Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Đổi thay bên phá Tam Giang

Tạp Chí Giáo Dục

Mô hình trồng dưa hấu mang lại thu nhập ổn định cho người dân bên phá Tam Giang
Nhắc đến những miền quê bên phá Tam Giang (Thừa Thiên – Huế), nhiều người nhớ ngay điệu mái nhì man mác như nỗi niềm day dứt khôn nguôi về những vất vả gian lao, phận người cơ hàn, lam lũ. Thế nhưng, bây giờ từ anh nông dân gắn bó với ruộng đồng đến những ngư phủ mưu sinh nương theo con nước lớn – ròng trên phá Tam Giang, cuộc sống đã không còn nghèo khó như xưa…
1. Ngày chúng tôi về xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế), ông Đỗ Đắc Lộc, Phó chủ tịch UBND xã, ra đến tận đầu con đường cấp phối dẫn vào xã đón. Ông vui vẻ nói: “Lâu lắm rồi, người dân bên bờ phá Tam Giang này mới đón khách trong tâm trạng phấn khởi. Lâu nay, người dân nơi đây chủ yếu chỉ đón khách sau mỗi mùa bão lũ, mà khách chủ yếu là các nhà báo đi thực tế nắm tình hình thiệt hại của địa phương”. Để minh chứng cho điều mình nói, ông Lộc dẫn chúng tôi đi một vòng qua các thửa ruộng ngút ngát màu xanh của bà con trong xã. Trải dài trước mắt chúng tôi là cánh đồng lúa trồng theo mô hình lúa chịu mặn, lên xanh tốt hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Ông Lộc cho biết: “Đây là giống lúa chịu mặn RVT, lúa thích ứng tốt với điều kiện đất ruộng kém về dinh dưỡng, bị nhiễm mặn và nhiễm phèn, thiếu nguồn nước nhưng năng suất đến 60 tạ/ha. Mô hình này đang mở ra triển vọng giúp cho bà con nông dân Hải Dương cũng như các xã vùng đầm phá, ven biển chủ động về an ninh lương thực, thích nghi với biến đổi khí hậu đấy”. Ông Phạm Thế Hiền, Chủ nhiệm HTX Vĩnh Trị, cho biết thêm: “Toàn xã Hải Dương đã thí điểm gần 5ha lúa chịu mặn. Năng suất được cải thiện đáng kể. Đời sống của bà con nông dân đã ổn định hơn trước đây nhiều”.
Bên cạnh mô hình trồng lúa chịu mặn, 3 năm trở lại đây, mô hình trồng dưa hấu trên đất cát ven biển cũng đã giúp cho hàng chục hộ dân ở xã Hải Dương cải thiện đáng kể nguồn thu nhập. Bà Phan Thị Thúy, một nông dân trồng dưa hấu ở xã Hải Dương, nói: “Trước đây miền đất cát chua phèn này khó gieo trồng các loại hoa màu. Ba năm nay nhờ có giống dưa hấu chống chịu trên đất cát nên với 2 sào dưa, gia đình tui có thu nhập ổn định hơn”. Bà Thúy nói thêm, ước tính mỗi sào dưa hấu mang lại khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng tiền lãi cho người nông dân chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng. Trong khi đó, ông Ngô Thế, Phó chủ tịch UBND xã Hương Phong (thị xã Hương Trà), cho biết: “Do cuộc sống nghèo khó, nhiều năm trước, bà con bên phá Tam Giang không mấy ai quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Nhưng đến Hương Phong bây giờ, dù nhà nghèo đến mấy bà con cũng tạo điều kiện cho con cái đi học để sau này ra đời nở mày nở mặt với thiên hạ”.

Người dân hai xã Hải Dương và Hương Phong tập ứng phó với biến đổi khí hậu
2. Ba năm trở lại đây, những triền cát chói mắt người đã được thay bởi màu xanh của những thửa hoa màu. Câu ca “Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” một thuở làm chùn chân bao người đã được chính bàn tay và khối óc con người sống neo mình bên bờ phá này làm thay đổi. Mỗi khi có dịp về hai xã Hải Dương và Hương Phong, ấn tượng khó quên với nhiều người là rác thải hầu như hiện diện ở khắp nơi, từ các tuyến đường cho đến bờ sông, bờ biển và các khu dân cư. Bây giờ đã khác! Để vùng quê này có bộ mặt khang trang như hiện nay là cả một sự đổi thay kỳ diệu. Những đổi thay ấy được bắt đầu chính từ sự giúp đỡ thiết thực của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững, từ đó người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Những triền cát chói mắt người ba năm trở lại đây đã được thay bởi màu xanh của những thửa hoa màu.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, cho biết sự đổi thay này một phần nhờ hỗ trợ tích cực của Dự án giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng. Bà Hương dẫn chứng, năm 2011 qua khảo sát, hai xã Hương Phong và Hải Dương chỉ có 9% và 11% số người được hỏi cho biết ưu tiên quan tâm chăm lo đến con người, tiếp theo là tài sản nhà cửa và sản xuất – nghĩa là sự quan tâm đến con người rất hạn chế. Sau 3 năm, con số này tăng lên 82% đối với Hương Phong và 75% đối với Hải Dương. Về xử lý rác thải, nếu như năm 2011 chỉ có 53% hộ gia đình ở Hải Dương và 63,5% hộ gia đình ở Hương Phong tham gia chương trình quản lý chất thải, thì đầu năm 2014 đã có 100% hộ gia đình ở hai xã tham gia và sẵn sàng trả lệ phí quản lý rác thải. “Trước đây, chỉ một trận lũ là có thể toàn bộ tài sản mà người dân chắt chiu dành dụm phút chốc bị cuốn trôi theo dòng nước. Bao nhiêu gia đình chỉ trong chớp mắt thành trắng tay.
Bây giờ người dân đã ý thức hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình ổn định theo các mô hình thâm canh, nuôi trồng, nhà cửa theo đó cũng được quan tâm xây dựng kiên cố hơn. Nỗi lo canh cánh mùa mưa lũ đã bớt đi nhiều lắm!”, bà Hương chia sẻ.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Xã Hương Phong có diện tích tự nhiên 1.569ha, với 2.400 hộ dân. Khoảng 80% sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, số còn lại làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Do địa hình ba mặt giáp sông Hương, sông Bồ và phá Tam Giang nên triều cường xâm thực có nguy cơ làm cho nhiều vùng đất bị xói mòn và bị biến thành đầm phá. Trong khi đó, xã Hải Dương có diện tích 1.029ha, với 1.519 hộ. 60% sản xuất nông – ngư nghiệp, còn lại 40% sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Do sát với cửa sông và giáp biển trên chiều dài 7 cây số nên mỗi khi bão lũ đều gây thiệt hại về cơ sở vật chất, đe dọa tính mạng con người. Mặt khác, đất đai bị nhiễm mặn nên thu nhập của người dân khá khó khăn. 
 

Bình luận (0)