Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Làng vọng biển

Tạp Chí Giáo Dục

Một góc đảo Lý Sơn hiện nay
Bình minh ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), như mọi ngày, những con sóng bạc đầu vẫn đều đều vỗ, những chiếc thuyền vẫn hướng mũi vươn khơi như một mặc định vốn có của tạo hóa. Tôi chợt nhận ra rằng, không phải bất cứ cái gì khác, những ánh mắt gần như là “đặc sản”của xứ biển này mới chính là sức sống mãnh liệt của người dân Lý Sơn.
Đó là ánh mắt của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng và người con mất cha… đã vượt qua nỗi đau, hóa thân thành khát vọng sống, khát vọng vươn xa!
Quyết vượt qua nghịch cảnh
Cách đất liền Quảng Ngãi, tính từ cảng Sa Kỳ tầm 15 hải lý, huyện đảo Lý Sơn được nhiều người biết đến bên cạnh nghề sống nhờ biển còn là một xứ sở của đặc sản tỏi nổi tiếng. Nghề biển được xem là công việc của đàn ông, đổi lại nghề tỏi dành cho người già và phụ nữ. Từ bao đời nay người dân Lý Sơn sống nhờ hai nghề ấy để xây dựng làng xóm, canh giữ từng tấc biển Tổ quốc thiêng liêng. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn bên chân sóng luôn hướng về phía biển, đối mặt với biển và gắn đời mình với biển cả bao la. Nhiều người mẹ ở Lý Sơn thành góa phụ, những đứa trẻ mồ côi. Sự ngóng trông, hi vọng khiến đôi mắt của họ hằn sâu niềm u uẩn đời người. Tôi từng bắt gặp rất nhiều những ánh mắt ấy khi bình mình ló rạng trên bến biển này.
Chị Đặng Thị Liên (36 tuổi), tay xốc nách con nhỏ, cất giọng trầm trầm nói với tôi khi đôi mắt không rời mặt biển phía xa: “Nhà không có thuyền lớn, anh ấy (chồng chị Liên – PV) làm nghề lặn, mỗi chuyến đi dài nửa tháng cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Ở nhà, tôi phụ thêm trồng tỏi. Thu nhập của hai vợ chồng tạm đủ nuôi hai cháu nhỏ tới trường. Rồi đột ngột, anh ấy bỏ đi không trở lại…”. Chị Liên nghẹn lời, hơn một năm nay ánh mắt chị mỏi mòn vọng biển. Những hạt cát vun hình ngôi mộ gió cũng mòn đi.
Một phụ nữ khác mà tôi tình cờ gặp khi chị gánh mớ tỏi “mồ côi” ra tận bến thuyền rao bán. Trong khoảnh khắc đó tôi thấy chạnh lòng bởi tiếng rao lẻ loi của người đàn bà giữa muôn trùng sóng biển. Chị tên Võ Thị Nga, 44 tuổi. Chị Nga có chồng làm nghề lặn biển ở khu vực Trường Sa. Chồng chị đánh đổi mạng sống của mình trong cuộc săn tìm miếng cơm manh áo cho gia đình. Bỏ lại hai đứa con thơ. Ngoài đi làm thuê và chăm sóc sào tỏi, tranh thủ thời gian rảnh, chị Nga chọn việc bán dạo trên bãi biển vì chị vẫn nuôi hi vọng dù rất mong manh rằng một sớm mai nào đó sẽ nhìn thấy chồng trở về từ biển để mẹ con chị hết cảnh mẹ góa con côi. Hay ít nhất, tiếng rao của chị giữa buổi bình minh cũng sẽ vọng về phía biển, biết đâu ở trong lòng đại dương sâu thẳm, chồng chị còn nghe được để yên lòng an nghỉ…
Hôm tôi đến thăm, căn nhà nhỏ chỉ độ ba, bốn chục mét vuông nép mình bên mép sóng của chị Dương Thị Giản (27 tuổi) nghi ngút khói hương. Ngồi thẫn thờ ôm đứa con thơ chập chững tập đi trên bậc cửa, đôi mắt chị ngấn nước. Chị đau đáu nhìn về phía biển – nơi đó, người chồng của chị vừa đi không trở về. Sau gần tháng trời tìm kiếm, bà con chòm xóm đành lập mộ gió, ban thờ để hương khói cho anh. Chị không tin vào sự thật. 27 tuổi – chị trở thành góa phụ với một nách ba đứa con thơ, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy tuổi.
Người dân làng biển thường có câu đùa cửa miệng, ra ngõ gặp góa phụ. Điều đó không sai ở mảnh đất này. Một con số thống kê cụ thể có lẽ quá nhẫn tâm đối với nỗi đau của những người góa phụ, chỉ biết rằng nơi ấy có nhiều lắm những nỗi niềm: Vọng biển!
Khát vọng cho ngày mai

