Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Quà của rừng Tây Bắc

Tạp Chí Giáo Dục

Các em gái trong bản Na Son đang đào măng rừng
Khi những cơn mưa đầu mùa vừa trút xuống cũng là lúc mọi người, đặc biệt là học trò vùng đại ngàn Tây Bắc rủ nhau băng rừng tìm đặc sản măng đắng…
Sản vật của đại ngàn
Cơn mệt phờ sau khi vượt gần 80 cây số đường dốc khúc khuỷu từ thành phố Điện Biên (tỉnh Điện Biên) về bản Na Son (huyện Điện Biên Đông) của chúng tôi tan nhanh khi cô bạn  Vi A Thái (dân tộc Thái) cùng một đám nhóc trong bản với dao, xẻng, túi… đầy khí thế rủ rê vào rừng tìm măng đắng – món ngon được ví như “quà của rừng” dành cho người dân Tây Bắc.
Ai cũng biết các món đắng đều rất khó ăn nhưng ngược lại măng đắng lại được hầu hết người dân  vùng Tây Bắc vô cùng yêu thích và chờ đợi. Chính vì thế, cứ vào mùa mưa hầu như tất cả mọi người, nhất là các em học sinh tranh thủ đổ vào rừng “săn” măng đắng để “ăn cho đã thèm”; nếu dư thì để dành ăn dần, làm quà biếu hoặc mang ra chợ bán kiếm tiền sắm sửa cho năm học mới sắp bắt đầu. 
Trên đường băng rừng, cô nàng Vi A Thái kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình cảm động về “món quà của rừng” mà hầu như ai ở miền đất huyền thoại này cũng thuộc nằm lòng.
Ngày xưa có chàng trai tài giỏi nhất vùng tên Khôm (nghĩa là đắng) yêu một cô gái xinh đẹp giỏi giang tên Bioóc (nghĩa là hoa) nhưng bị gia đình nhà gái ngăn cản quyết liệt. Cuối cùng, cả hai cùng nắm tay nhau trốn vào rừng sâu rồi đói lả kiệt sức chết trong tình yêu trong trắng thủy chung. Từ đó, nơi nấm mộ hai người mọc lên loài măng có vị đắng như là một kết tinh của tình đất – tình người.
Mới vào mùa mưa, măng đắng nhú lên tua tủa khắp rừng Na Son, chúng tôi tranh nhau khoét đất, bứng măng vô cùng hào hứng. Vốn có rất nhiều kinh nghiệm theo chân người lớn tìm măng đắng từ lúc còn nhỏ xíu, Vi A Thái “bật mí”: Thời điểm này mưa nhiều cũng là lúc măng mọc nhiều nhất và có vị ngon lạ hơn. Kì lạ hơn sau những trận mưa có tiếng sấm rền nhiều thì măng càng đắng dữ dội hơn và đây cũng là lúc măng ngon nhất.
Chỉ trong vòng hơn hai giờ băng rừng Điện Biên Đông, chúng tôi ai cũng lỉnh kỉnh mang về vài ba kí măng đắng đủ để làm một bữa ra trò.
Một lần và mãi mãi

