Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nắng hạn đầu mùa: Người khát, cây chết

Tạp Chí Giáo Dục

Hoa màu của bà con ở vùng Lìa (huyện Hướng Hóa) đang đứng trước nguy cơ khô héo
Mới qua vài đợt nắng đầu mùa hạ mà các con sông, suối ở miền núi cao của tỉnh Quảng Trị đã lâm vào tình trạng khô khốc. Để có nước sinh hoạt, hàng ngàn người dân phải lặn lội suốt ngày để “chắt bòn” những giọt nước đọng lại giữa các khe suối, sông rạch.
Sông suối khô hạn
Quảng Trị chỉ mới bước vào đợt nắng hạn đầu tiên của mùa hè nhưng hiện nhu cầu về nước uống và sinh hoạt của người dân ở các huyện miền núi đã trở nên cấp bách, nguy cơ thiếu nước hiện hữu trong gian bếp của mỗi gia đình.
Những ngày này, bà con đồng bào thiểu số ở xã Thanh (huyện Hướng Hóa) mỗi ngày phải vượt gần chục cây số đường rừng, tìm đến một nhánh thuộc sông Xê Pôn để lấy từng can nước. Con sông này chính là nơi cung cấp nguồn nước cho hàng ngàn hộ gia đình thuộc các xã biên giới của huyện Hướng Hóa. Pỉ Dơn – một người dân xã Thanh – vừa lấy nước về cho biết ở đây mọi người cùng uống chung nguồn nước dòng sông này. Mùa đông thì mưa lũ làm nước đục ngầu, mùa hạ thì nước cạn xuống sát đáy sông, trâu bò và người qua lại cũng làm dòng nước đục nốt. Nhưng nếu không lấy nước ở đó thì bà con không có cách nào khác. Nguồn nước không đảm bảo vệ sinh là trăn trở thường trực của chính quyền và người dân ở tất cả các xã vùng Lìa như A Xing, Thuận, Xy, A Dơi. “Ở xã A Xing có 6/7 thôn bản thiếu nước, nghiêm trọng nhất là ở thôn Tăng Quan 2. Bà con ở đó phải đi bộ hơn 2 cây số mới có nước uống”, anh Hồ Văn Thuần, Phó chủ tịch xã A Xing, cho biết.
Công trình nước sạch bỏ hoang

Hàng ngàn hộ dân ở hai huyện Đakrông và Hướng Hóa dùng nguồn nước cạn đục để sinh hoạt và ăn uống
Để phục vụ cho nhu cầu nước uống và sinh hoạt của nhân dân, trong những năm qua đã có hàng chục công trình nước sạch được đầu tư xây dựng trên địa bàn hai huyện Đakrông và Hướng Hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phần lớn các công trình này bị bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Nếu như trước đây khi chưa được đầu tư xây dựng, một bể nước là niềm ao ước của bao người dân thì sau khi được xây dựng, công trình lại bị bỏ hoang. Hầu hết các bể nước công cộng đều rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Theo thống kê, trong số 40 bể nước được xây dựng tại xã A Xing thì đã có hơn 30 bể xuống cấp và bị bỏ hoang. Chưa kể đến chất lượng và độ bền của công trình, người dân địa phương cho rằng việc bố trí vị trí các bể nước và kĩ thuật lắp đặt ống dẫn từ hệ thống nước đầu nguồn đến các bể lẻ không đảm bảo nên ngay sau khi xây dựng các bể đã không có nước. 
Tương tự, nhiều xã thuộc huyện Đakrông cũng lâm vào tình cảnh như trên. Tại xã Đakrông, thôn Cu Pua có 5 cụm dân cư sinh sống theo từng khu vực riêng lẻ, những năm qua người dân ở bản này gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Với trên 60 hộ dân, bản Cu Pua đối mặt với nạn thiếu nước trầm trọng. Mỗi ngày 2 buổi, hơn 20 hộ gia đình tại xóm 2 thôn Cu Pua lại băng rừng về với dòng sông Rào Quán dưới chân núi để lấy nước. Trẻ con tắm phía dưới, còn người lớn lấy nước phía trên. Cơn khát kéo dài triền miên. Năm 2008, thực hiện nghị quyết số 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trong cả nước, chính quyền huyện Đakrông đã cho đào 2 giếng nước ở thôn Cu Pua. Tuy nhiên, do địa hình núi đá hiểm trở, mạch nước lại sâu nên đến nay 2 giếng cũng bị bỏ hoang, không có giọt nước nào.
Nông dân trước nguy cơ trắng tay
Người khát, hoa màu cũng đứng trước nguy cơ chết héo. Bà Hồ Thị Hai, một nông dân trồng cà phê ở xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa), than thở: “Trời nắng như ri, các con sông đều cạn, mực nước ngầm tụt khiến đất đai khô cằn. Mấy sào cà phê nhà tui đã chăm bón 3 năm nay đang thiếu nước, héo rũ cả rồi”.
Theo thống kê, trong số 40 bể nước được xây dựng tại xã A Xing thì đã có hơn 30 bể xuống cấp và bị bỏ hoang.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa, cho biết do thời tiết diễn biến thất thường, đã hơn 3 tháng nay trời không có mưa nên người dân trồng cà phê ở huyện này đang đối mặt với nguy cơ mất trắng vụ cà phê tới. Theo đó toàn huyện có hơn 4.000/4.700ha cà phê đang trong thời kì ra hoa nhưng gặp nắng hạn nên rất khó kết trái. Nếu trong thời gian tới không có mưa thì nguy cơ bà con nông dân trồng cà phê trắng tay là điều khó tránh khỏi, nhất là đối với những thửa cà phê mới khoảng 3-5 năm tuổi, khả năng chịu hạn kém có thể dẫn đến chết khô. Tuy nhiên, người trồng cà phê ngoài việc chờ trời mưa, họ không có khả năng đầu tư các hệ thống khai thác nước ngầm hoặc các loại hình giếng khoan để cung cấp nước cứu cà phê. Bởi vì thời gian gần đây, giá cà phê hạt xuống quá thấp nên người dân luôn phải đối mặt với việc thua lỗ…
Mổ xẻ nguyên nhân thiếu nước, ông Hùng cho biết ngoài hạn hán do thiên tai, một phần không nhỏ là do ngăn dòng thủy điện và phần khác do nạn đào đãi vàng trái phép đang âm thầm diễn ra khốc liệt khiến nguồn nước vốn đã ít ỏi trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. Thiếu nước không những hạn chế sự phát triển của kinh tế xã hội, gia tăng đói nghèo mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sức khỏe của đồng bào!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Chị Hồ thị Mộc, người dân thôn Cu Pua, chia sẻ: “Trước đây khi chưa có công trình thủy điện Rào Quán thì việc lấy nước đỡ vất vả và nước cũng sạch hơn bây giờ rất nhiều. Từ ngày thủy điện tích nước, vào mùa nắng là sông lại cạn nước. Bà con ở đây cũng hay mắc bệnh lắm, chị em thì viêm nhiễm còn trẻ con thì đau bụng, tiêu chảy”. 
 

Bình luận (0)