Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Xóm… đầu trọc

Tạp Chí Giáo Dục

Khu nhà trọ dành cho bệnh nhân ung thư trên đường Trần Văn Kỷ có người thuê đông nhất
Bao bọc xung quanh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có gần chục xóm trọ mà người dân thường gọi bằng cái tên mang hơi hướng rất giang hồ: Xóm… đầu trọc.
Tuy nhiên, ở đây không phải là nơi sinh sống của giới anh chị “đầu trọc” thứ thiệt mà là nơi trú ngụ của phụ nữ, trẻ em đã bị rụng tóc, cạo trọc đầu sau các đợt xạ trị điều trị bệnh ung thư.
Chốn trọ cuối đời
Hàng trăm phòng trọ lớn, nhỏ ở các con hẻm thuộc đường Trần Văn Kỷ, Nơ Trang Long, Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh)… từ nhiều năm nay người thuê phần lớn là người… đầu trọc. Đa phần là phụ nữ, trẻ em mắc bệnh ung thư đang được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu. Bà Nguyễn Thị Ngọ, chủ nhà trọ ở hẻm số 1 đường Trần Văn Kỷ, nói như thách đố: “Ở cả con đường này, tìm một người thuê trọ mà đầu còn tóc thì hơi bị khó”. Vì có nhiều xóm trọ dành cho bệnh nhân ung thư nên khi người thân tìm thăm, các bác xe ôm hay cô hàng nước thường phải hỏi lại: “Xóm đầu trọc thuộc đường nào, hẻm nào?” thì mới có thể trả lời chính xác.
Nhà của bà Ngọ chỉ vỏn vẹn 37m2, ngoài 4 phòng trên gác, tầng trệt phía trước là nơi bán hàng ăn, tạp hóa phục vụ bệnh nhân, phía sau tận dụng ngăn thêm hai phòng nhỏ cho thuê. “Họ chỉ cần chỗ ngã lưng nên chọn phòng nhỏ. Hơn nữa phòng lớn thì người bệnh không có tiền trả”, bà Ngọ cho biết. Nhà bà Ngọ có hơn chục người thuê. Ngoài hai cháu gái đến từ huyện Măng Thít (tỉnh Vĩnh Long) cùng mắc bệnh ung thư máu là các cô, các chị bị bệnh ung thư khác… đến từ các tỉnh/thành như Hậu Giang, Bạc Liêu, Đắk Lắk, Bình Phước… Người thì mới phát hiện bệnh, chị thì mắc bệnh đã 2-3 năm. Cũng có không ít người bệnh đã vào giai đoạn cuối, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh như sợi chỉ.
Trong số hơn chục người thuê trọ tại đây, chỉ 3 người có điều kiện thuê hẳn mỗi người một phòng với giá 1 triệu đồng/tháng, được chủ nhà bao điện nước. Số còn lại đều ở ghép hoặc trả tiền theo ngày với giá từ 15.000-20.000 đồng/ngày…
Ngày mới ở xóm đầu trọc bắt đầu khá sớm. Tầm 5 giờ 30 sáng, hàng quán quanh khu trọ đã mở cửa đón khách. Vì chủ yếu phục vụ bệnh nhân ung thư, điều kiện kinh tế khó khăn nên những món điểm tâm cũng khá đơn giản như bánh mì, bánh ướt, bún riêu, cháo lòng, giá cả hết sức bình dân. Đó là những bữa sáng chiếu lệ để bệnh nhân cầm cự, chống chọi với các đợt xạ trị. Bà Phan Thị Liên, chủ hàng ăn ở góc đường Nguyễn An Ninh – Trần Văn Kỷ, nói: “Bán những món khác đắt tiền hơn, đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh thì họ không đủ tiền để ăn. Bữa sáng của họ chỉ tầm 10.000-20.000 đồng. Có người chỉ ăn ổ bánh mì không hay tô cháo trắng giá 5.000 đồng coi như xong bữa”.
Điều đặc biệt là hầu hết hàng quán trong xóm đầu trọc chỉ mở cửa từ sáng sớm đến tầm 10 giờ là dọn. Theo bà Liên, mở cửa buổi trưa cũng chẳng có mấy khách. Trưa, chiều bệnh nhân ung thư nhận cơm từ thiện ở bệnh viện. Trước đây còn bán được cho khách vãng lai nhưng chỉ được một thời gian vì họ ngại nhìn đâu cũng thấy người bệnh. Bà Liên chia sẻ: “Khi mới mở quán, bệnh nhân ung thư đến tôi cũng ngại lắm nhưng nghĩ rằng, cuộc sống của họ không còn dài, mình phải phục vụ hết lòng như những người khách bình thường. Dần dà, khách đến quán có hơn 90% là bệnh nhân ung thư”.
