Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Săn bạch tuộc ở “đảo Hải tặc”

Tạp Chí Giáo Dục

Chiến lợi phẩm thu được
Cái tên “đảo Hải tặc” (xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) nghe qua đã thấy… ly kỳ nên khi được một người bạn rủ rê ra đây săn… bạch tuộc, chúng tôi vội vã vác ba lô lên đường ngay.
Nghề săn bạch tuộc bằng ốc voi hết sức độc đáo chỉ vùng này mới có và ăn nên làm ra từ khi món bạch tuộc nướng hút khách khắp thị thành.
Chiêu “độc”
Mất hơn 2 giờ từ Hà Tiên vượt gần 20 cây số đường biển, chúng tôi mới đặt chân lên “đảo Hải tặc”. Mới 8 giờ sáng mà đảo vắng hoe vì mọi người đã dong thuyền đi săn bạch tuộc từ tờ mờ sáng. Phú Kính (ở nhà còn gọi là cu Lì) – tên của người bạn đã rủ rê chúng tôi – cùng bác Nguyễn Văn Tám (ba cu Lì, còn được gọi là Tám “bạch tuộc” vì là người được xem có nhiều kinh nghiệm nhất ở vùng này) giục chúng tôi xuống thuyền ngay. Trong lúc cu Lì điều khiển con thuyền ra khơi tìm “đường bạch tuộc”, chúng tôi ngồi trên đống ốc voi khổng lồ có đến hơn ngàn con nghe bác Tám giải thích cách “dụ” hết sức độc đáo loài sinh vật nổi tiếng khôn ngoan này.
Bác Tám khẳng định: Nghề săn bạch tuộc bằng ốc voi chỉ vùng biển Hà Tiên này mới có. Hơn 40 năm trước khi mới theo nghề lần đầu tiên, bác đã được các lão ngư dân đầu tiên bật mí loài bạch tuộc có “gu” chọn vỏ ốc voi làm nơi “cư ngụ” nên cùng mọi người nối vỏ ốc thành dây rồi thả xuống để bắt nhiều hơn. Bác kể ngày ấy, bạch tuộc nhiều vô kể, vỏ ốc nào bỏ xuống biển cũng tóm được bạch tuộc. Đi một ngày kiếm cả trăm ký như chơi.
Khi thuyền cách bờ gần chục cây số, bác Tám nhận định vùng nước này trong veo, sóng không quá lớn chắc chắn có nhiều bạch tuộc nên quyết định thả dây ốc. Trong lúc con thuyền vẫn lắc lư theo từng cơn sóng vỗ, bác từ từ quăng cả ngàn vỏ ốc rất điệu nghệ mà vẫn khỏe re trong khi “lính mới” cu Lì và chúng tôi quăng chừng hơn trăm con đã ngồi thở dốc. Ấy vậy mà, bác Tám cũng khen chúng tôi và cu Lì khỏe và “lì” không sợ say sóng chứ không ít người dù ở xứ biển nhưng chẳng thể theo nghề được vì cứ ra khơi thì nằm bẹp dí trên thuyền.
Cu Lì tỏ vẻ rành rọt giải thích: “Không chỉ biết cách chọn “đường bạch tuộc”, khâu “tút” vỏ ốc cho đẹp cũng rất quan trọng”. Theo kinh nghiệm của cu Lì, những vỏ ốc to và đẹp “đắt khách” hẳn so với vỏ khác. Vài ba tuần, những người săn bạch tuộc ở đây lại lôi đống vỏ ốc ra để chăm chút bằng cách cắt đít, cà miệng vỏ ốc lại…
Chạm mặt “ma da”

