Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Từ xóm chài đến đường đua quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Trở về đời thường, các vận động viên đua thuyền lại mưu sinh bằng nghề sông nước
Họ là những ngư dân sinh ra và lớn lên cùng chiếc ghe nhỏ, mái chèo gỗ lênh đênh trên mặt nước kiếm sống bằng nghề chài lưới. Tưởng chừng họ sẽ gắn liền với bờ sông, bãi đầm, với mớ tôm, con cá…, nhưng ít ai ngờ rằng, có ngày họ mang những mái chèo gỗ đơn sơ ấy đi thi thố tài năng ở các đấu trường lớn… Họ là những ngư dân ở Đội đánh cá Tân Lập, thuộc xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị).
Từ xóm chài quê
Đội đánh cá Tân Lập vốn là một nhóm cư dân quần tụ trên sông Thạch Hãn, đoạn qua xã Hải Lệ. Cư dân tứ xứ theo con nước làm ăn rồi chọn mảnh đất này để neo thuyền sau mỗi ngày. Năm 1986, theo chủ trương của tỉnh, Đội đánh cá Tân Lập lên cạn định cư, lập làng với tên gọi là Đội Tân Lập. “Từ ngày có đất dựng nhà cửa, người dân làng Tân Lập không còn chuyên một nghề đánh cá trên sông mà bươn chải đủ nghề từ ruộng nương đến buôn bán, nhưng “chất” của cư dân sông nước thì không bị xóa nhòa. Chuyện bơi lội hay chèo thuyền trở thành bản năng sống để đối mặt với thiên tai mỗi mùa bão lũ, nước lớn”, ông Trần Loát, một lão ngư gần 60 tuổi, nói.
Chúng tôi hỏi: “Khi chưa tham gia các giải đấu, làng có hay tổ chức đua ghe không?”, ông Loát cười phân trần: “Sống trên sông nước, có ai nghĩ đến việc đem cái gia sản (chiếc ghe – PV) của mình ra mà thi thố đâu. Lần đầu tiên nghe nói đến chuyện đua thuyền, bà con cũng ngạc nhiên lắm. Không ít người lắc đầu bảo thời gian nên dành cho việc đi bủa lưới, giăng câu kiếm tiền cho con ăn học, chứ tập dượt đua thuyền làm gì. Nhưng nghĩ lại, người ta sống bằng nghề nông nghiệp quen với cái cày, cái cuốc mà còn xuống nước cầm mái chèo để thi thố thì hà cớ gì mình lại không thử. Thế rồi anh em bàn nhau thử một phen. Chuyện đua thuyền có từ đó, ban đầu là trong xã, rồi lên thị xã, ra thành phố…”. Cái ngày dân làng Tân Lập biết đến chuyện đưa mái chèo mưu sinh đi thi thố đó đã cách nay tầm 15 năm…
Ra đấu trường quốc tế

