Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Đà Giang kí sự

Tạp Chí Giáo Dục

Một góc chợ Bờ
Sông Đà từng nổi tiếng dữ dội với những thác ghềnh được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả trong tác phẩm Người lái đò sông Đà (SGK Ngữ văn lớp 12) là “đá núi sắc nhọn như nanh vuốt và những cái hút nước cuồn cuộn luồng gió gùn ghè như chực nuốt người”…
Sông Đà còn được gọi là sông Bờ hay Đà Giang, dài gần 1.000km chảy qua Việt Nam và Trung Quốc (khoảng 400km) với khoảng 2,2 triệu người sinh sống ven bờ. Sông Đà là một con sông kì lạ với nước xanh màu ngọc bích, dòng chảy về phía Bắc khác hẳn các con sông khác đều đổ về hướng Đông.
Nghe con gái nhà văn Nguyễn Tuân kể chuyện
Nghe tôi hỏi về tác phẩm Người lái đò sông Đà, họa sĩ Thu Giang (con gái út của nhà văn Nguyễn Tuân) kể có lần chị nghe một nhà văn trẻ hỏi  nhà văn rằng ông đã viết Người lái đò sông Đà như thế nào, ông trả lời ngắn gọn “tôi đi, tôi thấy và tôi viết”…
Để cho ra đời tác phẩm đặc sắc lay động lòng người như thế, nhà văn đã lăn lộn suốt mấy năm ròng từ 1956-1960 khắp vùng Tây Bắc, mỗi vùng có khi ông ở hẳn vài tháng để tìm ra “cái vàng mười” của con người nơi đây.
Có một điều ít người biết, khi tác phẩm ra đời được mọi người hồ hởi đón nhận, ông vẫn đau đáu trong lòng vì “chỉ mới tạm hài lòng” chứ cảm hứng từ sông núi hùng vĩ và tình cảm đồng bào dân tộc nơi núi rừng Tây Bắc “còn lớn lắm mà chưa “nhả chữ” ra hết được…”.
Họa sĩ Thu Giang kể: Bố từng tâm sự với chị rằng nhân vật ông lão lái đò kiêu hãnh trên dòng sông Đà dữ dội mà trữ tình ấy không dựa vào một nhân vật cụ thể nào mà góp nhặt từ rất nhiều ông lái đò nhà văn từng có dịp làm quen, trải thời gian nay chẳng còn ai nữa.
Chị tiết lộ một điều hết sức bất ngờ: Ông lão lái đò kiêu hãnh ấy mang bóng dáng của chính con người nhà văn Nguyễn Tuân: Phóng khoáng, yêu thiên nhiên và không bao giờ chịu gò bó vào bất cứ cái gì.
Cuộc sống của người lái đò là cuộc chiến mỗi ngày với thác ghềnh hiểm nguy giống như một người lính trên chiến trường ác liệt vậy. Sóng nước như những kẻ thù sát nách nhưng ông lão lái đò cũng như bản thân nhà văn vẫn hùng dũng đạp sóng để tiến về phía trước. Sâu xa và thú vị hơn nữa, giữa dòng chảy văn học cuồn cuộn thời đại mình, Nguyễn Tuân muốn dấn thân theo dòng chảy mới để tìm ra niềm vui mới lạ cho dù luôn gặp nhiều thác ghềnh. Đó chính là tính cách thật của con người nhà văn Nguyễn Tuân, vốn nổi danh ở đất Hà thành là hào hoa lịch lãm nhưng kiêu bạc, khí phách.
Chị Thu Giang cho biết không còn tài liệu ghi lại quá trình ông đi thực tế viết bài Người lái đò sông Đà như thế nào, chỉ nghe nhà văn hay nhắc đến chợ Bờ, thác Bờ (Đà Bắc, Hòa Bình) – nơi ông thấm tình với bà con người dân tộc.
Băng sông Đà kịp phiên chợ Bờ độc đáo

