Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12: Người lính trồng hoa

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Tài đang chăm sóc hoa
“Cứ đến trước cổng Công ty Rừng hoa Đà Lạt và hỏi “Bác Tài trồng hoa” thì ai cũng biết…”. Đó là chỉ dẫn của ông Nguyễn Tiến Hường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) phường 8, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Và tôi đã không mấy vất vả để gặp ông Phạm Văn Tài – người CCB có biệt danh này…
Xa xứ mưu sinh
Dù khá bận rộn với công việc làm nông, nhất là nghề trồng rau, hoa những ngày sắp giáp Tết, nhưng khi nghe đứa con gái út gọi điện thoại nói có phóng viên đến nhà gặp để viết bài, ông Tài đã gác lại công việc đang làm trong vườn (cách đó gần 2km) để chạy xe máy về. Với dáng dấp nhanh nhẹn rất… lính, ông niềm nở chào đón tôi từ ngoài sân và chìa đôi bàn tay thô ráp lấm chấm bùn đất để bắt tay khách.
Trong ngôi nhà khang trang mà gia đình ông nhờ những năm tháng cần cù với nghề trồng rau, hoa chắt chiu tích lũy mới xây được, người CCB dành cho chúng tôi nửa giờ trò chuyện. Ông Tài cho biết ông là người Mộ Đức (Quảng Ngãi); gia đình mấy đời sống bằng nghề nông, nhưng ở quê cũ đất hẹp mà cha mẹ ông lại đông con nên rất khó vươn lên thoát cảnh đói nghèo. Trước năm 1968, cha mẹ ông đã dắt díu 5 đứa con còn nhỏ rời quê vào Đà Lạt sinh sống (khi ấy ông Tài mới hơn 10 tuổi). Vốn liếng của cả gia đình khi đi lập nghiệp chẳng có gì ngoài những đôi bàn tay trắng và đức tính cần cù chịu thương chịu khó, ham lao động của người miền Trung gắn liền với những năm tháng cật lực khai hoang, gieo trồng trên vùng đất mới. 5 anh em ông Tài lớn lên và lần lượt 2 người anh đi bộ đội làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước. Năm 1981, đến lượt ông Tài (con trai út) cũng theo gót các anh trai xung phong đi nghĩa vụ quân sự và đóng quân tại Học viện Lục quân Đà Lạt.
Sau khi xuất ngũ (năm 1984), ông Tài trở về cưới vợ, sinh sống. Được cha mẹ chia cho 1 sào đất để làm vốn khi ra ở riêng. Trên sào đất ấy, đôi vợ chồng trẻ cất tạm căn nhà ván làm chốn đi về; diện tích đất còn lại sản xuất. Nhưng sống bằng nghề nông mà đất canh tác quá ít, vốn liếng chẳng có bao nhiêu làm sao xây dựng cơ nghiệp? Vợ chồng ông Tài bàn bạc và bắt đầu những năm tháng đi làm thuê, cuốc mướn cho các chủ nhà vườn trong vùng cốt có cái ăn, cái mặc, nuôi các con lần lượt ra đời, ăn học và tích cóp để mua đất mở rộng diện tích sản xuất… Gần 20 năm cần cù lao động, dành dụm, đến nay vợ chồng ông đã khai khẩn và mua thêm được 1ha đất sản xuất khá tươi tốt phù hợp các loại rau, hoa xứ lạnh.
Gia đình ông Tài cũng như các nhà vườn Đà Lạt – những năm trước đây chuyên trồng các loại rau, củ, quả để xuất bán cho các chủ vựa và thương lái, thu nhập chưa cao. Song, vài năm gần đây nhiều giống hoa cao cấp từ các nước được nhập vào vùng đất Đà Lạt và được các hộ nhà vườn sản xuất, chăm sóc theo quy trình công nghệ cao (nhà kính, nhà lưới, có hệ thống tưới nước, bón phân tự động) đã đem lại mức thu nhập cao so với trồng rau truyền thống. Để chắc ăn, gia đình ông Tài chuyển dần diện tích đất trồng rau sang trồng hoa (mỗi năm khoảng 1 sào) áp dụng công nghệ cao để  thử nghiệm; thấy hiệu quả thu nhập cao, gia đình ông đã chuyển toàn bộ diện tích 1ha đất vườn chuyên canh hoa các loại, chủ yếu các loại hoa cúc cao cấp như: Cúc đại đóa, cúc kim cương, hoa cát tường… có kinh tế rất cao trên thị trường hiện nay. Trừ chi phí nhân công, giống, phân, thuốc, trung bình mỗi năm, gia đình CCB này thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên. Từ một hộ khó khăn, đến nay gia đình ông Tài trở thành hộ khá giả nhất nhì trong vùng nhờ trồng hoa. Bởi vậy, biệt hiệu “bác Tài trồng hoa” trở thành quen thuộc đối với nhân dân trong vùng và  hội viên Hội CCB của phường 8, TP.Đà Lạt…
