Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Mùa biển no

Tạp Chí Giáo Dục

Kiểm tra chất lượng thịt cá
Không khí khẩn trương, hối hả diễn ra ở cảng cá cũng đủ phản ánh một mùa câu cá bò gù (cá ngừ đại dương) khấm khá của bà con ngư dân.
Tiếng gió rít nhè nhẹ vào một buổi sáng đầu tháng 6 mang theo hơi nước mát lạnh từ biển. Hàng chục phụ nữ ngồi hàng dài trên bờ kè Bạch Đằng để đón những chiếc ghe cá đang chậm chạp tiến vào từ cửa Đà Diễn (Tuy Hòa, Phú Yên). Nếu như các năm trước, khi ghe cập bến mới biết đánh bắt cá nhiều hay ít, đói hay no thì bây giờ nhờ máy móc, ngư cụ hiện đại và có sóng điện thoại nên tin tức giữa khơi xa và đất liền đều cập nhật liên tục. Vì thế mà ngư dân thường nói: “Ghe chưa vào nhưng có cá hay không thì trông mặt các bà, các chị ở cảng là biết ngay”. 
Trông mặt biết đói hay no
Cảng cá Tuy Hòa hôm nay có gì đó rất khác lạ, ồn ào và náo nhiệt. Gần tháng rồi, cảng mới lại đón nhiều chuyến ghe cập bến cùng buổi sáng. “Chuyến này ghe nào cũng trúng đậm. Mới đi 3 tuần đã vào, ghe nhà tui còn chưa sử dụng hết nhiên liệu và nhu yếu phẩm dự trữ”, lão ngư Huỳnh Thống ở phường 7 (TP.Tuy Hòa) khoe với chúng tôi.
Từ sáng sớm, dọc theo bờ kè Bạch Đằng có chiều dài hơn 1km, người và xe đã chật cứng như nêm. Người nhà ngư dân, người rảo cá (khiêng cá thuê) và cả những thương lái từ khắp nơi đổ về. 7 giờ sáng, chiếc ghe đầu tiên đã dần hiện rõ trước mắt. Từ xa, chúng tôi thấy rõ mồn một những người bạn biển với thân hình vạm vỡ đang hì hục thu dọn đồ đạc, chuẩn bị đưa cá ngừ đại dương từ hầm lên trước khi ghe neo hẳn. Khi ghe cập bến, chiếc cầu dã chiến nhưng khá chắc chắn bắc từ bờ kè ra một bên mũi ghe hoàn tất chỉ sau 2 phút. Một con cá lớn được đưa lên cân. Bốn ngư dân với thân hình lực lưỡng cố hết sức móc chú cá vào cân. Trên bờ, giọng các bà, các chị trầm trồ: “To quá, chắc 100kg”. Một người khác nói rõ to, tỏ ra kinh nghiệm: “Con này phải 120kg chớ”.

Người mua cá bán lại tại cảng
 
Thương lái ở các chợ huyện giáp ranh nhiều năm sống bằng nghề bán cá cũng đã có mặt từ tờ mờ sáng. Người có mối lái đông, bán ở chợ lớn thì mua nhiều. Còn người mua bán nhỏ lẻ thì chỉ cần vài mươi cân. “Mua tại cảng rẻ hơn, chịu khó đi xa để kiếm chút đồng lời”, chị Thu, bán hàng cá ở chợ Phú Sen, xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) nói. Cũng đã ngót 20 năm rồi, vào mùa biển êm, sớm nào bà Nguyễn Thị Bảy ở xã Hòa Xuân (huyện Đông Hòa) cũng có mặt ở cảng để mua cá. Chỉ tay về phía chiếc xe gắn máy cà tàng với cái giỏ buộc chắc chắn phía sau, bà Bảy nói: “Tôi bán ở chợ nhỏ, có nhiều cá các loại thì lấy hai giỏ, bán hết, trừ mọi chi phí tiền lãi cũng ngoài 100.000 đồng”.
Rảo cá vào mùa
Người rảo cá cũng đã bày sẵn đòn khiêng đứng chờ cá dưới ghe đưa lên. Chị Võ Thị Liên, người có hơn 5 năm làm nghề rảo cá, thở hổn hển nói: “Lâu lắm rồi mới thấy con cá to như thế, nặng oằn vai nhưng rất vui vì cả tháng nay mới có việc trở lại. Mùa biển no, cả làng sung túc. Mùa biển đói, cả làng đói theo. Đến làng biển, thấy cảnh sinh hoạt của người dân là biết mùa biển đói hay no. Dân biển làm không ai làm bằng, mà chơi thì cũng không ai sánh kịp”, chị Liên giãi bày.

