối câu, có bạn bảo thêm vào là để “nghe cho nó nhấn”.
Những tiếng đệm như “má”, “móa”, “móa nó” thường bắt đầu cho những câu cảm thán: “Móa nó, hôm nay tớ quên đem áo mưa”; “má, con nhỏ kênh kiệu điệu đàng”… Nhưng nhiều bạn lại kèm thêm những từ đệm chẳng lấy làm hay ho gì: “đéo”, “đéo mẹ”, “vl”.. “Cái áo cậu mặc đẹp vl. thế…! Nghe lời khen cô bạn gái cùng lớp mà mình nóng ran cả mặt”, Thư nói.
Minh Hằng, trường Chu Văn An thì kể, không hiểu sao mấy bạn trong lớp em cứ hễ gọi cô bạn khác lớp, khác trường bằng hai từ: “con đĩ”. Những lý do để bạn bè trở thành “con đĩ” trong mắt của họ cũng rất ngây ngô, như chơi Audition giỏi hơn, mặc một chiếc áo đắt tiền hơn, xài một chiếc di động lòe loẹt hơn.
Mới đây, trong một clip quay cảnh nhóm nữ sinh ở Lào Cai vây đánh tập thể, rồi lột áo một bạn gái được tung lên nhiều diễn đàn, những lý do mà nạn nhân bị hạch tội cũng rất “chuối” như dám chơi trội khi đi học bằng xe… taxi. Và thôi thì một loạt những “tiếng đệm” được văng ra từ những gương mặt xinh xắn học trò này.
Bạo dạn hơn, có hẳn một bạn gái làm nguyên clip về những tiếng đệm “đéo”, “vl” rồi tung lên mạng cho mọi người thưởng thức. Với những câu đại loại như: “Phú quý sinh ra cả những cậu ấm, cô chiêu được nuông chiều nhưng đéo biết điều!”; “Vl nhất là cái thể loại xếp đẳng cấp bạn để chơi, bạn này đi xe nào, bạn kia đi xe gì, nhà có giàu hem?”.
“Mình không hiểu tại sao các bạn có thể phát ra từ miệng những tiếng kinh khủng thế. Gắn những từ chẳng lấy làm hay ho gì đâu có phải là cách để “PR” cho lời nói của mình được nhiều người chú ý đâu”, Ngọc Lan, cũng trường Chu Văn An nhận xét.
Chị Nguyễn Hoàng Ý Nhi, giáo viên môn Văn một trường phổ thông tại Hà Nội thì kể, một lần nọ chị gọi một học sinh lên bảng trả bài. Sau một hồi trả lời ậm à, ậm ực, chị hỏi quan điểm của em thế nào về tính cách nhân vật trong truyện. Vậy mà anh chàng trả lời rất vô tư, hồn nhiên: “Em cũng không biết đéo thế nào nữa”. Hôm ấy chị được bữa sốc nặng.
Chuyện ấy có là… chuyện nhỏ?
Bạn đã bao giờ xem “phim đen” chưa ? Lần đầu tiên bạn xem là khi nào, ở đâu ? Đó là câu trắc nghiệm trên một diễn đàn giới tính tuổi teen. Thật ngạc nhiên là 63% teen thú nhận đã có xem qua “phim đen”, hoặc chí ít cũng đã xem những hình ảnh đồi trụy thông qua mạng internet, sách báo nước ngoài. Độ tuổi xem “phim đen” đều ở lứa tuổi học trò, thậm chí có bạn thú nhận đã xem phim đen khi mới… lớp 5.
Nhưng từ xem phim đến… đóng phim, theo nhiều bạn trẻ có khoảng cách rất gần. Trên một forum của giới trẻ, người xem thật sự bị sốc khi chứng kiến clip của một nữ sinh cởi áo cho bạn trai hôn ngực ngay giữa lớp.
Theo cộng đồng mạng, cách biểu hiện “tình yêu” cho thấy đây không phải là lần đầu mà dường như đã thành chuyện “cơm bữa” của đôi tình nhân đang ngồi trên ghế nhà trường này. “Mình thấy nhiều bạn biết chuyện ấy sớm quá. Có bạn còn khẳng định chuyện ấy cũng “nhỏ như con thỏ”. Biết quá sớm mà lại không được trang bị kiến thức phòng tránh nên rất dễ mắc sai lầm đáng tiếc”, Mai Trang, trường Amsterdam chia sẻ.
“Quan điểm của một số bạn trẻ trong yêu đương nghiêng nhiều về… xác thịt quá. Đã vậy lại bày tỏ công khai, quá trớn. Ra công viên tập thể dục đi ngang qua ghế đá nào mình cũng phải “nhìn mà giả như không thấy”. Có hôm về phòng trọ phải ho hắng mấy lần thì đôi nam nữ mới chịu rời nhau ra để mình bước vào nhà”, Hồng Nhung, sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ.
Quan tâm, chia sẻ với trẻ nhiều hơn
“Học sinh giờ đang đánh mất dần những nét hồn nhiên, tươi tắn của tuổi học trò trong lối sống. Nhưng thay vì lên án, la mắng, người lớn phải biết cách tìm ra giải pháp để giúp đỡ cho các em tự biết cách điều chỉnh bản thân. Phải chỉ ra được đâu là cái đẹp, đâu là cái xấu, bởi ở tuổi này các em lại hay nhầm tưởng cái gì mình cũng biết hết mà thực tế là không biết sâu. Bởi khi mắc phải sai lầm các em lại hay nghĩ đến những hành động dại dột, tiêu cực”, chuyên gia tâm lý Thu Nguyệt ở Ngôi nhà Tuổi trẻ cho biết.
Anh Đức Hoàng, ở chung cư CT5 đường Phạm Hùng thì lại cho rằng, không phải vì lo sợ con cái dễ mắc nhiễm thói xấu ngoài xã hội mà ép các em phải sống khép kín, phải giám sát như hình với bóng. Điều quan trọng là các phụ huynh phải tạo cho các em một môi trường cởi mở, có thể cùng bố mẹ chia sẻ các ý kiến, các vấn đề mắc phải trong cuộc sống. Đặc biệt giúp các em tìm thấy niềm vui trong các hoạt động thể thao, giải trí lành mạnh.
“Đa phần những đứa trẻ có lối sống, hành vi ứng xử lệch lạc là do ít được bố mẹ quan tâm. Từ nói năng, ứng xử cho đến các nhu cầu giới tính chúng đều tự mày mò tìm hiểu và cũng tự giải quyết hậu quả nếu như có những sai lầm ngoài ý muốn. Gần gũi để cảm thông, chia sẻ với trẻ là phương cách hữu hiệu nhất để trẻ luôn hồn nhiên tươi tắn, đáng yêu như cái tuổi học trò của mình”, chuyên gia tâm lý Thu Nguyệt khẳng định.
Sông Lam (dantri.com.vn)
Bình luận (0)