Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Chiến khu bưng biền huyền thoại

Tạp Chí Giáo Dục

Các bạn trẻ tặng hoa cho cán bộ lão thành cách mạng từng chiến đấu ở chiến khu bưng biền
Cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược đã đi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng những câu chuyện, hồi ức về vùng chiến khu bưng biền huyền thoại nay lại được tái hiện qua lời kể của những người đã một thời hoa lửa trên quê hương Đồng Tháp Mười trong buổi giao lưu “Đồng Tháp Mười: Chiến khu bưng biền huyền thoại” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên vừa qua.
Căn cứ địa kháng chiến giữa lòng dân
Ai đã từng sống và chiến đấu tại chiến khu Đồng Tháp Mười hẳn sẽ không bao giờ quên câu hò văng vẳng trên sông: “Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh. Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm. Muốn ăn bông súng, mắm kho, thì vô Đồng Tháp ăn no đã thèm”, càng không thể quên những ngày tháng gian nan nhưng không kém phần hào hùng, oanh liệt thời kỳ đất nước kháng chiến. Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Tòng (bí danh Sáu Tòng) – nguyên Phó chính ủy Quân đoàn 4 – chiến khu bưng biền là vùng đất với những đồng năn, đồng lác rộng bát ngát, hệ thống kênh rạch chằng chịt, mùa nắng đất khô cỏ cháy, mùa mưa nước ngập đầy đồng. Lội bộ vào đó mùa khô còn vất vả đủ bề, chứ nói gì tới mùa mưa lụt lội. Nhưng chính địa thế phức tạp ấy lại là nơi được chọn đặt đại bản doanh của Ban chỉ huy cách mạng Xứ ủy Nam Kỳ và cũng là nổi ám ảnh của giặc Pháp lúc bấy giờ. Từng có một khoảng thời gian dài, giặc Pháp không dám đưa quân tấn công Đồng Tháp Mười vì nỗi sợ muỗi mòng, đỉa vắt và rắn độc. Những trận đánh của chúng chỉ tấn công được ở vùng ven nên không gây tổn hại đáng kể cho quân ta. Nhờ đó, trong suốt 4 năm (1946-1949), chiến khu Đồng Tháp Mười đã trở thành “mồ chôn giặc Pháp”, là thành trì an toàn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của quân dân và Xứ ủy Nam Kỳ. Về với chiến khu là về với vùng đất cách mạng, về với “Thủ đô kháng chiến giữa bưng biền”.
Và ở nơi vùng đất hoang sơ hiểm trở ấy, đêm từng đêm, các cô du kích vẫn chèo thuyền trên sông để tiếp lương, tải đạn, làm giao liên tiếp tế cho cách mạng. Cũng ở vùng đất cách mạng này, quân và dân miền Nam đã cho ra đời một đội quân đặc biệt, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ chính quyền ngay tại thời điểm đó và cả sau này: Đội quân không báo. Theo ông Trần Hữu Phước (bí danh Hai Phước) – nguyên thư ký của ông Lê Đức Thọ – đây là đội quân bồ câu đưa thư do ông Nguyễn Văn Thụy (tức Ba Thụy) chịu trách nhiệm. “Lúc đầu chỉ có ba cha con ông Ba Thụy tham gia đội quân này. Họ đi lùng mua từng con chim bồ câu non về nuôi dưỡng và dạy theo sách của người Pháp in ra. Về sau, đội quân được mở rộng với 10 chiến sĩ, nuôi dạy hơn 50 con chim bồ câu phục vụ cho việc đưa thư, truyền tải tin tức. Nhờ đội quân “di động” này mọi thông tin liên lạc từ chiến khu tới các khu vực được kịp thời, chính xác, tránh được sự tổn thất đáng kể về người và của. Tháng 6-1950, nhờ thông tin kịp thời của chim bồ câu mà ta đập tan được âm mưu đánh phá của thực dân Pháp, bảo toàn lực lượng cho chiến khu và đồng bào các khu vực lân cận”, ông Hai Phước nhớ lại.
Thắm tình quân dân cá nước
Không chỉ làm cho kẻ thù khiếp sợ về tinh thần chiến đấu quả cảm, Đồng Tháp Mười còn khiến chúng nể phục về cuộc sống, sinh hoạt khá đặc biệt của người dân ở nơi tứ bề nước nổi với biết bao khó khăn vẫn làm nên huyền thoại. Giặc Pháp không cho lưu hành tiền Đông Dương, tiền lưu hành thời Nhật chiếm đóng, ta ứng phó bằng việc xé đôi và sử dụng một nửa tờ tiền có mệnh giá 50 đồng, 100 đồng nhưng vẫn còn nguyên giá trị như tờ tiền lành lặn, in phiếu tiếp tế và tín phiếu lưu hành trong chiến khu và nhân dân các tỉnh Nam bộ với nhau. Để không phải sử dụng tiền Pháp, ta còn cho in một loại tiền Việt Nam bằng giấy có mệnh giá 5 đồng, 20 đồng, 100 đồng… bằng máy in offset của Đức. “Sau năm 1954 thì đồng tiền có in hình Cụ Hồ mới được một số cán bộ mang vào chiến khu nhưng vẫn không thể sử dụng được vì miền Nam còn nằm trong tay của kẻ thù xâm lược. Nhưng không ít đồng bào đã đổi lấy tiền Cụ Hồ chỉ để giữ làm kỷ niệm, đủ để thấy tình cảm nhân dân miền Nam dành cho Bác lớn đến thế nào”, ông Trang Sĩ Liêm (Ba Liêm) – nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – bồi hồi kể lại.
Không chỉ giúp nhân dân ổn định vấn đề tiền tệ, kinh tế, vận động điền chủ hiến đất, hiến điền, khai hoang mở cõi… cán bộ cách mạng còn giúp nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, xóa mù chữ. Theo lời ông Võ Anh Tuấn (Sáu An) – nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ – tinh thần học chữ của nhân dân vùng chiến khu bưng biền quyết tâm cao lắm. Không có bàn ghế thì ngồi dưới đất; không có bảng phấn thì lấy que, lấy gạch vạch lên đất mà học, người chữ nhiều dạy cho người chữ ít. Nhân dân hồi đó hầu như phải học vào ban đêm vì ban ngày còn phải sản xuất, lớp học không đủ ánh sáng thì những bài vè về chữ ra đời. Những câu vè “O tròn như quả trứng gà, Ô thời đội mũ, Ơ thời mang râu…” được nhân dân truyền đi rộng khắp trong thời đó. “Nhân dân đi chợ, cán bộ còn ra chợ để kiểm tra, ai thuộc chữ, thuộc vần mới được vào khiến cho tinh thần học tập sôi nổi hơn bao giờ hết. Cái cảnh cháu dắt bà ngoại đi học thì đâu đâu trên khắp bưng biền cũng có. Lĩnh vực điện ảnh thời kỳ kháng chiến cũng được phôi thai và phát triển tại đây, mang đến cho quân dân cả nước những thước phim chân thực về đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân miền Nam”, ông Sáu An nói.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Chính những năm tháng nơi bưng biền huyền thoại đã giúp cho tôi và nhiều cán bộ sau này trưởng thành, có những bài học làm hành trang cho hoạt động chính quyền, ngoại giao về sau. Thời nào cũng vậy, chỉ cần chúng ta có quyết tâm, có tấm lòng với nhân dân thì bất kể việc gì cũng được nhân dân ủng hộ”, ông Sáu An khẳng định.
 

Bình luận (0)