Sông Đà nên thơ
Đường về địa danh chợ Bờ, nơi trong tác phẩm người lái đò từng nói “chỉ muốn cắm thuyền ở chợ Bờ” chẳng dễ chút nào.
Chợ Bờ được xem là ngôi chợ thú vị và xưa nhất tỉnh có trước cả cái tên Hòa Bình. Khi tỉnh lị ra đời vào năm 1886, trung tâm tỉnh được đặt gần chợ Bờ cũng có tên là tỉnh Chợ Bờ.
Từ TP.Hòa Bình, mất gần hai giờ đi xe gắn máy vượt hơn 20km đường đèo dốc ngoằn ngoèo trong làn sương mù mờ mịt buổi sáng, tôi cũng đến được bến Thung Nai (huyện Cao Phong) để đón ghe sang xã Vầy Nưa (huyện Đà Bắc) cho kịp phiên chợ chỉ nhóm họp duy nhất một sáng chủ nhật trong tuần.
Sông Đà mênh mông, nước xanh “màu ngọc bích”, những ngọn núi đá nhô cao như bềnh bồng giữa làn nước bao la đẹp đến lạ thường. Người ta gọi đoạn sông này là “vịnh Hạ Long vùng cao” chẳng ngoa chút nào. Chợ Bờ không quá đông đúc nhưng cũng khá nhộn nhịp. Những chiếc tàu, ghe từ rất nhiều vùng, đa phần từ dưới xuôi mang hàng hóa đến buôn bán và trao đổi các sản vật như cá sông Đà, gà vịt, rau quả… của bà con quanh vùng.
Những hàng hóa tưởng như rất bình thường ở vùng xuôi: Tập vở, viết, kim chỉ, mì gói, thuốc uống… lại bán rất chạy. Với đồng bào dân tộc, đời sống vốn khốn khó, đó lại là những thứ rất quý. Rực rỡ và thu hút khách ngày Tết nhất vẫn là các mặt hàng đặc trưng vùng cao như quần áo, khăn, nón… của đồng bào dân tộc Thái, Dao, Mường ven sông Đà.
Đến đây bạn không thể không thử món cá nướng  được đánh bắt ngay trên sông Đà ngon tuyệt làm níu chân khách phương xa… Cụ bà người dân tộc Thái, Hà Thị Lả (80 tuổi) cho biết ngày xưa đến giờ vẫn vậy, mỗi phiên chợ Bờ được coi như một ngày vui nên mọi người nhất là thanh niên tuần nào cũng rủ nhau vượt chục cây số xuống để gặp gỡ mua bán trao đổi.
Khi sông Đà bị ngăn lại để làm thủy điện, cả một vùng rộng lớn giờ đây ngập mênh mông, những ngọn núi cao vời vợi trở thành những hòn đảo bềnh bồng đẹp đến lạ thường…
Dù hôm nay bà chỉ đủ tiền ăn gói xôi rồi về nhưng vẫn thấy rất vui chứ “ở nhà khó chịu cái bụng lắm”. Còn nhóm học sinh Trường THCS Vầy Nưa là Bùi Thị Thân (dân tộc Mường), Lò Thị Là (dân tộc Dao) vẻ mặt rạng ngời dù mỗi em chỉ đủ tiền sắm cho mình mỗi cây bút và cái kẹp mới. 
Trên chiếc ghe bầu chòng chành sóng nước, hai chị em bạn Nguyễn Thị Thùy và Tuấn Anh (học sinh lớp 12, Trường THPT Mỹ Đức) cho biết ngày cuối tuần, cả hai vừa từ Hà Tây đón xe lên phụ mẹ buôn bán.
Cô Hoan (mẹ của Thùy và Tuấn Anh) ở chợ Bờ được hơn chục năm nay tâm sự: “Buôn bán ở đây chẳng lời lãi bao nhiêu nhưng thấm cái tình rất đậm đà của bà con dân tộc, thêm nỗi nhớ sông Đà âm ỉ nên ngay từ lần đầu đến đây, cô quyết định gửi hai con về xuôi đi học  rồi “cắm thuyền” nơi này…”.
Chia tay sông Đà với vẻ đẹp như tranh, lòng tôi dâng tràn nhiều cảm xúc khó tả. Ngày nay, “Hạ Long vùng cao” còn mang một sứ mệnh lịch sử mang dòng điện sáng từ các thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu cho cả vùng Tây Bắc hùng vĩ giúp đời sống bà con dân tộc ngày càng giàu đẹp hơn…
Bài, ảnh: Nhã Uyên
Nhiều danh lam thắng cảnh đẹp
Trên đường đến chợ Bờ, thuyền còn đưa tôi qua những danh lam thắng cảnh đẹp mê hồn như Động Thác Bờ, đền Chúa Thác Bờ với hang sâu, nhiều tầng thạch nhũ lung linh soi bóng nước vô cùng bí ẩn dù mới đây đã được Nhà nước công nhận di tích danh thắng quốc gia nhưng hiện vẫn chưa nhiều người biết đến… Tại đền Chúa Thác Bờ (ngày xưa nổi tiếng hiểm trở nên nhân dân thờ Bà Chúa cai quản cả miền Tây Bắc) cách chợ Bờ khoảng nửa giờ ghe chạy, tôi bắt gặp đoàn sinh viên Trường ĐH Luật (Hà Nội) cũng vừa đến. Bạn Phùng Thị Ánh (sinh viên năm 1) cho biết do ấn tượng sông Đà hùng vĩ trong tác phẩm Người lái đò sông Đà nên cả lớp quyết định tổ chức hẳn một chuyến đi đến nơi này. “Không còn cái dữ dội của sông Đà ngày xưa nhưng giờ đây mình cảm nhận hết sự trữ tình, hiền hậu của sông Đà như nhà văn mô tả “tuôn dài như áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc…” rồi đó”, bạn Ánh nói.
 
 

Bình luận (0)