Những chiếc huy chương vàng – niềm vinh dự của những ngư dân Tân Lập sau mỗi mùa giải
Đội đua thuyền Tân Lập có nhiều tay đua tuổi còn trẻ nhưng đã tham gia rất nhiều giải đấu. Anh Trần Khánh là một ví dụ. Gần 30 tuổi đời, anh Khánh có thâm niên hơn 10 năm đua thuyền. “Tui tham gia đội đua từ năm 17 tuổi. Đến giờ tui không nhớ đã cùng đội giành được bao nhiêu huy chương, phần thưởng; chỉ biết là giải lớn, giải nhỏ nào cũng đều có huy chương”, anh Khánh bộc bạch. Ngồi cạnh anh Khánh, chị Phan Thị Thuận – một vận động viên từng tham gia thi đấu cho đội đua thuyền của tỉnh Quảng Trị ở các giải quốc gia từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Thuận, Hải Dương… chia sẻ: “Có năm, tui đi thi đấu đến 6 giải lớn nhỏ. Lần đi nào cũng đem huy chương về, thấy rất tự hào. Cuộc sống mưu sinh thì khổ rồi, nhưng được đi nhiều nơi, biết thêm nhiều điều rất hạnh phúc”. Chị Thuận cho biết thêm, ở hầu hết các giải, đội đua thuyền có 12 vận động viên chính thức thì phần lớn là các tay đua của xã Hải Lệ (do làng Tân Lập đại diện – PV) góp mặt. Có một điều khiến nhiều người ngạc nhiên là các vận động viên của xã Hải Lệ đều “thấp, bé, nhẹ cân” nhưng rất nhanh nhẹn. Một điều thú vị khác là trong số 32 thành viên (cả nam lẫn nữ) thì có đến 9 cặp vợ chồng cùng là vận động viên. Ông Trần Loát chia sẻ thêm: “Cứ trước mỗi giải đấu, dù bận đến đâu các thành viên trong đội cũng dành thời gian tập trung vào cuối chiều để tập dượt. Khi đi thi đấu thì con cái gửi cho ông bà, hàng xóm. Mục tiêu chung của tất cả thành viên là lập thành tích cao, giữ gìn truyền thống của đội. Người Hải Lệ xưa đưa đò không chỉ để mưu sinh, không chỉ bắt tôm cá mà còn đưa bộ đội vượt sông giải phóng đất nước…”.
Hỏi về những kỉ niệm sau mỗi chuyến thi đấu, anh Trần Lai – một vận động viên từng đoạt ngôi vô địch đua thuyền truyền thống toàn quốc năm 2012 – kể: “Năm 2011, đội nam tỉnh Quảng Trị đại diện Việt Nam tham gia thi đấu tại giải đua thuyền Thái Lan mở rộng. Dù chỉ đoạt giải ba nhưng đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời mà bao năm qua tui không hề nghĩ tới. Hơi tiếc vì mình chưa quen đường đua, sự thay đổi thời tiết cũng làm sức khỏe không được tốt nhưng thời gian ở đó mình được gặp những con người thân thiện và mến khách, được học hỏi kinh nghiệm của các nước bạn”.
Có nhiều khi để được đi thi đấu nhiều tay đua nữ phải góp nhau từng đồng làm lộ phí đi đường, phục vụ nước nôi lúc luyện tập. Dẫu vậy, người dân Tân Lập chưa bao giờ bỏ cuộc trong các kì đua thuyền.
Không kém đội nam, các chị em của đội nữ Tân Lập đã nhiều lần lập thành tích trên bảng vàng các giải đấu. Sở hữu thân hình chưa tới 45 cân, vóc dáng gầy nhỏ, nhưng gương mặt chị Nguyễn Thị Tuyến – vận động viên trong đội đua nữ – luôn ánh lên sự tự tin. Chị Tuyến bảo: “Lần nào tham gia thi đấu đội mình cũng nắm chắc phần thắng. Trông ai cũng nhỏ con nhưng đổi lại, sức dẻo dai của những người làm nghề trên sông nước là lợi thế để chị em thi đấu vững vàng. Vả lại, muốn có chiến thắng thì trước hết là tinh thần đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng. Chị em luôn tự nhủ với nhau như vậy nên cuộc đua nào cũng đem lại niềm vui”. Còn anh Khánh thì bộc bạch, cái khó nhất trong việc đẩy thuyền chạy tốc độ nhanh hơn bạn là sự vận dụng linh hoạt sức kẹp chặt cây xà bát cho nó đi đúng hướng. Các thành viên còn lại phải giữ được đều đặn nhịp chèo, chỉ cần lỡ một nhịp là đội bạn có cơ hội bứt phá. Người đội trưởng luôn đóng vai trò một người nhạc trưởng khởi xướng để anh em dồn theo nhịp chèo nhằm khơi dậy tinh thần sảng khoái cũng như sự ăn khớp tay chèo đẩy cho thuyền đi nhanh… 
Chia sẻ về những khó khăn, ông Trần Loát trầm giọng nói: “Có nhiều khi để được đi thi đấu nhiều tay đua nữ phải góp nhau từng đồng làm lộ phí đi đường, phục vụ nước nôi lúc luyện tập. Dẫu vậy, người dân Tân Lập chưa bao giờ bỏ cuộc trong các kì đua thuyền. Với họ, việc có nhiều thành viên nằm trong đội đua thuyền quốc gia là niềm vinh dự lớn. Mong ước của chúng tôi bây giờ là làm sao có một bộ dầm chèo thật tốt để tập luyện, tham gia những mùa giải mới”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Mỗi người dân là một tay đua thuyền
Nằm nép mình bên triền sông Thạch Hãn huyền thoại, mảnh đất Hải Lệ được biết đến với những con người chân đất cần cù trong lao động. Đội đánh cáTân Lậpcó 41 hộ dân với 181 nhân khẩu thì có đến 32 người là thành viên của đội đua thuyền truyền thống của tỉnh Quảng Trị. Ông Trần Loát, một lão ngư gần 60 tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong các lần đưa đội tuyển làng đi thi khắp nơi trong và ngoài tỉnh, cho biết: “Ở làng tui, mỗi thành viên là một tay đua thuyền rồi. Quanh năm bám sông với nghề chài lưới, lúc nước lớn, khi nước ròng, đối mặt với dòng nước cuồn cuộn nên ai cũng cừ khôi trong việc chèo thuyền”. 
 
 

Bình luận (0)