Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12: Điểm tựa của nhà giàn

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu tá Lê Quang Ninh hạnh phúc bên vợ và con vừa tròn 1 tháng tuổi
“Nhà giàn thêm vững nhờ hậu phương”. Đó là tâm sự của Thiếu tá Lê Quang Ninh, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/15, như lời cảm ơn đến các mẹ, các chị có chồng và con đang công tác tại nhà giàn DK1 cũng như các quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Vợ hạ sinh đứa con thứ hai sắp tròn tháng cũng là lúc Thiếu tá Lê Quang Ninh được về phép. Chia sẻ của vợ chồng anh càng làm cho chúng tôi hiểu rõ hơn cuộc sống của người lính nhà giàn và sự hy sinh cao cả của những người mẹ, người vợ ở hậu phương giúp các anh vững tay súng bảo vệ thềm lục địa của Tổ quốc.
4 năm và hàng ngàn cánh thư
18 năm trước, chàng thanh niên Lê Quang Ninh rời đất học Hà Tĩnh vào Nam học Trường Sĩ quan Lục quân 2 (nay là Trường ĐH Nguyễn Huệ – PV), chuyên ngành chỉ huy quân chủng hợp thành. Năm 2000, vừa hoàn thành chương trình học, anh tình nguyện ra nhà giàn công tác. Đây là ước nguyện của anh ngay từ những ngày đầu đặt chân đến giảng đường.
Sau 5 năm công tác ở nhà giàn DK1/15, Thiếu tá Ninh lập gia đình. Vợ anh là người cùng quê, tên Cao Thị Thúy Kiều, kém anh 5 tuổi. Anh Ninh nhớ lại: “Lần về phép đầu tiên năm 2002, đến nhà đồng đội chơi thì gặp cô hàng xóm của đồng đội. Cô hàng xóm và là đồng hương ấy chính là vợ tôi bây giờ”. Sau lần gặp ngắn ngủi ấy, cả hai chưa biết gì về nhau, ngoài… cái tên. Lúc bấy giờ, sóng điện thoại chưa có nên suốt 4 năm ròng, họ chỉ tâm sự với nhau qua thư. “Trung bình 70 ngày mới có chuyến tàu từ đất liền ra đảo và ngược lại. Trong thời gian chờ tàu, có hàng chục lá thư được viết cho nhau. Qua những dòng tâm sự, chúng tôi nhận ra hai người có cái gì đó đồng điệu, rồi quyết định đi đến hôn nhân”, Thiếu tá Ninh nói. Anh chị có nhớ mình đã viết cho nhau bao nhiêu lá thư?, chúng tôi hỏi. Cả hai nhìn nhau cười rồi cùng trả lời: “Cỡ hàng ngàn lá”.
Dù lời yêu chỉ thể hiện qua những cánh thư nhưng niềm tin cho nhau là tuyệt đối. Thế mà có bận, vì hiểu lầm mà chị giận anh và tưởng chừng tình yêu không thể hàn gắn được. Qua thư, nhiều lần anh báo tin sắp về phép nhưng anh không về. Chị ngóng trông vô vọng. “Sau này qua đồng đội của anh Ninh mới hiểu, cứ đến ngày lên tàu về phép thì gặp sóng to, dâng cao 12m, đành phải ở lại chờ chuyến tàu sau. Chuyến sau thời tiết lại xấu hơn chuyến trước, thế là đành lỗi hẹn. Đang yêu nhau mà như thế thì ai không giận”, chị Kiều nhớ lại.
Sau ngày cưới, anh chị vẫn tiếp tục cuộc sống nơi nhà trọ ẩm thấp, tồi tàn và nóng bức. Đó cũng chính là lý do vợ chồng anh chưa dám có em bé. Biết chuyện, nội ngoại hai bên gom góp mua một mảnh đất nhỏ ở P.Linh Đông, Q.Thủ Đức (TP.HCM) rồi xây nhà cho vợ chồng anh. Nhà cửa ổn định, lo chị một mình buồn tẻ, vợ chồng quyết định có em bé cho vui nhà vui cửa. Cháu Lê Ngọc Ánh (hiện học lớp chồi) chào đời lúc không có anh bên cạnh. Và lần về phép này, anh có thêm niềm vui: Bé gái Lê Ngọc Châu vừa tròn tháng tuổi. Trước ngày cưới, chị Kiều làm việc ở Công ty Nhựa hàng không với đồng lương kha khá nhưng phải nghỉ việc để nuôi nấng và chăm sóc con cái. “Vừa làm mẹ, vừa làm cha, có những lúc cảm thấy đuối sức nhưng tôi đã xác định làm vợ lính nhà giàn thì phải chấp nhận để vượt qua”, chị Kiều tâm sự.
