Giao lưu văn nghệ giữa các chiến sĩ hải quân với các thành viên trong đoàn trên đảo Sinh Tồn Đông
|
Dù được nhắc nhở là tránh quay phim, chụp ảnh và hỏi các vấn đề liên quan đến bí mật quân sự, nhưng hầu như những ai đến với các đảo trong quần đảo Trường Sa đều chú ý các hàng rào chông chống đổ bộ, các công sự chiến đấu…
Mọi người cũng nhận thấy rằng dù công sự có vững chắc, dù vũ khí có hiện đại… nhưng nếu các cán bộ, chiến sĩ không có tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh và không có sự khát khao bảo vệ chủ quyền biển đảo thì tất cả cũng trở thành vô nghĩa.
“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”
Hầu như trên tất cả các đảo, khẩu hiệu này được lặp lại nhiều nhất như là một sự dặn dò, nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn giữ vững ý chí chiến đấu, sẵn sàng xung phong. Đó còn như là một tâm niệm, một lời hứa của các chiến sĩ với Tổ quốc chứ không chỉ là một khẩu hiệu nhắc cho nhớ. Trên từng đảo, lại có những khẩu hiệu khác nhau, cũng nhằm động viên tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ khi mang trên mình trách nhiệm thiêng liêng, cao cả trước Tổ quốc. Chẳng hạn, trên đảo Đá Lớn có khẩu hiệu: “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền”; ở đảo Len Đao thì “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền”; “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước” trên đảo Đá Tây B… Hay có khẩu hiệu nhắc nhở việc luyện tập, giữ gìn vũ khí để đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, như câu: “Súng không lau súng mau han gỉ, người không rèn ý chí không cao” trên đảo Sơn Ca; “Luyện cán, rèn binh, rèn mình, rèn chiến sĩ” trên đảo Nam Yết; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm, yêu nước, yêu biển đảo” trên đảo Đá Tây B…
Tất nhiên, các khẩu hiệu đó có tác động nhắc nhở, động viên nhưng phải kết hợp với nhiều hoạt động khác nữa. Một trong những hoạt động đó được nêu rõ trong chế độ sinh hoạt, học tập, công tác. Chẳng hạn, chế độ trong ngày là phải treo quốc kỳ, thể dục sáng, kiểm tra sáng, học tập, ăn uống, lau vũ khí – khí tài – trang bị, thể thao – tăng gia – sản xuất, đọc báo – nghe tin, điểm danh – điểm quân số… Chế độ trong tuần là chào cờ, duyệt đội ngũ; thông báo chính trị; tổng vệ sinh doanh trại… Kỷ luật đó được thực hiện cụ thể, trong các thi đua và được biểu dương, nhắc nhở trong các bảng chấm thi đua hàng tuần…
Trong hành trình, chúng tôi được hai lần dự lễ chào cờ, diễu binh trên đảo Sơn Ca và Trường Sa Lớn. Cảm nhận được hát Quốc ca và chào quốc kỳ tại một hòn đảo giữa biển khơi nên mọi người đều hát từng câu từng lời của bài Tiến quân ca từ lồng ngực, từ trái tim, để át tất cả tiếng gió, tiếng sóng biển, và kể cả tiếng súng nếu có kẻ thù nào nổ vào dân tộc ta. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, tôi nhòa lệ, gần như chưa bao giờ có buổi chào cờ xúc động như thế. Chúng tôi cùng nghe đại diện các cán bộ, chiến sĩ “lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc” với 10 lời thề được tuyên bố dõng dạc, rõ ràng, dứt khoát.
Điểm tựa vững chắc cho ngư dân
Hàng năm, khu vực đảo Đá Tây cung cấp miễn phí hơn 1.000m3 nước ngọt, bán hơn 400.000m3 xăng dầu và hơn 20 tấn lương thực, thực phẩm; đồng thời sửa chữa hàng chục tàu thuyền của ngư dân. Nơi đây trở thành một trong những điểm tựa vững chắc cho tàu thuyền đánh bắt dài ngày của ngư dân, thiết lập được mối quan hệ tốt và thường xuyên trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình của khu vực.
