Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Săn ong rừng

Tạp Chí Giáo Dục

“Chiến lợi phẩm” sau chuyến đi
Lâu nay với người chuyên kiếm sống ở chốn rừng thiêng, nghề săn mật ong rừng được coi là một nghề nguy hiểm không kém việc “ngậm ngãi tìm trầm”. Chuyện săn mật ong rừng không chỉ là kế mưu sinh mà còn là cả niềm say mê khó bỏ.
Bởi thế, đối với các thợ săn lành nghề ở làng Câu Nhi (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), câu ca “Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật” đã trở thành xưa cũ. Niềm hăng say thôi thúc họ đi săn mật quanh năm!
1. Vào độ này, mảnh đất miền Trung vẫn đang “oằn mình” hứng chịu những trận gió Lào quạt lửa kèm theo những cơn giông lốc bất ngờ. Nhất là chốn núi rừng, mưa ập xuống không có dấu hiệu báo trước khiến người đi rừng không kịp xoay trở. Vì thế, đi rừng có thêm khách lạ thì những phu rừng rất ái ngại. Phải mất rất nhiều cái hẹn, cuối cùng chúng tôi mới được sự đồng ý của một phu rừng nổi tiếng có tài săn mật ở xã Hải Chánh. Anh tên là Phạm Hữu Lâm (40 tuổi), một thợ săn có tiếng ở làng Câu Nhi. “Nghề này cũng thất thường lắm, có khi cơm đùm gạo bới lang bạt chốn rừng thiêng nước độc cả chục ngày trời mà không tìm thấy tổ ong nào. Khi may mắn thì đi là gặp”, anh Lâm bắt đầu chuyện nghề trong lúc ngồi đợi bóng ong giúp chúng tôi giảm bớt sự nôn nóng. Việc đi săn mật ong cũng như đánh bạc với rừng. Hôm nào gặp may, thợ săn thu hoạch được năm bảy lít mật, rủi thì về không. Nghề săn mật luôn tiềm ẩn lắm nguy hiểm. “Có những tổ ong chót vót trên thân cây thẳng đuột, cao đến hai, ba chục mét. Người thợ săn bao giờ cũng vậy, không dây bảo hiểm để đề phòng ong vỡ tổ bay ra đốt còn kịp thoát xuống đất”, anh Lâm bộc bạch. Thế nhưng người săn ong mật đã say nghề thì lúc nhìn thấy tổ ong chỉ muốn chinh phục bằng được độ cao đầy thách thức. Theo kinh nghiệm của anh Lâm với hơn 20 năm trong nghề, người săn mật phải giỏi phán đoán và phải có đôi mắt tinh anh để theo dõi đường bay của ong. Mật ong tìm được cũng có nhiều dạng, nếu là loài ong ruồi làm tổ trên cành cây nhỏ thường cho mật tốt. Ngoài ra còn có loài ong bọng thường ở trong bọng cây, ụ mối, khe đá có chất lượng mật ngon. Nhưng thông thường người đi săn mật, nhất là vào mùa mưa, hay gặp nhất vẫn là loài ong thế, thường ở trên cây cao trong rừng sâu, tổ lớn, có khi to bằng nửa chiếc chiếu, mật nhiều nhưng có vị hơi chua. Muốn tìm được tổ ong thì phải bắt đầu quan sát từ khe suối, nơi đám ong thợ thường ra lấy nước. Cứ theo dấu ong bay thì sẽ tìm ra tổ mật. Tuy nhiên đôi khi vẫn bị đám ong thợ đánh lừa. Nó cứ bay vòng vèo mãi mới về tổ, rất khó tìm. Những lúc ấy người săn ong phải kiên nhẫn và bình tĩnh, tuy nhiên thất bại cũng là chuyện thường.

