Thạch “tình nguyện” trong lớp học ở chùa Ba Phố
|
Đã 13 năm qua, các chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh của Trường ĐH Y dược TP.HCM tại mặt trận tỉnh Trà Vinh ngày ấy vẫn đau đáu đi tìm “đứa con tinh thần” cả một mùa chiến dịch…
Thạch “tình nguyện”
Một buổi chiều mưa tầm tã, nhóm chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh Trường ĐH Y dược TP.HCM gồm Thanh Minh, Văn Kía, Nguyệt Cầu, Duy Cương, Duy Anh… đang say sưa giảng bài ở điểm xóa mù chữ gần cầu Ba Si (xã Phương Thạnh, huyện Càng Long) thì một người dân hớt hải đến báo tin có một phụ nữ trẻ sinh khó đơn độc trong căn chòi rách nát gần đó. Ngay lập tức cả nhóm đội mưa, lội sình lầy lao đi bởi với kiến thức của những bác sĩ tương lai, các bạn biết nếu chậm trễ thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Bác sĩ Thanh Minh (hiện công tác tại Bệnh viện Q.2, TP.HCM) kể: “Lúc đến, chúng tôi vô cùng xót xa khi chứng kiến cảnh người sản phụ trẻ măng đang rất hoảng sợ, nằm kêu rên đơn độc trong căn chòi rách nát. Thấy các chiến sĩ áo xanh đến, chị mừng quá nắm chặt tay thều thào kêu cứu vì ối đã vỡ còn đứa bé đã bắt đầu chui ra ngoài… Sau khi trấn tĩnh, cả nhóm hội ý nhanh không thể làm liều đỡ đẻ trong điều kiện tồi tệ như thế sẽ rất nguy hiểm nên tức tốc phân công nhau chở chị lên trung tâm y tế xã. Gần 10 giờ đêm, nhóm cùng các y tá ở trung tâm y tế xã mới đưa được cháu bé ra ngoài trong sự vui mừng khôn xiết của tất cả mọi người”.
Nhớ lại giây phút vượt cạn gian nan ấy, chị Kim Tuyến (sản phụ năm ấy – PV) nghẹn ngào cho biết hai vợ chồng yêu nhau nhưng không được gia đình chấp nhận đành ra vườn hoang cất chòi chờ sinh nở. Hôm ấy chị định đi sinh một mình nhưng mới bước ra thì vỡ ối mà trong túi thì không có một đồng… Cảm động hơn, toàn bộ chi phí sinh nở của chị đều do các chiến sĩ áo xanh đóng góp, thậm chí các bạn còn tổ chức ngày đầy tháng cho bé hết sức tươm tất.
Cảm kích tấm lòng của các chiến sĩ áo xanh, anh chị quyết định đặt tên con là Thạch “tình nguyện” như một lời tri ân nghĩa tình màu áo xanh.
“Em ơi, em ở đâu?”
Thái Phước Lộc (cán bộ Tỉnh đoàn Trà Vinh, bên phải) tìm được Thạch “tình nguyện” ở ấp Kỳ Son (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long)
|
Vì nhớ Thạch “tình nguyện”, một năm sau, cả nhóm hào hứng trở lại cầu Ba Si thăm em. Đến nơi, các anh chị bàng hoàng khi được biết gia đình nhỏ ấy đã li tán mà không để lại chút manh mối nào.
Bác sĩ Thanh Minh xúc động kể: “Cầm trên tay số tiền dày công quyên góp đủ để xây căn nhà tình nghĩa cho em mà các anh chị muốn rơi nước mắt, cuối cùng đành giúp các gia đình nghèo khác”.
Nhiều chuyến đi sau đó, mới nhất cách đây chỉ hai tháng của nhóm đều trở về tay không bởi người thân cũng không biết Thạch “tình nguyện” đang ở đâu.
Rất thân với nhóm từ hồi chiến dịch cũng như hiểu tường tận câu chuyện xúc động này, anh Thái Phước Lộc (cán bộ Tỉnh đoàn Trà Vinh) quyết tâm tìm Thạch “tình nguyện” cho bằng được dù từ những tin tức rất mơ hồ bởi “đây không chỉ là dấu ấn tình nguyện của Trà Vinh mà còn là câu chuyện của tình người”.