“Chiến lợi phẩm” sau chuyến đi
Ông Vi A Sùng (bố của Vi A Thái) tận tình giải thích cho chúng tôi biết công dụng của măng rừng: “Măng đắng được bóc vỏ già lấy phần lõi non chế biến làm rất nhiều món ngon như xào mẻ, luộc, hầm xương, hấp quấn thịt vịt hoặc thịt lợn. Đơn giản nhất là món măng đắng luộc chấm muối ớt mà cũng khiến bao người ăn một lần lại muốn có lần thứ hai, thứ ba… Với những người thích cái vị đắng, vị chát, thay vì luộc, người ta đem nướng măng đắng. Người sành măng đắng, ăn nướng mới thật đã…”. 
Khác với các loại măng tươi khác khi chế biến cần ngâm muối để khử bớt vị đắng, cái ngon ở măng đắng chính là vị đắng tê người với những ai lần đầu thưởng thức. Tuy vậy, khi ăn, cái cảm giác đắng, chát cứ mất dần sau mỗi miếng nhai nhẩn nha. Thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ. Thời gian này thu hoạch măng đắng quá nhiều, ăn không hết, bà con thường lột vỏ làm muối chua để ăn dần cho những tháng không còn măng đắng nữa.
Cảm giác của chúng tôi khi lần đầu tiên ăn thử là thấy đắng nghét. Vị đắng lan nhanh trên lưỡi vào tận cuống họng khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Rồi vị đăng đắng ấy cũng tan đi để lại một vị ngọt nhẹ rất lạ cứ thấm sâu trên lưỡi, càng ăn chúng tôi càng… ghiền.
Khác với các loại măng tươi khác khi chế biến cần ngâm muối để khử bớt vị đắng, cái ngon ở măng đắng chính là vị đắng tê người với những ai lần đầu thưởng thức.
Ăn măng đắng không thể thiếu “chẩm chéo” – một loại nước chấm khá cầu kì của người Thái gồm tỏi, ớt nước, lá chanh, rau mùi, muối rang giã nhỏ và không thể thiếu mắc khén (một loại hạt cay như tiêu). Khi chấm “chẩm chéo” măng bớt đắng mà có vị ngọt nhẹ, cay cay ngon lạ thường. 
Anh Hữu Xuân (thầy giáo cắm bản Na Son) cho biết: “Nếu khách lạ, nhất là các bạn nữ còn ngại vị đắng không dám ăn, người ta còn kiếm thêm một ít lá chát từ một loài cây trong rừng để ăn kèm thì măng sẽ ít đắng đi. Cách đây hơn 5 năm khi từ Thái Bình tình nguyện lên đây công tác, lần đầu được học trò mời ăn măng đắng, tôi nhiều lần phải “chạy mặt” vì quá đắng không như các loại măng dưới xuôi. Nhưng sau vài lần nhờ sự trợ giúp của lá chát tôi cảm  nhận cái ngon ngọt lạ lùng của đặc sản rừng Tây Bắc này. Giờ đây trong mỗi bữa cơm không có các món làm từ măng đắng tôi cảm thấy nhạt nhẽo thiếu cái gì đó không thể tả được”.
Anh Xuân cho biết thêm: “Tôi yêu vùng đất, con người Tây Bắc này và yêu luôn món măng đắng mất rồi…”.
Chia tay bản Na Son về lại thành phố Điện Biên,  chúng tôi cứ thòm thèm măng đắng mãi. Cái vị đăng đắng, ngòn ngọt ấy như tấm lòng của con người Tây Bắc đơn sơ, bình dị đến một lần rồi sẽ không thể nào quên được…
Bài, ảnh: Nhã Uyên
Nem măng đắng Tây Bắc
Ngoài các món ăn thông thường, sau này người dân Tây Bắc đã chế biến ra món lạ – nem măng đắng Tây Bắc – cái tên vừa lạ vừa quen.  Khác với nem dưới xuôi, nem măng đắng của người dân Tây Bắc lại kì công và độc đáo ở chỗ họ không dùng bánh đa nem để gói mà dùng những lá măng, nhân không phải thịt lợn, tôm… mà dùng thịt gà tơ. Vị hơi đăng đắng của măng, vị ngọt của thịt gà tơ, vị béo của dầu, mùi thơm của các loại gia vị sẽ tạo nên hương vị đặc trưng riêng của nem. Người dân Tây Bắc chỉ làm nem măng đắng trong những ngày truyền thống của làng bản, nhưng nay nó đã xuất hiện nhiều hơn trong bữa ăn để quảng bá với du khách về văn hóa ẩm thực nơi đây.
 
 

Bình luận (0)