Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nỗi buồn của Thúc sinh – Trận mở màn của Hoạn tiểu thư

Tạp Chí Giáo Dục

Về với Hoạn, Thúc đau đáu nhớ thương Thúy Kiều. Được Hoạn gợi ý, Thúc một mạch chạy về Lâm Tri. Khi gần đến nơi Thúy Kiều ở, lòng Thúc vui mừng khôn xiết, đất trời bỗng đẹp đẽ lạ thường: Long lanh đáy nước in trời… Với nỗi vui mừng tràn ngập trong lòng, Thúc tìm đến nơi Kiều ở: Tro than một đống, nắng mưa bốn tường, nhà Thúy Kiều ở đã bị hỏa hoạn tan nát! Nỗi hụt hẫng, bàng hoàng đến kinh ngạc, Thúc tìm đến trung đường, nơi cha chàng đang ở. Than ôi! Một sự thật tàn nhẫn, Thúy Kiều đã chết, bàn thờ Kiều hiển hiện trước mắt Thúc: Linh sàng, bài vị thờ nàng ở trên

Nguyễn Du đã cho Thúc mừng vui tột độ, lòng tràn đầy hy vọng gặp cố nhân, giây phút tái ngộ sẽ đến nhưng tất cả đổ sụp một cách tàn nhẫn. Nguyễn Du cũng khéo léo chỉ dùng một câu mà tả đủ sự đau lòng buốt giá của Thúc: tơ tình đứt ruột, lửa phiền cháy gan. Câu thơ có hai vế đối nhau nhưng lại bồi đắp cho nhau mặt ý nghĩa. Người ta thường nói sự yêu thương như những sợi tơ vương vấn trong lòng. Đây, sợi tơ tình ấy như siết lại như cắt đứt, như chia ra, tơ tình đứt ruột. Đối lại là lửa phiền… Lại một từ lửa mà trước đấy cụ đã dùng cho Hoạn thư: Lửa tâm càng dập càng nồng. Tâm gan Hoạn như thiêu, như đốt, như cháy lên nỗi ghen tức cho người chồng bội bạc. Chính cũng từ lửa tâm ấy, giờ đây Thúc phải gánh chịu lửa phiền. Thúc khóc than thảm thiết cho Thúy Kiều, cho một mối tình: Con người thế ấy, thác oan thế này/ Chắc rằng mai trúc lại vầy/ Ai ngờ vĩnh biệt là ngày đưa nhau! Nguyễn Du có biệt tài dùng ngôn từ không nói rõ nội dung của vấn đề, người đọc vẫn tưởng tượng ra, vẫn hiểu: Con người thế ấy, thác oan thế này. Thế ấy là thế nào? Thế này là chuyện ra làm sao? Không cần nói rõ, ngôn từ kín mà mở. Cũng như có lần cụ Nguyễn kể chuyện Thúy Kiều làm thơ dâng Hội chủ hội Đoạn trường: Bài ra thế ấy, vịnh vào thế kia. Có người muốn hiểu thế ấy, thế kia là thế nào đã tìm đến KVKT của Trung Quốc. Cũng như vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề vậy bảy chữ ấy là bảy chữ gì? Tám nghề ấy nó ra làm sao? Nhưng chắc cụ Nguyễn không muốn người đọc nhọc lòng tìm hiểu, hãy công nhận nó là như vậy, nó là thế kia. Mơ màng nhưng lại rất cụ thể!
Trận đánh mở màn của Hoạn thư thật độc địa. Nó đạt hai yêu cầu: Một là làm cho Thúc sinh đau lòng, đứt ruột. Hai là tạo tâm lý cho Thúc. Thúc cứ tưởng Thúy Kiều đã chết, rồi đột nhiên tại nhà mình, Kiều xuất hiện với vai trò con ở! Phần sau sẽ nói rõ điều ấy.
Ở đây cần chú ý thêm một điều: Thúc tìm đến một ông thầy, ông thầy này có thể tìm gặp hồn ma. Lẽ thường tình, Thúy Kiều chết đột ngột và lạ lùng như vậy, lại nghe có thầy nổi tiếng như thế, tất Thúc phải tìm thầy nhờ dò hỏi. Chi tiết này có trong KVKT. Chỉ biết ông thầy này cao tay lắm. Trên tam đảo (là ba chỗ cù lao tiên ở) dưới cửu tuyền (chín suối âm ti địa ngục) thầy cũng đều tìm đến dò hỏi được. Thầy chỉ cần xuất thần giây phút đã trả lời rành rọt: Mặt nàng chẳng thấy việc nàng đã tra, làm sao thầy có thể thấy mặt nàng? Bởi người chết nếu khi sống ăn ở hiền hậu, phúc đức sẽ được lên thiên đường còn ai bạc ác tinh ma sẽ xuống cửu tuyền, thầy đã tìm hai nơi ấy nhưng Kiều chưa chết làm sao thấy được. Có điều thầy quá tài, thầy đã tra rõ việc mất tích của Thúy Kiều: Người này nặng nghiệp oan gia/ Còn nhiều nợ lắm sao đà thác cho! Mệnh cung (tức cung vận mệnh) đang mắc nạn to/ Một năm nữa mới thăm dò được tin/ Hai bên giáp mặt chiền chiền/ Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay!
Thầy nói đúng hoàn toàn. Thật ra chẳng có vị đồng cốt nào cao tay đến thế! Đó là T.T.T.N và Nguyễn Du nói. Nhưng nói trước như vậy để làm gì? Một là nghe thầy nói quá lạ lùng, Thúy Kiều đã chết sao còn gặp được? Mà đã gặp làm sao không hỏi chuyện nhau? Thúc sinh kết luận: Chẳng qua đồng cốt quàng xiên… để Thúc lại đinh ninh Thúy Kiều đã chết. Hai là lời nói ấy như những nốt nhạc chạy qua giới thiệu giai điệu chính sẽ xuất hiện ở sau. Bởi màn tổng tiến công của Hoạn thư sau này dữ dội, tai quái lắm!
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)