Trồng hoa nuôi 5 con học ĐH
Nhờ thu nhập cao, ngoài xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt giá trị, gia đình ông Tài đã có điều kiện cho 5 đứa con ăn học và đều được bước vào giảng đường ĐH.
Háo hức qua cuộc trò chuyện, chúng tôi đã theo chân người CCB 56 tuổi này vượt qua con đường đất quanh co, gồ ghề sỏi đá để “mục sở thị” trang trại hoa của gia đình ông. Trước mắt chúng tôi, từng luống hoa cát tường được trồng thẳng tắp lấp loáng dưới ánh nắng dát vàng của cao nguyên đầu mùa; từng khu nhà lưới rộng thênh thang được trồng các loại hoa cúc cao cấp đang nhu nhú những bông hoa quý phái đầu tiên chuẩn bị cho mùa hoa Tết bội thu của chủ nhân chúng. Khu đất bên cạnh cũng vừa được cày xới chuẩn bị xuống giống lứa hoa rằm tháng giêng nhằm tăng thêm thu nhập. (Bởi thị trường sau Tết hoa thường khan hiếm, giá cao). Tiếng máy xới đất nổ giòn tan, tiếng người làm vườn gọi nhau í ới hòa quyện với hương thơm dịu ngọt của hoa, của mùi phân tro, mùi bùn đất… tạo thành một bức tranh sinh động của vùng sản xuất rau, hoa nổi tiếng dưới chân núi Langbiang hùng vĩ trước thềm xuân mới!
Ông Tài vui mừng “bật mí”: Chuẩn bị cho Tết Giáp Ngọ sắp tới, tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng vốn để tập trung sản xuất 1,3 sào hoa cát tường (khoảng 35.000 cây), 1 sào cúc kim cương và 1 sào cúc đại đóa. Nếu giá cả ổn định như hiện nay, lứa hoa Tết này gia đình tôi chắc chắn thu nhập trên dưới 200 triệu đồng.
Nhờ thu nhập cao, ngoài xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt giá trị, gia đình ông Tài đã có điều kiện cho 5 đứa con ăn học và đều được bước vào giảng đường ĐH. Hiện 3 người con đầu đã ra trường có việc làm, chỉ còn 2 đứa con gái đang theo học những năm cuối ĐH. Ông Tài cho biết dự định sắp tới của gia đình là sẽ mua thêm 3ha đất để tiếp tục mở rộng đất sản xuất. Ông sẽ trồng thêm rau, hoa, cà phê và các loại cây trồng có giá trị khác…
Đất vườn rộng, các con có công việc riêng và đang đi học không giúp được gì nên vợ chồng ông Tài phải thuê người giúp việc; thường vào vụ thu hoạch hoa, lực lượng làm thuê cho vườn hoa nhà ông hơn 10 người. Trong đó có rất nhiều sinh viên các trường ĐH Đà Lạt, Yersin… được ông thuê làm việc và trả công từng ngày. Ông nói: “Khi các cháu sinh viên đến xin làm tôi thường ưu tiên, cái chính là giúp các cháu có thêm tiền để trang trải việc học hành…”.
Ngoài việc chí thú làm giàu kinh tế gia đình, ông Tài còn tích cực tham gia công tác của hội, ông làm Chi hội trưởng Chi hội CCB của khu phố nhiều năm nay; tham gia đóng góp cùng nhân dân trong các hoạt động xã hội, từ thiện, làm đường giao thông đi lại trong khu dân cư…
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng
Gia đình văn hóa gương mẫu
Trong gia đình, ông Tài thường xuyên giáo dục con cháu gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; những quy định của khu dân cư… Nhờ đó, liên tục nhiều năm qua, gia đình ông được nhận nhiều bằng khen, giấy khen; được biểu dương gia đình CCB gương mẫu; được công nhận gia đình văn hóa, gia đình hiếu học…
 
 

Bình luận (0)