Lội bùn lầy dưới mưa tầm tã suốt mấy cây số gặp Thạch “tình nguyện” tại ấp Kỳ Son (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), anh Lộc lặng người khi biết được hoàn cảnh quá bi đát của em: Ba mẹ li hôn tứ tán, em về sống với ngoại trong căn nhà trơ nóc. Khi ngoại mất, Thạch “tình nguyện” về sống với dì Út rồi dì cũng bỏ đi Sài Gòn mưu sinh, em lại phải sang ở nhà cậu mợ cũng rất khốn khó…
Càng buồn hơn khi về sống với ngoại, bà giận con rể bỏ bê hai mẹ con Thạch “tình nguyện” theo tình mới nên nhất định bỏ họ Thạch làm lại khai sinh theo họ ngoại. Từ đó, dù người thân, bạn bè vẫn gọi em là Thạch “tình nguyện” nhưng trên giấy tờ giờ cậu bé mang tên mới là Nguyễn Chanh Đara…
Cho yêu thương đong đầy
Lặn lội suốt một ngày mưa tầm tã, cuối cùng chúng tôi đã gặp được cậu bé 13 năm thương nhớ của các chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh của Trường ĐH Y dược TP.HCM ở mặt trận Trà Vinh năm xưa khi em vừa đến chùa Ba Phố (ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) xin tá túc học tập trong những ngày hè.
“Từ ngày mở mắt chào đời, Thạch “tình nguyện” được chúng tôi xem như “đứa con tinh thần” cả một mùa chiến dịch, một dấu ấn của tình quân dân hết sức đậm đà…”, bác sĩ Trần Quang Châu (chỉ huy mặt trận Mùa hè xanh tỉnh Trà Vinh năm 2001, hiện là Phó giám đốc Phòng khám Đa khoa Thuận Kiều) xúc động hồi tưởng.
|
Cậu bé da đen nhẻm, trông rất ốm yếu, ít nói, ít cười; còn đôi mắt lúc nào cũng buồn rười rượi. Em cho biết ở nhà hay nhớ ngoại, nhớ mẹ nên xin vô chùa ăn ở, học tập vừa yên tĩnh vừa giúp giảm bớt “cơm gạo” nhà cậu mợ. Chỉ mới ở đây được vài ngày nhưng em được các sư khen rất ngoan ngoãn và chăm học.
Khi được hỏi về cái tên rất đặc biệt của mình, mắt Thạch “tình nguyện” sáng lên cho biết dù chưa một lần biết đến sinh nhật nhưng em rất nhớ ngày chào đời 25-7 năm ấy vì hồi đó mẹ có nói “nếu không nhờ các “chú áo xanh” thì đã không có con rồi”.
Thoáng chút ngập ngừng, Thạch “tình nguyện” khoe em vừa được nhận giấy khen học sinh giỏi lớp 5/1 Trường Tiểu học Thạch Thia như thể muốn làm yên lòng các “cô chú áo xanh” chỉ nghe qua lời kể.
Em Thạch Ni, học chung trường với Thạch “tình nguyện”, cho biết: “Bạn ấy không có cặp phải gói tập vở bằng bao nilon, thiếu áo mặc, nhiều khi vô lớp còn phải quạt cho kịp khô mà học giỏi nên bạn nào cũng nể”.
Giờ thì chúng tôi mới hiểu vì sao khi được hỏi có ước mơ gì Thạch “tình nguyện” chỉ im lặng không nói, vì sao em buồn hiu khi nói về năm học mới và vì sao bước chân anh Lộc “nặng như đeo đá” khi chia tay “đứa con tinh thần” Mùa hè xanh sau 13 năm không gặp… Đôi khi có những điều không thể viết thành lời.
Bài, ảnh: Nhã Uyên
Khi được hỏi về cái tên rất đặc biệt của mình, mắt Thạch “tình nguyện” sáng lên cho biết dù chưa một lần biết đến sinh nhật nhưng em rất nhớ ngày chào đời 25-7 năm ấy vì hồi đó mẹ có nói “nếu không nhờ các “chú áo xanh” thì đã không có con rồi”. |
Bình luận (0)