Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bảo vệ có làm khó dễ?!

Tạp Chí Giáo Dục

Trong nhà trường, Ban giám hiệu cần xây dựng hệ thống văn bản, nội quy rạch ròi để mọi người cùng thực hiện (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh
Tình huống: Trống trường vang lên, học sinh nhanh chân xếp hàng vào lớp. Cổng trường khép lại. Tiết học thứ nhất đã bắt đầu. Bỗng có tiếng nói chuyện rất lớn của một chị phụ huynh. Thầy hiệu trưởng bước ra ngoài, hỏi anh bảo vệ: “Có chuyện gì vậy anh?”. Anh bảo vệ nói: “Chị phụ huynh xin vào gặp giáo viên chủ nhiệm, tôi không cho vào, chị nói tôi làm khó dễ, đòi vào gặp ban giám hiệu”.
Cách giải quyết của hiệu trưởng
Hiệu trưởng mời chị phụ huynh và anh bảo vệ cùng ngồi vào bàn tiếp khách. Hiệu trưởng nói với chị phụ huynh: Thay mặt ban giám hiệu tôi xin có đôi lời trao đổi với chị. Thứ nhất, cách giải quyết của anh bảo vệ là đúng, anh thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ và nội quy nhà trường. Chị có thể gặp giáo viên đầu giờ học hoặc giờ tan học để không ảnh hưởng đến thời gian tiết học của cô giáo và các em. Chị phụ huynh cũng đã bớt cơn giận, chị xin lỗi anh bảo vệ vì quá nóng giận nên có lớn tiếng. Sau đó chị cám ơn hiệu trưởng rồi ra về.
Sau khi chị phụ huynh ra về, hiệu trưởng cũng nói với anh bảo vệ: “Mặc dù làm đúng nguyên tắc nhưng anh cần giữ thái độ bình tĩnh, phụ huynh đã nóng giận mà mình cũng vậy thì không được. Anh nên rút kinh nghiệm, phải giải thích rõ ràng, dùng lời lẽ thuyết phục họ”.
Bài học kinh nghiệm
Theo tôi, cách giải quyết của hiệu trưởng trong tình huống trên nghiêng theo thuyết quản lý hành chính, một phần của tác giả Henri Fayol, một phần của Max Weber: Đề cao nguyên tắc hành chính kỷ luật, tính chuẩn xác của các quy định.
Thuyết quản lý hành chính của Fayol chủ trương rằng, năng suất lao động sẽ cao trong một tổ chức được sắp đặt hợp lý. Nó đóng góp rất nhiều trong lý luận cũng như thực hành quản lý, nhiều nguyên tắc do ông đề xướng vẫn còn áp dụng ngày nay. Các hình thức tổ chức, các nguyên tắc tổ chức, quyền lực và sự ủy quyền… đang ứng dụng phổ biến hiện nay trong các tổ chức cũng như trong quản lý giáo dục. Trong khi đó Weber cho rằng bất cứ tổ chức xã hội nào cũng phải lấy quyền lực ở một hình thức nào đó làm cơ sở tồn tại. Xét về mặt quản lý, quyền lực là mệnh lệnh tác động đến hành vi của người bị quản lý. Người bị quản lý phải tiếp nhận hoặc phục tùng mệnh lệnh của nhà quản lý, lấy mệnh lệnh của nhà quản lý làm chuẩn mực cho hành vi của họ. Tuy nhiên Weber không chỉ coi quyền lực là cơ cấu mệnh lệnh dẫn đến sự phục tùng, tựa hồ như người bị quản lý đã xuất phát từ lý do tự thân, coi nội dung phục tùng mệnh lệnh là khuôn phép cho mọi hành động của họ. Nhiều nội dung của học thuyết quản lý bàn giấy có thể vận dụng trong quản lý giáo dục, chẳng hạn: Thể chế hóa việc phân công lao động, tuyển chọn cán bộ viên chức không chỉ dựa vào hồ sơ lý lịch mà phải qua sát hạch thực tế, hoạt động quản lý cần tuân thủ quy tắc, chuẩn mực và chịu sự kiểm tra…
Trong tình huống trên, theo thuyết hành chính Weber (xử lý hành chính, kỷ luật), anh bảo vệ đã làm đúng, chấp hành tốt nội quy nhà trường và theo thuyết hành chính Fayol (duy trì kỷ luật), việc thực hiện nội quy cần được duy trì thì anh bảo vệ đã giải quyết một cách chuẩn mực, tuân thủ nội quy và chịu sự kiểm tra. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp cần linh động không cứng nhắc, bảo vệ vẫn phải mở cửa khi khách đến, lãnh đạo phòng GD-ĐT hay UBND quận xuống trường…
Bên cạnh đó chúng ta còn thấy trong tình huống này hiệu trưởng thực hiện chức năng giao tiếp trong quản lý, bình tĩnh khoa học quyết đoán trong ứng xử, đưa ra những quy định cụ thể để thuyết phục phụ huynh; đồng thời cách giải quyết cũng làm cho anh bảo vệ thấy mình được tôn trọng, tạo được sự thống nhất trong thực hiện nội quy và đoàn kết trong đơn vị.
Dương Thị Ngọc Phượng – Nghiêm Ý
Đảm bảo nguyên tắc quản lý
Cách giải quyết của hiệu trưởng trong tình huống trên đảm bảo nguyên tắc quản lý nhà trường: Thứ nhất, hiệu trưởng đồng ý với cách giải quyết của bảo vệ là không cho phụ huynh vào; thứ hai: Trao đổi với phụ huynh đây là quy định của nhà trường, ảnh hưởng đến giờ dạy. Nhà trường cần xây dựng hệ thống văn bản, nội dung rạch ròi để mọi người cùng thực hiện (phụ huynh, học sinh, cán bộ, giáo viên, công nhân viên).
 
 

Bình luận (0)