Vắt vẻo ở độ cao 30 mét, anh Lâm bảo nguy hiểm lắm nhưng đó cũng là cái thú của nghề săn ong
2. Trong câu chuyện dài của nghề săn mật ong rừng, mới hiểu hết sự hiểm nguy của nghề như người ta nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Mất nhiều thời gian dưới cái nắng gắt đứng gió của chốn rừng thiêng, anh Lâm ra dấu cho chúng tôi thấy bóng dáng của ba chú ong thợ rập rờn trên mặt nước suối. Anh nhẹ nhàng leo lên ngọn cây quan sát đường ong bay rồi giục chúng tôi nhanh chân men theo bìa suối. Gần một giờ trôi qua, một tổ ong khá to đang vắt vẻo ngọn cây hiện ra trước mắt. “Cây ni cao tầm 25 mét” – anh Lâm khẳng định. Anh soạn “đồ nghề”: Một cây sào đầu cuộn chặt lá tươi và vài thứ cỏ khô mồi dễ cháy, sợi dây một đầu buộc quai chiếc thùng nhựa, đầu còn lại buộc chặt vào lưng. Anh leo lên cây, cách tầm 5 mét, anh châm lửa đốt chiếc sào buộc lá cây thành một “trái khói”, tiến lên tổ ong. Nghề này chỉ hong khói đuổi ong chứ tuyệt đối không làm ong chết. Đó là nguyên tắc của người săn ong mật.
Tầm 15 phút trôi qua, bầy ong vỡ tổ bay loạn xạ, xông thẳng vào bất cứ ai đang đứng dưới gốc cây quanh đó. Người thợ tìm mật đi cùng anh Lâm nhanh chóng kéo chúng tôi chạy lẩn vào giữa lùm cây rậm rạp. Vài con bám chặt lấy anh Lâm đốt. Anh vẫn gan lỳ chịu đựng và bình tĩnh đuổi ong rồi từ từ lấy bọng mật cho vào thùng. “Có những con ong từng bị lấy mật đôi lần nên nó rất hung dữ. Có khi nó đuổi theo cả cây số vẫn chưa chịu thôi. Đôi khi vài con ong đốt cũng gây sốt nhưng đã đam mê nghề thì chịu đựng từng ấy thấm vào đâu”, anh Lâm chia sẻ. Sau gần một ngày trời lang bạt giữa núi rừng âm u tìm rồi lấy mật, anh Lâm cùng đồng nghiệp lấy được tầm 5 lít mật. Số mật thu được chia đều cho mỗi người một ít gọi là “lộc rừng”. Điều ấn tượng nhất trong chuyến đi săn mật là bữa cơm ngay sau đó cả chủ và khách đều được thưởng thức món ăn đặc biệt từ tổ ong non xào lên thơm, béo ngậy. 
Ong thường làm mật xôm tụ nhất vào độ tháng 3, khi muôn hoa đua nở. Tuy nhiên không chỉ tháng 3, các tháng khác người săn vẫn tìm thấy tổ ong mật dù phải đi sâu vào rừng và phải chọn đúng thời điểm nắng ráo dài ngày. “Thường sau 10 ngày kết mật, nếu không ai lấy thì ong sẽ tự ăn tổ mật của mình và bay đi nơi khác tìm hoa, xây tổ khác. Đó cũng là một điều thú vị – anh Phạm Hữu Lâm cho biết.
3. Anh Lâm bảo, mỗi năm cũng chỉ đi rừng được vài tháng, nghề săn ong mật coi như làm một đợt để dành ăn cả năm. Lời lãi thu được không đáng là bao, lấy công làm lãi. Thế nhưng hiểm nguy khó lường. Bây giờ rừng không còn thú dữ nhưng người đi săn ong ngày càng nhiều nên mật khan hiếm. Muốn có mật phải lặn lội vào rừng sâu. Ở các khu vực rừng ông Đô (Hải Phú), tới rừng Hải Chánh, rồi thậm chí vào đến Huế, ra tận Quảng Bình… Mùa mưa đi rừng già, chuyện vắt cắn như cơm bữa. Chuyện xe lăn xuống vực hay ngã gãy tay chân khi trèo cây đối với dân săn ong rừng cũng là chuyện thường tình. Biết hiểm nguy họ vẫn đi bởi lý do duy nhất đó là say nghề!
“Lang thang đi tìm ong cũng có cái thú của nó. Không ai muốn bỏ nghề cũng vì cái thú ấy. Người săn ong không ai quên được cái cảm giác sướng rân khi tìm thấy tổ ong. Cái cảm giác ấy giống như cầu thủ sút tung lưới đối phương vào phút bù giờ chót!”, anh Lâm nói.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Đam mê với nghề
Không ai nhớ người dân làng Câu Nhi theo nghề săn mật ong từ bao giờ. Chỉ biết, những người thuộc tầm 40 tuổi như anh Lâm, lớn lên đã theo chân ông, cha lên rừng. Rồi họ cũng dần quen và say nghề từ lúc nào chẳng biết. Dẫu nghề không thể nuôi sống được vợ con quanh năm, nhưng thà vất vả hơn một chút với công việc đồng áng họ vẫn cố dành thời gian vào rừng. Những người mẹ, người vợ biết hiểm nguy nhưng cũng đành quen với niềm đam mê của chồng con. Ở Câu Nhi, người được biết đến như một thợ săn mật nổi tiếng là ông Nguyễn Đình Trạc (77 tuổi). Bà Nguyễn Thị Nga, vợ ông Trạc, nói: “Ông nhà tui đi rừng từ 3 giờ sáng. Gần 80 tuổi mà vẫn cứ bươn chải như thanh niên trai tráng rứa đó. Nhiều khi muốn khuyên ông nghỉ ngơi ở nhà nhưng nhìn ông bần thần nhớ rừng, đành để ông đi”. Bà Nga nên vợ nên chồng với ông Trạc cũng từ nghề ong. Thuở đó, chàng thanh niên Nguyễn Đình Trạc suốt ngày theo chân cha bà vào rừng kiếm mật. Thấy chàng trai khỏe mạnh, lanh lợi lại có thú đam mê như mình nên cha bà đã mai mối cho lấy con gái mình. Hơn 50 năm sống đời chồng vợ, bà Nga bảo ông chưa hề làm bà phật ý, duy chỉ có thú mê săn mật ong thì dù bà có lo lắng bao nhiêu ông cũng không bỏ nghề.  
 
 

Bình luận (0)