Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi tốt nghiệp THPT 2011 với đề “mở” cần quy trình thống nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Về đề thi tốt nghiệp THPT 2011, Bộ GD-ĐT cho biết, nội dung sẽ dành 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Điều này cho thấy, xu hướng đề thi tốt nghiệp sẽ ngày càng “mở”, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng làm bài tốt hơn.

Học sinh Trường THPT Trưng Vương (quận 1 TPHCM) trao đổi về đề thi. Ảnh: MAI HẢI
Tại TPHCM, ngay từ đầu năm, nhiều bộ môn đã đi trước đón đầu trong các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết và thi học kỳ 1 vừa qua khi đã có nhiều câu hỏi “mở”, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức. Dự kiến trong học kỳ 2, nhiều trường sẽ tăng cường ôn tập, kiểm tra theo dạng câu hỏi “mở” nhiều hơn nữa.
Thầy trò cùng tập thích nghi
Trong nhiều năm liền, môn Địa đều nằm trong danh sách các môn thi tốt nghiệp. Từ năm 2009, khi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng ban hành cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm học 2008 – 2009, đã đưa ra một định hướng mới trong đổi mới kiểm tra đánh giá môn Địa so với cách kiểm tra đánh giá hàng năm trước đây.
Theo ông Mai Phú Thanh, chuyên viên môn Địa, Sở GD-ĐT TPHCM, cấu trúc đề thi môn Địa mấy năm gần đây đánh giá chính xác năng lực tự học và giải quyết vấn đề của học sinh, khả năng tư duy địa lý của học sinh nhưng đồng thời cũng yêu cầu giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và học sinh thay đổi cách học thuộc lòng như trước đây.
Các câu hỏi sẽ đi vào các kiến thức cơ bản nhưng lại kết hợp chặt chẽ với kỹ năng, điều đó cho phép đề thi tốt nghiệp năm nay đánh giá kiến thức và tư duy địa lý học sinh, chứ không đánh giá khả năng ghi nhớ máy móc hoặc kỹ năng thực hành địa lý thuần túy của học sinh.
Với môn Văn, cô Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng Văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chia sẻ: “Hiện nay, tôi tin rằng ít có giáo viên hay học sinh nào thích dạng đề “đóng”, vì nó không khơi gợi được cảm hứng sáng tạo của học sinh. Do đó, xu hướng ra những câu hỏi “mở” sẽ nhận được sự đồng thuận của người dạy và người học.
Riêng môn Văn, đề ra theo xu hướng “mở” sẽ khơi gợi cảm hứng sáng tạo, giúp học sinh có cơ hội phát biểu cảm nhận chủ quan của mình, tránh được tình trạng học “tủ”, học “vẹt”.
Trong các bài kiểm tra học kỳ 1 vừa qua, nhiều giáo viên các trường cho biết đã đưa từ 30%-50% các câu hỏi “mở” vào bài thi giúp học sinh làm quen. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, với học sinh khá – giỏi, đề “mở” không gây trở ngại nhưng đối với học sinh trung bình – yếu lại lúng túng.
Cô Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Hiền, cho biết: “Điều mà chúng tôi lo lắng hiện nay là không đủ thời gian để dạy các em kỹ năng làm bài với dạng đề mở, vận dụng kiến thức. Hiện nay nhiều trường đã dựa trên kết quả thi học kỳ 1, bắt đầu phân loại trình độ học sinh để giảng dạy và ôn tập, đặc biệt phải có phương pháp ôn luyện riêng cho các em học sinh trung bình – yếu”.
Còn nhiều lo lắng
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, chuyên viên môn Sử, Sở GD-ĐT TPHCM, các trường cần phải chủ động thay đổi cách dạy và học ngay từ đầu để không phải bỡ ngỡ trước mùa thi. Ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã yêu cầu giáo viên tổ bộ môn phải họp tổ để thống nhất nội dung từng bài theo 3 mức độ: 1, 2, 3. Ở mức độ 2-3 phải ra những câu hỏi “mở”, vận dụng thông hiểu kiến thức. Việc này cần một quy trình thống nhất từ khâu dạy – học – thi – đánh giá.
Với đề thi có các câu hỏi “mở”, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, các giáo viên trong tổ bộ môn phải họp lại thống nhất với nhau cách dạy kỹ năng làm bài, cũng như đáp án cho điểm, tránh tình trạng “vênh” nhau.
Dù ủng hộ với đề thi dạng “mở” yêu cầu học sinh thông hiểu và vận dụng kiến thức của Bộ GD-ĐT nhưng nhiều giáo viên vẫn không khỏi lo lắng, liệu đề thi và đáp án có sự “ăn ý” với nhau không? Không đâu xa, đáp án môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 đã làm không ít giáo viên thất vọng vì dạy và học một đường, đáp án đề thi ra một nẻo.
Bà Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng Tổ Sử Trường THPT Nguyễn Hiền, chia sẻ: “Đối với môn Sử, các câu hỏi phải dựa trên nền tảng kiến thức cơ bản, sự khách quan chứ không phải là cảm quan chủ quan của người ra đề, có như vậy đáp án mới có sự thống nhất”.
Nguyễn Thủy – Anh Khoa / SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)