Rảo cá đưa cá vào lò
Nghề rảo cá xuất hiện từ rất lâu nhưng trước đây chủ yếu là những phụ nữ trong gia đình có ghe cá làm. Từ khi nhiều ghe cào, lưới cản, lưới mành chuyển sang nghề câu cá ngừ đại dương thì phụ nữ trở nên nhàn rỗi vì không còn lưới để vá thuê. Chị Hạnh, bạn rảo với chị Liên, cũng xuất thân từ vá lưới. Làm lâu năm, lại siêng năng, lanh lợi nên chị Hạnh được các đầu nậu thu mua thuê rảo với tiền công khá cao. Chị Hạnh giãi bày: “Nghề ăn theo mùa, theo ngày, hôm thì được vài trăm ngàn nhưng có tháng chẳng có đồng nào. Thu nhập bữa có bữa không nhưng không phải ai cũng đến được với nghề. Với phụ nữ vùng biển, không phải ai cũng khiêng vác được, nhất là phải đi một quãng đường khá xa, lại đi trên cát. Hơn nữa, ghe cập bến giờ nào mình phải có mặt giờ đó”…
Lò kiểm tra cá
Mùa biển no không chỉ chủ ghe, bạn biển khấm khá mà cuộc sống của những người làm dịch vụ, làm thuê ở cảng cá cũng đỡ vất vả hơn.
Biển no, các điểm thu mua cá ngừ đại dương cũng làm việc cả ngày lẫn đêm. Ở đó còn là các lò kiểm tra chất lượng cá phục vụ xuất khẩu. Cá đưa vào lò, một đội ngũ hơn chục người phụ trách ở nhiều khâu, từ vệ sinh, kiểm tra thịt cá, cân và đưa lên xe. Những ngày này, các lò cá làm việc thâu đêm với hàng chục tấn mỗi ngày. Anh Nguyễn Tấn Vĩnh, phụ trách khâu xuất – nhập của một lò cá tư nhân, cho biết: “Được tin đầu giờ chiều có 4 chiếc ghe nữa vào với khoảng chục tấn cá, anh em tranh thủ làm trong giờ nghỉ trưa cho kịp”.
Thông thường, những chuyến câu cá ngừ đại dương phải mất trên dưới một tháng. Để bảo quản cá tốt nhất, khi câu được ngư dân móc lấy hết ruột cá và cho đá lạnh vào đó để giữ độ lạnh. Vào bờ, việc đầu tiên là phải làm vệ sinh, cắt cuống họng. Trên chiếc bàn inox to và dài, những con cá ngừ đại dương được rảo cá đưa vào. Sau khi cắt dọn mang cá, vệ sinh là đến công đoạn thử cá. Đây là khâu cực kỳ quan trọng và người phụ trách cũng là người cứng tay nghề. Một thanh niên cầm con dao lạng một miếng cá nhỏ ở giữa thân cho vào dĩa. Kỹ thuật đứng bên dùng cây inox chuyên dụng (có lõi rỗng) chọc thẳng vào miếng cá rồi kéo ra lấy phần thịt từ lõi ấy để kiểm tra. Công việc tưởng chừng đơn giản vì chỉ kiểm tra bằng mắt thường nhưng không phải ai cũng làm được. Anh Vĩnh nói: “Màu của thịt cá là một trong những tiêu chí để xuất khẩu. Một xe đông lạnh chỉ có một con cá thịt không đạt chất lượng thì phải trả về cả xe, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín. Cách kiểm tra này cũng có thể biết được tuổi thọ cũng như cân nặng của cá để phân loại”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cá ngừ đại dương xuất khẩu được phải đạt từ 40kg/con. Với trọng lượng này, sẽ có thịt cá đỏ, thơm và ngọt khi ăn sống. Ngư dân gọi những người kiểm tra thịt cá là “kỹ thuật viên”. Không trường lớp đào tạo bài bản nhưng họ là những “kỹ thuật viên” dày dạn kinh nghiệm, thường là người làm thuê hoặc chủ các công ty, doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu.
Duy Hân – Trần Anh
Đủ lo con cái ăn học
Cảng cá Tuy Hòa có tổng cộng trên dưới 50 phụ nữ theo nghề rảo cá. Người lớn tuổi nhất cũng đã 60. Công việc không thường xuyên nhưng cũng đủ lo cho các con ăn học. Chị Liên có 3 con đều trong tuổi đến trường. “Làm biển, có ghe cuộc sống còn vất vả, làm thuê đủ ăn là mừng lắm rồi. Vì vậy, con học được đến đâu phải cố lo đến đó, có nghề nghiệp trong tay cho sướng cái thân”, chị Liên chia sẻ.
 
 
Box: Chúng tôi rời cảng cũng là lúc ngư dân Võ Công Tự (phường Phú Đông, TP.Tuy Hòa) và nhiều ngư dân khác đến đồn biên phòng địa phương làm thủ tục cho chuyến biển mới. Dẫu cuộc sống mưu sinh ở khơi xa không tránh khỏi nhiều bất trắc nhưng ngư dân quyết tâm bám biển. Nói như ông Tự: “Ra khơi không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Bình luận (0)