Ông Trần Thiên Phụng lần giở tư liệu cũ, bên cạnh là người vợ đảm đang
|
Mỗi ngày, trong ngôi nhà cấp 4 ở một hẻm nhỏ trên đường Kim Đồng thuộc phường 2, TP.Đông Hà (Quảng Trị), có một người cựu chiến binh luôn tất bật phụ giúp vợ bán quán ăn để kiếm đồng ra, đồng vào nuôi con ăn học. Ít ai biết rằng hơn 26 năm về trước, chính ông đã từng đối mặt với hàng trăm quân xâm lược trong trận hải chiến Gạc Ma mà không hề sợ hãi…
Người cựu chiến binh đó là ông Trần Thiên Phụng. Thời điểm này, ngoài công việc phụ vợ bán quán ăn, ông hay xem chương trình thời sự trên ti vi; mỗi khi trên màn hình chiếu hình ảnh tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của ta bị đâm va làm hư hỏng là gương mặt ông đanh lại. Khi đó, kí ức bi hùng của hơn 26 năm trước hiện về rõ mồn một trong đầu ông.
1. Năm 1987, lúc ấy chàng thanh niên Trần Thiên Phụng vừa tròn 23 tuổi, cũng là thời điểm anh nhận lệnh lên đường nhập ngũ. Một năm sau đó, đang giữa mùa xuân, anh cùng 60 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị nhận lệnh ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ. Chiều 13-3-1988, khi con tàu mang số hiệu HQ 604 cập đảo đá chìm Gạc Ma, thì ngay lập tức quân Trung Quốc xuất hiện, bao vây đảo, khiêu khích và đe dọa từ chiều cho đến gần sáng. Đơn vị của ông được lệnh của chỉ huy phải bình tĩnh, tranh thủ ngủ sớm để ngày hôm sau tiến hành xây dựng trên đảo. Bất ngờ 5 giờ sáng, quân Trung Quốc đã đổ bộ lên đảo, đe dọa, khống chế các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ cắm cờ Tổ quốc trên đảo.
“Lúc đó tôi đang đứng ở mũi tàu, đồng chí Tống Sĩ Bái gọi to tên tôi “Phụng ơi xuống đây”. Vừa dứt tiếng gọi, tôi chưa kịp phản ứng thì một quả đạn pháo dội xuống làm đứt đôi con tàu. Bái đã hy sinh vào phút ấy!”, giọng ông Phụng chùng xuống, đôi mắt đỏ hoe. Ngừng lại giây lát để kìm sự xúc động, ông kể tiếp: “Quân Trung Quốc nhanh chóng tràn vào buồng lái. Nhiều chiến sĩ nhảy xuống thuyền bơi vào đảo. Còn tôi bị lực đẩy của đạn pháo hất tung xuống biển, may mắn vớ được một mảnh ván và bám vào đó lênh đênh trên biển. Mấy phút sau ngoái lại thì con tàu vỡ cũng đã chìm”.
Ông Phụng nhớ lại, sau nhiều giờ bám vào mảnh ván con tàu vỡ lênh đênh trên biển cả, đến tầm chiều 14-3, bọn chúng cho tàu lớn thả ca nô xuống vớt các chiến sĩ còn sống sót đang trôi dạt giữa biển, bắt làm tù binh. “Chúng nó hung hăng chĩa súng, bật sẵn lưỡi lê sáng quắc vào đầu tôi, ra dấu bảo tôi đưa tay đầu hàng nhưng tôi lắc đầu. Quan sát thấy tôi không có vũ khí nên chúng kéo tôi lên ca nô rồi đưa lên tàu. Tiếp đó chúng đưa tôi sang bán đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông để trị thương. Tại đây, chúng tra hỏi tôi tại sao không đầu hàng. Tôi bảo bộ đội Việt Nam không có khái niệm đầu hàng. Cả bọn nhìn chằm chằm vào tôi rất hằn học”.
Ông Phụng là một trong 9 chiến sĩ Việt Nam bị Trung Quốc bắt làm tù binh sau khi chúng tiến hành xâm chiếm đảo Gạc Ma. Một năm sau ngày bị bắt làm tù binh, ông Phụng và 8 chiến sĩ khác may mắn được Hội Chữ thập đỏ quốc tế biết tin đã tìm đến thăm, kiểm tra sức khỏe tại một doanh trại quân sự của Trung Quốc (đóng ở thị trấn Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây). Cũng chính Hội Chữ thập đỏ quốc tế thông báo thông tin về các tù binh cho Nhà nước ta. Ba năm sau đó, vào năm 1992, Trung Quốc đã tiến hành trao trả tù binh cho Việt Nam tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Sau đó, ông Phụng cùng đồng đội được đưa về an dưỡng ở Khu an dưỡng 157 Bắc Ninh – Bắc Giang…
2. Ba năm ông Phụng bị giam ở xứ người, cũng đồng nghĩa với hơn 1.000 ngày chị Lê Thị Thiên – vợ của ông – nước mắt ngắn dài. Nhiều lúc nhớ thương chồng, chị chỉ biết chạy xe hàng chục cây số về phía biển, vọng về phía Đông. Ngày nhận được tin chồng còn sống, chị gửi đứa con đầu lòng vừa tròn 4 tuổi, lặn lội bắt xe đò ra cửa khẩu Hà Khẩu. Ba ngày đêm dằn xóc trên xe đò, chị tới nơi thì biết là anh đang ở khu an dưỡng, lại phải bắt chuyến xe khác để quay về Bắc Ninh – Bắc Giang. “Lúc nớ không có điện thoại nên không có cách nào liên lạc, cứ nghe tin chồng ở đâu thì tôi lặn lội mà tìm tới đó, rứa thôi…”, chị Thiên kể lại.
Sau một thời gian an dưỡng, ông Phụng trở về quê, sống hạnh phúc trong căn nhà nhỏ với người vợ hiền thảo cùng những đứa con ngoan. Nhưng trong thâm tâm ông luôn hướng về biển đảo của quê hương – nơi nhiều đồng đội của ông chưa thể trở về. “Nhiều đêm đang ngủ, anh ấy ngồi bật dậy thảng thốt gọi tên đồng đội, rồi khi bình tâm lại anh ấy thức trắng đêm”, chị Thiên cho biết.
Ông Phụng bảo rằng mình còn sống sót trở về là may mắn, nhưng nhiều đồng đội còn nằm lại ngoài biển khơi thì an lòng làm sao được khi chai nước biển thay hình hài đồng đội. Suốt hơn 2 tháng nay, kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, ông không một ngày rời mắt khỏi chương trình thời sự trên ti vi.
3. Chia tay gia đình người cựu chiến binh Trường Sa, tiễn tôi trên con hẻm nhỏ trải dài bên bờ sông Hiếu, ông Phụng bộc bạch: “Tôi ước một lần được trở lại Trường Sa để thăm đồng đội. Bây giờ, nếu cần tôi vẫn sẵn sàng trở lại Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi ấy là máu thịt, không kẻ thù nào được phép càn quấy giấc ngủ yên bình của các đồng đội!”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Nhiều đêm đang ngủ, anh ấy ngồi bật dậy thảng thốt gọi tên đồng đội, rồi khi bình tâm lại anh ấy thức trắng đêm”, chị Thiên cho biết. |
Bình luận (0)