Chị Dương Thị Giản mới 27 tuổi đã thành góa phụ một nách ba đứa con thơ
Ông Trương Đình Tự (83 tuổi), một người dân gần cả cuộc đời gắn với hòn đảo này, trầm tư: “Ở Lý Sơn có nhiều mảnh đời góa bụa. Biển cho con người nhiều thứ nhưng cũng lấy đi nhiều thứ khác. Có điều, người Lý Sơn chưa hề nghĩ đến ngày bỏ biển. Mỗi tấc biển không chỉ là nguồn sống mà còn là chủ quyền thiêng liêng”. Gặp nhiều người phụ nữ ở xứ này mới thấm thía lời ông Tự. Người dân Lý Sơn sống dựa vào nhau như cây phong ba trước gió. Càng bão giông, đau khổ, họ càng thể hiện sự can trường. “Không có nhiều điều kiện như ở đất liền. Cuộc sống lại càng thiếu thốn hơn nhưng học trò huyện đảo hiếu học và chăm ngoan lắm”, ông Nguyễn Phúc Sinh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lý Sơn, nói. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường nhiều năm trở lại đây gần như năm nào cũng đạt hơn 98%. Điều đáng nói là trong số học sinh đạt học lực khá, giỏi ở các cấp học thì các em mồ côi chiếm số lượng khá nhiều. Em Lê Thị Thanh Thanh, học sinh lớp 12 Trường THPT Lý Sơn, tâm sự: “Bố mất, một mình mẹ đảm nhiệm cả hai vai. Nhiều đêm nhìn mẹ lặng lẽ khóc em thương mẹ lắm và tự hứa phải học thật giỏi để sau này gánh đỡ nhọc nhằn cho mẹ”. Động lực ấy giúp Thanh vượt qua mọi khó khăn, vừa phụ mẹ trồng tỏi vừa tranh thủ học bài nhưng năm nào em cũng đạt thành tích học sinh giỏi.
Ở Lý Sơn, những hoàn cảnh như Thanh không hiếm. Cậu bé Dương Văn Thành, học sinh lớp 4, nâng niu trên tay tập vở mới vừa được một tổ chức từ thiện trao tặng, gương mặt rạng rỡ. Thành cho biết: “Ba mất trong một chuyến đi biển khi em mới 19 tháng tuổi. Mẹ đi bước nữa. Em sống với ông nội đã bước qua tuổi 70. Hàng ngày ngoài một buổi tới trường, em phụ giúp ông nhặt tỏi, nhổ cỏ vườn tỏi. Thời gian học ở nhà rất ít nhưng em rất thích đi học vì vậy em luôn cố gắng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Một phần khác cũng để cuối năm học được nhận phần thưởng tập vở mới, ông nội đỡ phải sắm sửa”…
Chuyến tàu cao tốc mang tên An Vĩnh – Lý Sơn nổ máy trở lại đất liền lúc mặt trời vừa lên tầm con sào. Mặt trời ban mai chiếu lòa mặt biển. Những con sóng bạc đầu vẫn đều đều vỗ, những chiếc thuyền vẫn hướng mũi vươn khơi như một mặc định vốn có của tạo hóa. Và tôi nhận ra rằng, không phải bất cứ cái gì khác, chính những ánh mắt ấy mới là sức sống mãnh liệt của người dân Lý Sơn. Những ánh mắt vượt qua nỗi đau, hóa thân thành khát vọng sống!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Không có nhiều điều kiện như ở đất liền. Cuộc sống lại càng thiếu thốn hơn nhưng học trò huyện đảo hiếu học và chăm ngoan lắm”, ông Nguyễn Phúc Sinh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lý Sơn, nói.
 

Bình luận (0)