|
Ở nơi đầu sóng ngọn gió, các chiến sĩ hải quân không chỉ có nhiệm vụ giữ gìn từng tấc đảo mà còn tích cực giúp đỡ ngư dân và các tàu thuyền qua lại khi có sự cố. Thượng úy, bác sĩ quân y Lê Tiến Dũng, vừa ra đảo Nam Yết tháng 2-2014, cho biết bình quân mỗi tháng bệnh xá của đảo tiếp nhận 30-40 lượt ngư dân đến khám chữa bệnh, thường là các bệnh mạn tính như huyết áp, tim mạch, nhưng thỉnh thoảng có vài trường hợp bệnh cấp tính, đông nhất là vào mùa đánh bắt. Còn ở đảo Phan Vinh A, năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014 đã đón 103 lượt tàu cá của ngư dân đến để nhận hỗ trợ về thuốc men, nước ngọt, thực phẩm…
Riêng bệnh xá đảo Trường Sa Lớn được đầu tư khá nhiều trang thiết bị hiện đại như máy chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu, điện tim…; bên cạnh đó, đơn vị còn có hệ thống chẩn đoán trực tuyến qua vệ tinh (Telecom medicine), kết nối với các bệnh viện 175, 108, 103 sẵn sàng hỗ trợ cho những ca khó. Năm 2013, bệnh xá đã thực hiện 18 ca phẫu thuật, chủ yếu là viêm ruột thừa, chấn thương. Tháng 10-2013, bệnh xá đã tiếp nhận một ca nhiễm trùng uốn ván nặng, bệnh nhân là anh Bùi Tấn Việt, 41 tuổi, một ngư dân của tàu cá tỉnh Bình Định. Trước đó hơn 1 tháng, anh Việt giẫm phải đinh, nhưng thấy vết thương lành nên chủ quan, đến khi đi biển thì phát bệnh. Đến Trường Sa vào lúc nửa đêm, anh Việt đã co cứng cơ toàn thân. Nhờ các y bác sĩ tìm cách hỗ trợ hô hấp, sử dụng các thuốc làm giãn cơ và kháng sinh, 2 ngày sau, anh Việt đã có thể nói, ăn cháo, trước khi được chuyển về TP.HCM tiếp tục điều trị…
Cán bộ, chiến sĩ trên các đảo khi được hỏi thăm về sinh hoạt, chiến đấu đều cho biết là mọi thứ ngày càng tốt hơn, các khó khăn đều có thể khắc phục được. Chẳng hạn, điện sinh hoạt thì hiện nay đã có các máy phát điện chạy bằng gió, điện mặt trời, duy trì song song với máy phát điện chạy bằng máy nổ; nước ngọt bên cạnh nước mưa thì vẫn thường xuyên được tiếp tế từ đất liền; rau xanh và thực phẩm tươi vừa có nguồn từ tăng gia vừa được tiếp tế cơ bản đáp ứng nhu cầu; thông tin liên lạc cũng khá thuận tiện… Chúng tôi nhớ mãi lời của chiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, quê ở Biên Hòa (Đồng Nai), đang làm nhiệm vụ trên đảo Sơn Ca: “Em chẳng ngại gì, kể cả khi có đánh nhau, vì chiến tranh thì cả nước cùng đánh chứ có phải riêng tụi em đâu…”.
Vâng, Trường Sa vì cả nước, cùng cả nước và cả nước vì Trường Sa và cùng Trường Sa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quần đảo nơi tuyến đầu Tổ quốc vẫn ngày đêm hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió, gìn giữ biển đảo quê hương, hỗ trợ ngư dân bám biển… Có đi rồi mới thấy càng thương bộ đội Trường Sa nhiều hơn!
Bài, ảnh: Nguyễn Minh Hải
Nuôi trồng hải sản phát triển kinh tế ở Trường Sa
Từ tháng 2-2007, Hải đoàn 129 hải quân đã tiến hành thực hiện dự án “Thí điểm nuôi trồng hải sản đảo Đá Tây Trường Sa”. Theo đó, hải đoàn đã nuôi thí điểm một số cá như cá mú, cá chim trắng, cá chẽm, cá hồng đen… thông qua việc áp dụng công nghệ nuôi cá lồng biển của Na Uy. Tổng số cá được thả trong thời gian qua gần 46.000 con; khi cá có trọng lượng đạt từ 1-2kg/con trở lên thì được đưa vào đất liền tiêu thụ. Đến nay, hải đoàn đã từng bước nắm bắt kỹ thuật nuôi, xác định được một số giống nuôi thích ứng với điều kiện tự nhiên của Trường Sa. Ngoài ra, hải đoàn cũng tổ chức huấn luyện, đào tạo lý thuyết và thực hành thực tế cho hơn 130 lượt người tham gia công tác nuôi trồng hải sản tại quần đảo Trường Sa với mỗi lượt từ 2-3 tháng. Dự án là một trong những chương trình thiết thực, đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho khu vực xa đất liền với nhiều tiềm năng, góp phần thực hiện mục tiêu dân sự hóa và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…
|
Bình luận (0)