Nỗi lòng mấy ai thấu hiểu
Đến xóm đầu trọc, quan sát cuộc sống, sinh hoạt của những bệnh nhân ung thư, chúng tôi đều có chung một cảm giác nặng nề khó tả. Không khó để bắt gặp những nét mặt đầy ưu tư, lo lắng, căng thẳng và thậm chí bực dọc.
Ghé vào một quán điểm tâm trong con hẻm nhỏ phía sau Bệnh viện Ung bướu, đúng như lời bà Ngọ nói, chúng tôi không thấy người nào… có tóc. Nhìn quanh từ trong ra ngoài quán đều là đầu trọc. Người thì quấn khăn kín đầu, đội thêm chiếc nón; số khác để đầu trần với loe hoe vài sợi tóc sau thời gian xạ trị. Khác với những quán ăn khác, tại đây họa hoằn lắm mới bắt gặp tiếng cười lạc quan từ người bệnh. Có lẽ vì căn bệnh quái ác kia đã khiến họ phải lặng lẽ, phải khép mình bởi lòng tự ti, mặc cảm. Người bệnh với nhau, những cuộc trò chuyện cũng hiếm thấy, ăn xong họ lầm lũi về bệnh viện. 
Tại đây, chúng tôi gặp mẹ con chị Nguyễn Thị Dung (xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Lên 5 tuổi, con gái chị Dung là Võ Thị Luyến mắc bệnh ung thư máu. Từ đó đến nay đã gần 4 năm Luyến gắn cuộc sống của mình nơi bệnh viện. Từ ngày phát hiện Luyến mắc bệnh, nhà có 2 công đất trồng mì cũng đã bán rẻ lấy tiền thuốc thang. Gia đình neo đơn, chị Dung phải một tuần bán cá ở thị xã Lagi để kiếm tiền vào chăm sóc con vài ngày. Dù đã lên 9 tuổi nhưng Luyến nhỏ thó, xanh xao đến thảm hại. Hỏi chuyện học hành, khóe mắt em ngấn lệ: “Con học lớp học tình thương trong bệnh viện nhưng chỉ được 2-3 buổi/tuần vì sức khỏe yếu”. Chị Dung cũng không thể giấu ánh mắt tràn đầy tình yêu thương nhưng có phần bất lực trước nghịch cảnh: “Bác sĩ nói sự sống của cháu chỉ kéo dài chừng hơn năm nữa nếu thuốc men, tinh thần ổn định. Tôi tính đưa cháu về nhà, chuyện gì tới hẵng hay nhưng không thể”.
Những con người không may mắc căn bệnh quái ác này đã là nỗi bất hạnh. Song trong số họ, ít có người tự tin mà họ luôn cảm thấy mình bị ruồng bỏ, ghẻ lạnh. Chị Dung tâm tư: “Hôm đưa cháu qua Bệnh viện Truyền máu huyết học để truyền máu. Trong thời gian chờ, sợ cháu đói tôi vào quán gọi một tô phở rồi mượn cái chén chia cho cháu nhưng người ta không bán. Tôi hỏi lý do thì người bán trả lời “Mua đi chỗ khác ăn thì được, bệnh đau thế này ngồi đây chẳng khách nào dám ghé nữa””.
Đến xóm đầu trọc, quan sát cuộc sống, sinh hoạt của những bệnh nhân ung thư, chúng tôi đều có chung một cảm giác nặng nề khó tả. Không khó để bắt gặp những nét mặt đầy ưu tư, lo lắng, căng thẳng và thậm chí bực dọc. Những đứa trẻ trong cái tuổi hồn nhiên, vô tư kia cũng không thể sống đúng nghĩa với tuổi thơ của mình vì biết rõ ngày mai, ngày kia chúng sẽ không còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Cái hồn nhiên không thắng nổi cái chết, hơn nữa cái nặng nề, u uất trên gương mặt cha mẹ khiến chúng không thể tươi vui hơn, dù đã cố gắng.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Sống chan hòa, chân tình
Những mảnh đời kém may mắn ấy đến từ nhiều miền quê nghèo khó, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Tuy khác nhau từ nếp sinh hoạt, cách nghĩ nhưng do mang cùng bệnh tật nên họ thích nghi nhanh với cuộc sống chung. Bà Nguyễn Thị Ngọ, chủ nhà trọ ở hẻm số 1 đường Trần Văn Kỷ, cho biết: “Tôi cho thuê thế này hơn chục năm, đã có nhiều người qua đời vì căn bệnh ung thư nhưng giữa những người thuê trọ chưa bao giờ có chuyện xích mích, nặng lời với nhau”. 
 
 

Bình luận (0)