Chị Nguyễn Thị Căn bên phần mộ thai nhi
|
Vì phút chốc bồng bột, đi quá giới hạn trong chuyện tình cảm, nhiều cô gái bước sang ngưỡng cửa làm mẹ khi tuổi đời mới 16, đôi mươi. Như để xóa đi một bi kịch, một số chị em chấp nhận từ bỏ giọt máu mình đang mang. Song cũng không ít chị em bằng lòng sinh con ra đồng nghĩa với sự thay đổi tương lai cuộc đời…
“Hoa” chưa kịp nở đã vội tàn
3 năm trở lại đây, câu chuyện về một số người ở khu phố 4 phường Hố Nai, TP.Biên Hòa, Đồng Nai đi gom nhặt thai nhi bị chối bỏ về chôn cất khiến nhiều người nghe không khỏi rùng mình, xót xa…
Chị Nguyễn Thị Căn (50 tuổi), người tham gia công việc ngót 3 năm chia sẻ: “Qua sự can thiệp của bác sĩ, các thai nhi nhanh chóng được đưa ra khỏi bụng mẹ. Nhiều thai nhi chưa thành hình vì mới chỉ vài tuần tuổi hay khoảng 2, 3 tháng, thậm chí là 6, 7 tháng… Bác sĩ cẩn thận còn gói gọn vào bao nilon sau khi làm xong, nếu không thì bỏ thẳng vào thùng rác. Mình đến xin mang về chôn cất cũng chỉ muốn các cháu có được nơi an nghỉ cuối cùng đàng hoàng hơn…”.
Mỗi tháng có khoảng 200 thai nhi được gom nhặt. Sau 3 năm, con số lên đến 6 ngàn thai nhi. Khuôn viên an táng cho các em rộng độ 200m2, nép sau những tòa nhà cao tầng đường Nguyễn Ái Quốc, khu phố 4, phường Hố Nai.
Những thai nhi bị chối bỏ là kết quả của những cuộc tình không vẹn toàn giữa các chàng trai, cô gái. Có thể vì kinh tế quá khó khăn hoặc vì không chấp nhận làm “bà mẹ đơn thân”, đôi khi cũng vì người thân không chấp nhận… Việc giải quyết theo đó cũng thường kín đáo, thế nên chị em lui đến phòng khám tư nhiều hơn là đến bệnh viện, tránh ánh mắt dòm ngó của người đời. Chị Căn kể lại sự việc cứ như đùa: “Một số bác sĩ cao tay lắm, thai lớn cỡ nào cũng có thể giải quyết nếu bà mẹ quyết tâm từ bỏ. Vài lần chúng tôi đem về thai nhi lớn khoảng 6, 7 tháng. Thấy mình thương xót, bác sĩ chậc lưỡi: Có phải không khuyên đâu. Khuyên giữ lại mà các chị em không chịu…”. “Nhiều trường hợp còn xót hơn. Vì không ý thức được hậu quả của việc nạo phá thai nên lắm chị em làm liều. Kết quả ảnh hưởng đến khả năng sinh con về sau. Thậm chí mất cả khả năng làm mẹ”, chị Căn nói thêm.
Những người mẹ đơn thân
Để có tiền trang trải thêm cuộc sống hàng ngày, chị em ở đây luôn tranh thủ gói kẹo thuê mỗi ngày |
Ít ai biết phía sau khuôn viên nghĩa trang nhỏ dành cho thai nhi là căn nhà rộng chừng 300m2 được phân thành chục phòng. Căn nhà do ông Tĩnh đứng ra xây dựng để những chị em đang mang bầu, muốn sinh con nhưng “không còn chỗ để đi” về ở tạm chờ ngày lâm bồn. Người dân ở đây gọi đó là nhà tạm lánh. Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà giữa lúc các chị em đang gói kẹo thuê, dành dụm thu nhập trang trải cuộc sống. Giá mỗi ký kẹo gói xong là 2 ngàn đồng, nếu gói đều tay cũng được 100 ngàn đồng/ngày. Chị Căn cho biết: “Thu nhập không nhiều nhặn song khoản dành dụm này hỗ trợ khá nhiều cho cuộc sống sau sinh, nhất là những chị em không có người thăm nom hoặc kinh tế khó khăn. Đôi lúc cũng mệt vì bầu bì, thai nghén rồi phải ngồi nhiều, cấn bụng, rồi mùi kẹo ngọt… Vậy chứ nhiều em chịu khó lắm, gói ngày chưa đủ, tối tranh thủ gói thêm…”.