Bác Tám “bạch tuộc”, người có hơn 40 năm trong nghề
Mất hơn 2 giờ chúng tôi mới thả xong một dây ốc. Bác Tám “bạch tuộc” cho biết ở vùng này người ta còn gọi dòng họ bạch tuộc mà chúng tôi đang săn bắt bằng cái tên nghe dễ sợ là… “ma da”, bởi nó vừa trơn nhớt, bám vào người rất ghê.
Cả cu Lì và chúng tôi rất háo hức khi bác Tám phát lệnh đã đến “giờ G” dong thuyền đi tóm lũ “ma da” từ dây ốc mà bác đã thả đêm qua gần một hòn đảo hoang. Trên đường chạy, chốc chốc thuyền chúng tôi lại đụng mặt những thuyền khác đang lênh đênh trên đường săn “ma da”. Một chàng trai 17 tuổi tên Quắn cũng trên đường đi săn cho biết thuyền của mình có ba người, đang trên đường đi khắp vịnh Thái Lan tận Phú Quốc mất cả tháng trời. Quắn khoe: “Ham lắm! Ngày kiếm được ba bốn chục ký là bình thường”.
Thấy chúng tôi có vẻ hồi hộp trước giờ xung trận, cu Lì vỗ vai nói: “Cảm giác nhìn mấy con “ma da” khi bị tóm vươn xúc tu lăn lộn thích lắm. Mình đi mấy lần rồi mà vẫn còn tò mò đấy!”.
Nói xong cu Lì nhảy tưng tưng chìa ra cho chúng tôi xem một vỏ ốc vừa kéo lên đầy… xúc tu dài ngoằng thò ra thụt vào rất ngộ nghĩnh. Được bác Tám “chỉ giáo” từ trước, chúng tôi không lôi “chú” ra mà lấy ít nước ngọt nhỏ vào. “Kỵ” nước ngọt, bạch tuộc phóng ra ngoài lăn lộn trông rất nực cười.
Thêm một vỏ có bạch tuộc nữa bị tóm, rồi thêm một vỏ nữa… Cả đám “ma da” cùng bò trườn khắp sàn ghe, “giận dỗi” rất ghê! Thậm chí có chú còn kêu “ẹc, ẹc”, phun mực đầy sàn!
Phải công nhận rằng cảm giác lần đầu tiên khi chạm vào một con “ma da” sống trơn nhớt, quyết liệt chống trả bằng những chiếc xúc tu bám vào tay nhồn nhột không thể tả. Một thợ lặn trẻ tên Liếc kể có lần đi lặn, bằng tay không anh đã tóm được con bạch tuộc nặng hơn 3 ký lô, xúc tu dài cả thước, bám vào người còn ghê hơn nhiều, kéo ra rát buốt, sưng cả da.
Ở “đảo Hải tặc” này rất đông chị em gái “sống khỏe” bằng nghề thu mua vỏ ốc voi rồi tân trang lại. Thời gian gần đây, số người săn bạch tuộc nhiều, giá mỗi vỏ ốc đẹp lên tới trên 10 ngàn đồng nên một bộ dây ốc cỡ của bác Tám có giá cả chục triệu.
Gần 2 giờ thay phiên nhau kéo, “chiến lợi phẩm” chúng tôi thu được khoảng 5 ký “ma da”. Nhìn chúng tôi sung sướng “chơi” cùng đám bạch tuộc quên cả đói và mệt, bác Tám cười khà khà chỉ về hướng những chiếc thuyền lớn đang đậu ở ngoài xa nói: “Hôm nào hai đứa theo mấy ghe đó. Bây giờ hiện đại, người ta trang bị cả máy kéo một lần vài chục ngàn vỏ, bắt bạch tuộc mỏi tay luôn”.
Trên đường vượt sóng biển Hà Tiên trở về đảo đang có mấy chị thương lái chờ sẵn bao nhiêu bạch tuộc cũng lấy. Cu Lì hân hoan: “Dạo này bạch tuộc rất “hot” nên những người săn bắt cũng kiếm được kha khá để trang trải cuộc sống gia đình”. Rồi cu Lì rủ rê: “Tháng 10 mùa gió chướng, cũng là mùa săn bạch tuộc trúng nhất trong năm, anh về đây đi săn nữa nhé!”.
Vừa nhai ngồm ngoàm con bạch tuộc mới luộc giòn và ngọt ngon hết chỗ chê mà bác Tám mang ra đãi, chúng tôi càng háo hức: “Thích quá! Nhất định con sẽ trở lại…”.
Bài, ảnh: Nhã Uyên
Quần đảo “Hải tặc” là một cái tên xuất phát từ thế kỉ 17-18 khi bọn cướp biển chọn nơi này làm căn cứ để khống chế các tàu buôn qua lại. Vị trí quần đảo nằm trong vịnh Thái Lan gồm 16 đảo (6 đảo có dân cư sinh sống, trong đó Hòn Tre là đảo lớn nhất) với diện tích khoảng 1.100ha nay thuộc địa bàn xã Tiên Hải, nằm cách bờ biển Hà Tiên 27,5km, cách Phú Quốc 40km. 
 

Bình luận (0)