Mùa tuyển sinh năm 2011 đã khép lại với thực tế: nhiều trường không tuyển đủ sinh viên, nhiều ngành học đóng cửa. Các chuyên gia nhận định đây là hệ quả của một thị trường giáo dục ĐH đang hỗn độn. Sau cùng, vấn đề giải quyết khủng hoảng "thừa trường, thiếu người học" phải đặt lên vai của các nhà hoạch định chính sách giáo dục.
Thí sinh sau kỳ thi ĐH 2011. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Dễ như mở trường
Chỉ trong vòng 10 năm (2000-2011) cả nước có từ 69 trường ĐH tăng lên 163 trường. Hàng loạt bài báo mổ xẻ việc các trường ĐH mọc lên ồ ạt trong năm 2009 là minh chứng cho việc mở trường dễ dãi.
Hiện đã có 62/63 tỉnh, thành có trường ĐH, CĐ. Trong 2 năm (2006, 2007) đã có thêm 40 trường ĐH mới thành lập.
Sự gia tăng nhanh chóng này đã vượt khỏi tầm quản lý của Bộ GD-ĐT. Báo cáo của Bộ GD-ĐT năm 2009 thừa nhận: “Khả năng kiểm soát hoạt động của các trường trong cả nước của rất hạn chế, nếu mỗi tuần Bộ thanh tra, kiểm tra hai trường ĐH, CĐ thì phải mất 3,5 năm mới thanh tra, kiểm tra hết một lượt 376 trường”.
Hạn chế trong việc thành lập trường ĐH, CĐ được Chính phủ nhìn nhận tại báo cáo số 34 gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 4/2010 nêu "vẫn còn 20% trường ĐH, CĐ thành lập mới chưa thực hiện việc xây dựng trường tại địa điểm đăng ký thành lập trường, chưa thực hiện đầy đủ các cam kết như trong Đề án khả thi thành lập trường, còn phải đi thuê mướn cơ sở để thực hiện việc tổ chức hoạt động vào đào tạo".
Một loạt các trường ĐH đã xin cấp phép tại các địa phương khác như Hà Tây cũ, Hòa Bình nhưng lại tuyển sinh, đào tạo… ngay giữa nội thành Hà Nội. Điều này cũng tương tự một số trường ở địa bàn lân cận TP.HCM.
Hàng loạt ĐH ngoài công lập đã được lập ra.
Riêng trong tháng 8/2009, 5 trường ĐH mới được công bố thành lập: Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang ra đời trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Nông lâm Bắc Giang (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai được đồng ý chủ trương thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Kỹ thuật – Công nghệ Đồng Nai. Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Giao thông vận tải, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Nguyễn Tất Thành tại TP.HCM (trước đó là trường trung cấp Nguyễn Tất Thành)…
Khi việc triển khai xây dựng trường chưa thực hiện đồng bộ 4 yếu tố: đất, đội ngũ giảng viên, vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác như thư viện, giáo trình, ký túc xá…nhưng Bộ vẫn duyệt chỉ tiêu, cho phép mở ngành đào tạo được duy trì nhiều năm nay thì điều gì sẽ xảy ra?
Khó như tuyển sinh
Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT nỗ lực chỉ đạo nâng chất lượng giáo dục. Nhưng, trong khi tỷ lệ tốt nghiệp luôn đạt rất cao, ngưỡng vào ĐH lại chỉ loay hoay trong khoảng 13-14 điểm/ 3 môn. Thậm chí, ngưỡng dù không cao nhưng cũng khiến nhiều trường điêu đứng vì không tuyển đủ sinh viên.
"Tất cả những bất cập trong tuyển sinh đã diễn ra trong vài năm gầy đây cho thấy hệ thống giáo dục ĐH đang bị rối loạn" – ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) nói. Đây cũng là nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục khi góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục ĐH sẽ trình Quốc hội xem xét phê duyệt vào kỳ họp tới.
Rất nhiều trường mới mở (không riêng các trường ngoài công lập) đều ấn định điểm trúng tuyển bằng điểm sàn của Bộ dẫn đến sự cạnh tranh bằng mọi cách để vét cho được sinh viên
Trước tình cảnh đó, các trường vận dụng đủ mọi "chiêu" để "hút" sin viên, từ "khuyến mại" điểm cho tới xét tuyển sớm, tặng tiền. Một số ĐH, thậm chí cả ĐH gắn mác "quốc tế" đã tự biến mình thành trường “vùng khó” để xin Bộ GD-ĐT tuyển sinh thấp hơn điểm sàn.
Một số ĐH công lập lớn lại tận dụng phương thức “đào tạo theo địa chỉ”, đào tạo ngoài ngân sách… nhằm kéo thêm sinh viên có điểm thấp để thu học phí giá cao. Một số trường có "thương hiệu" mở đủ loại hình đào tạo ĐH, sau ĐH CĐ, TCCN – đã khiến tuyển sinh ở nhiều trường khác gặp khó về nguồn tuyển.
Theo ông Khuyến, ĐHQG tuyển hệ CĐ là vô lý. Nếu các trường lớn ấn định điểm chuẩn bằng điểm sàn sẽ vét hết sinh viên rồi thì các trường tốp giữa và tốp dưới sẽ "đói".
Còn ông Văn Đình Ưng, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho biết, mùa tuyển sinh năm 2010 đã xin Bộ kéo dài thời gian xét tuyển thêm 15 ngày. Nhưng dù đã kéo dài nhưng nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Tình trạng này sẽ tiếp diễn trong năm nay, một số trường đang đứng bên bờ vực đóng cửa hoặc có khả năng "nhắm mắt" làm sai quy chế tuyển sinh để kiếm cho ra người học.
Vấn đề đặt ra, khi Bộ xem xét cho mở trường, duyệt hồ sơ cho phép mở ngành đào tạo mà các trường tuyển không đủ chỉ tiêu, ngành học phải đóng cửa thì phải xem lại khâu nào trong quản lý?
Giải pháp trước mắt, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, những trường chưa thu hút được thí sinh nên tập trung xây dựng được uy tín về chất lượng, quảng bá hình ảnh, tạo dựng niềm tin trong xã hội.
Thực tế thì có nhiều trường ngoài công lập thu hút thí sinh rất mạnh nhờ uy tín chất lượng mà các trường này đã xây dựng được ngay từ đầu. Sự khác nhau cơ bản ở đây là uy tín và thương hiệu của từng trường.
Việc một số trường sử dụng một số hình thức lôi kéo thí sinh bằng vật chất là không phù hợp, đôi khi phản tác dụng, gây phản cảm đối với thí sinh và xã hội, không có lợi cho sự tạo dựng uy tín và sự phát triển lâu dài của nhà trường.
Kiều Oanh / Vietnamnet
Bình luận (0)