Hầu hết chị em về đây ở chờ sinh do bạn bè động viên giữ lại đứa con và được mọi người trong khu vực giới thiệu đến. Có em là công nhân, có em là sinh viên xa nhà, thậm chí cả học sinh vì thế tuổi đời rất trẻ.
T. (18 tuổi, nhà ở Long Khánh, Đồng Nai) tâm sự: “Tính ba em nóng như lửa, nếu phát hiện có thể ba sẽ đánh chết em mất. Vì thế xin cho em vào đây ở chờ ngày sinh, mẹ phải nói dối ba rằng em ở trọ gần trường, tiện cho việc học hành, ôn thi. Còn 3 tháng nữa là em sinh con chị à. Là con trai. Em hồi hộp lắm. Em cũng lo hoài, liệu mình có biết làm mẹ không nữa…”. Giọng T. khá buồn, thỉnh thoảng T. lại cười gượng. Nhìn gương mặt phổng phao, trắng hồng đang tuổi dậy thì, tôi không dám hỏi nhiều vì sợ T. ngại, chỉ mong T. chia sẻ câu chuyện một cách thoải mái. Nhưng T. khá thẳng thắn. T. nói là con thứ trong gia đình, đang học lớp 12. Vì bồng bột nên trót dại có thai với bạn trai. Biết chuyện, bạn trai khuyên bỏ thai rồi tình cảm nhạt dần và cắt đứt liên lạc luôn. Sự việc đã rồi, T. chỉ còn cách nói với mẹ. Vì sợ ảnh hưởng đến việc học nên mẹ T. xác định dắt em về Từ Dũ bỏ thai. Nghĩ lại việc làm này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh con về sau, hơn nữa cái thai đã ở tháng thứ 4 nên đành thôi. “Sau khi sinh xong, đợi con lớn một chút em sẽ về xin lỗi ba. Nhờ ba mẹ nuôi con và xin ba mẹ cho học tiếp bổ túc văn hóa rồi học nghề. Còn ba đứa bé, em không hy vọng gì nhiều. Bản thân anh ấy cũng chưa biết con mình sắp chào đời…”, T. ngậm ngùi thổ lộ.
So với T. thì H. (21 tuổi, Định Quán, Đồng Nai) có hoàn cảnh đáng thương hơn. Nhà nghèo, mẹ bệnh tim, bố say xỉn suốt ngày, H. nghỉ học sớm xin làm công nhân để có tiền lo thuốc cho mẹ. Ngày sinh con không có mặt bố đứa bé, chỉ có mẹ đẻ nán lại vài ngày rồi về bởi vì sợ bố H. phát hiện. Tiền hạn hẹp, người thân không có, mọi công việc chăm sóc bản thân, giặt quần áo, cho con ăn… H. phải tự làm hết. Bạn bè ở cùng có giúp cũng chỉ vài lần. Trước hoàn cảnh của H., mọi người cùng nhà quyên góp biếu H. được 500 ngàn đồng. H. dùng mua 1 hộp sữa, 1 bình bú sữa, vài bộ quần áo, khăn, tã lót cho con. Còn lại gần 100 ngàn đồng, H. để dành khi cần.
Tính đến nay ngôi nhà xây dựng được hơn 2 năm. Cũng đến hơn 70 chị em tới sinh con xong rồi ra về. Theo lời chị Căn, khi nào đứa bé cứng cáp, các bà mẹ mới dọn ra ngoài dành chỗ cho người khác vì số phòng có hạn. Vì thế nơi này lúc nào cũng vang tiếng khóc trẻ con… Vẫn là lời cảnh tỉnh cho tất cả các cô gái trẻ: Hãy biết làm chủ bản thân. Sống có trách nhiệm với chính bản thân mình; dừng lại đúng lúc để không phải rơi vào hoàn cảnh đau lòng như thế này.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Bình luận (0)