Vượt qua khắc nghiệt
So với các đảo, cuộc sống sinh hoạt, công tác của các chiến sĩ nhà giàn khắc nghiệt hơn nhiều. Thiếu tá Ninh trải lòng: “Ở đảo còn có đất, nhà giàn thì không. Chính vì thế mà không ít chiến sĩ vừa đặt chân lên đất liền đã bị say đất, phải nằm viện đến hết tháng phép. Đảo còn có nước lợ ở giếng san hô, nhà giàn thì chỉ trông chờ vào những ngày mưa nên chắt chiu từng giọt. Tiêu chuẩn của mỗi cán bộ, chiến sĩ 10 lít nước ngọt/ ngày. Mọi người tắm đứng trong chậu rồi lấy nước đó cho vào bao tải cát để lọc tưới rau. Nhà giàn cũng trồng được rau xanh nhưng phụ thuộc vào thời tiết. Thường rau đến ngày thu hoạch thì gió bão làm hư hỏng. Và muôn vàn khó khăn khác nhưng chưa bao giờ lính nhà giàn chịu đầu hàng”.
13 năm công tác ở nhà giàn nhưng chỉ có 3 năm được đón Tết ở đất liền. Thiếu tá Ninh nói: “Để anh em chiến sĩ chưa được về phép trong ngày Tết yên tâm công tác, bản thân người chỉ huy phải gạt bỏ tất cả niềm thương nỗi nhớ. Tạo không khí Tết ở nhà giàn như ở nhà thì không thể nhưng sự yêu thương, đoàn kết của anh em cán bộ chiến sĩ cũng giúp mọi người cảm thấy ấm áp”. Cái Tết ở đất liền gần đây nhất của anh là năm 2009. Đến thời điểm này, anh cũng chưa biết có được đón Tết cùng vợ con hay không. Vì thế mà những ngày qua, anh chưa đi đâu xa, cố dành trọn thời gian phép bên vợ con. “Nếu được ở lại, tôi sẽ đưa vợ con đi thăm bạn bè và ngắm Tết Sài Gòn”, anh Ninh cho hay.
Dù lời yêu chỉ thể hiện qua những cánh thư nhưng niềm tin cho nhau là tuyệt đối.
Căn nhà của Thiếu tá Ninh nằm ở cuối con đường nhỏ đã được bê tông hóa nhưng thường xuyên ngập do triều cường. Những ngày anh về phép, đỉnh triều cao, tận mắt chứng kiến cảnh nhà ngập lênh láng anh càng thương yêu vợ hơn vì vừa bụng mang dạ chửa, vừa phải lo cho con nhỏ và còn phải dọn dẹp, đưa đồ đạc lên cao. Sau lần về phép trước, anh trở lại đảo tâm sự với anh em chiến sĩ chuyện nhà anh vẫn chưa có nước sạch. Tuy nhiên, nhiều người không tin và cho rằng anh nói thế là để động viên, an ủi anh em sống trong cảnh thiếu nước ngọt. Chỉ tay về phía dãy nhà bên kia đường cách chục mét, anh Ninh nói: “Bên đó có nước sạch rồi nhưng không hiểu sao bên này lại chưa”. Chuyện nhỏ với mọi người trong xóm nhưng không nhỏ đối với những gia đình không có đàn ông nhưng anh chưa bao giờ nghe vợ than thở. Có thể chị biết rằng mình đã quen với cuộc sống một người vợ của lính nhà giàn. Mọi khó khăn ở đất liền chỉ là chuyện bé như hạt cát so với những khó khăn, thiếu thốn ở nhà giàn.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Luôn giữ vững ý chí chiến đấu
Các bạn trẻ đừng lãng phí thời gian. Sống có bản lĩnh và trách nhiệm, ra sức học tập, trang bị kiến thức tốt nhất để góp phần bảo vệ thềm lục địa của Tổ quốc. Lớp trẻ ngày nay hiểu về nhà giàn có phần hạn chế nên cần phải trau dồi, tuyên truyền để mọi người nhận thức, hành động đúng đắn. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, chúng tôi gửi lời cảm ơn đến các mẹ, các chị, các bạn, các em đã, đang và sẽ làm vợ lính nhà giàn chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của chúng tôi. Nhà giàn thêm vững nhờ hậu phương. Sự bình yên nơi thềm lục địa của Tổ quốc có công sức rất lớn của các mẹ, các chị. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, bản lĩnh chính trị để bảo vệ sự bình yên của đất nước.
Thiếu tá Lê Quang Ninh
 
 
 

Bình luận (0)