Một tiết học bằng GAĐT tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4)
|
Chỉ gói gọn trong 45 phút nhưng cả thầy lẫn trò có thể hòa mình vào tiết học đa dạng về hình ảnh, sống động về âm thanh và đầy đủ nội dung. Đó là những tiết học có sự “tham gia” của giáo án điện tử (GAĐT) đang được nhiều trường học vận dụng.
Tham quan ngay… tại lớp học
Tiết học tập làm văn miêu tả con vật của cô Trần Thị Tuyết Mai tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp) diễn ra rất sôi nổi. Sau khi nghe giáo viên (GV) giảng về nội dung bài học, các em học sinh (HS) được xem những hình ảnh sinh động về đàn gà, bầy trâu, lâu lâu lại có tiếng gà gáy, tiếng nghé gọi bầy… Thông qua hình ảnh các con vật này, cô Mai tiếp tục giảng giải thêm về đặc điểm của từng loài, giúp HS nắm bài kỹ hơn, các em có cảm giác như đang được quan sát cuộc sống thật của sự vật, sự việc diễn ra xung quanh.
Đến với tiết học địa lý – bài học về các châu lục, các em HS của Trường Tiểu học Kim Đồng tiếp tục được khám phá nhiều điều thú vị. Ngồi ngay tại lớp nhưng các em được xem băng ở Bắc cực, Nam cực, rừng rậm vùng nhiệt đới ở châu Á, hay cuộc sống của các loài động vật hoang dã ở châu Phi… Tất cả đều hiện ra trong GAĐT.
Để có một bài giảng bằng GAĐT, thời gian GV bỏ ra chuẩn bị khoảng 2-3 ngày: nắm đề tài, nội dung bài giảng, tìm kiếm các tài liệu liên quan, trong đó đặc biệt chú trọng đến hình ảnh minh họa. Sau đó chọn lọc, lồng ghép nội dung bài giảng thể hiện qua hình ảnh sao cho thật phù hợp. Cuối cùng là xử lí bằng PowerPoint để trình chiếu qua máy chiếu, hoặc chiếu qua màn hình LCD… Lên lớp, mọi thao tác của GV thực hiện trên máy tính, thay vì phải viết phấn hay treo các hình ảnh minh họa thủ công lên bảng. “Qua những hình ảnh từ thực tế được lồng ghép phù hợp vào nội dung bài học, các em HS có sự so sánh cụ thể để nhớ bài nhanh và lâu hơn… Đặc biệt, âm thanh sống động, hình ảnh minh họa chính xác, phong phú đã tạo nên sự hứng thú trong giờ học” – cô Tuyết Mai cho biết.
Ngoài mục đích tạo ra bầu không khí sinh động cho giờ học, việc giảng dạy bằng GAĐT còn tích hợp được các kiến thức về xã hội, môi trường trong một tiết học. Chẳng hạn như khi học về Luật Giao thông, HS được trực tiếp xem những hình ảnh về các vụ tai nạn để thấy được mức độ nguy hiểm của chúng, từ đó, nâng cao ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông.
Cần linh động khi sử dụng GAĐT
Bà Tô Nhi A, giảng viên tâm lý học, Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM cho biết: “Việc sử dụng GAĐT trong giảng dạy tác động rất lớn đến hứng thú học tập của HS – đặc biệt là HS tiểu học. Những đoạn phim với hình ảnh, âm thanh sinh động sẽ chiếm ưu thế hơn so với những dòng chữ miêu tả đơn thuần của sách giáo khoa trong việc thu hút sự tập trung chú ý của người học. Các em sẽ háo hức chờ đón giờ học hơn khi được nghe, được thấy một cách khá rõ nét về thế giới xung quanh, về những hình ảnh văn học, địa lý, những thước phim lịch sử…”.
Chính ưu thế nổi bật này của GAĐT mà hiện nay, hầu hết các trường trên địa bàn TP đã trang bị cho mình những thiết bị điện tử, nhằm mang đến những tiết học hữu ích cho HS. Song việc sử dụng GAĐT sao cho có hiệu quả, đòi hỏi GV biết sáng tạo. Cô Nguyễn Thị Hồng, GV tiểu học Trường Quốc tế Canada, (H.Bình Chánh) chia sẻ: “Thỉnh thoảng bị mất điện hay gặp sự cố hỏng hóc, GV phải xử lí nhanh bằng cách chuyển sang cách dạy phấn trắng bảng đen thông thường, nếu không, thời gian bài giảng bị ngắt quãng và có khi mất luôn tiết học. Đây chính là hạn chế của GAĐT”.
Theo cô Tuyết Mai, GV không nên quá phụ thuộc vào GAĐT mà trong quá trình soạn bài giảng trên máy tính, GV cũng phải nắm kỹ nội dung bài giảng để có thể chuyển hướng kịp thời khi gặp trục trặc.
Việc sáng tạo, linh động còn tạo điều kiện phát huy tối đa tác dụng khi sử dụng những phương tiện – đồ dùng dạy học hiện đại. Hoạt động nhận thức của HS trở nên nhẹ nhàng, hứng thú hơn với tiết học và thông tin thu nhận được cũng nhiều hơn, đồng thời cũng tạo ra cho HS những tình cảm tốt đẹp với môn học. Sau mỗi tiết học, HS khối lớp 4 và 5 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) được các GV đưa ra những chủ đề khác nhau, sau đó khơi gợi cho các em tìm những hình ảnh, minh họa cho chủ đề, viết nội dung về chủ đề. Dưới sự giúp đỡ của cô giáo, đại diện từng nhóm sẽ làm “hướng dẫn viên” du lịch, dẫn cả lớp đi “tham quan” trong những tiết học tiếp theo. Em Hồ Hải Dũng, HS lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 rất hứng khởi khi hoàn thành chủ đề về du lịch Bắc bộ. Thông qua bộ tranh do nhóm sưu tầm được, Dũng đã giới thiệu thành công về nét đẹp của hồ Gươm, Lăng Bác hay nét đẹp về văn hóa ẩm thực qua các món ăn miền Bắc. “Cách học này giúp các em biết thêm nhiều cách về việc tìm kiếm thông tin trên sách báo, internet” – thầy Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều GV cho rằng GAĐT chỉ là một trong những yếu tố giúp người dạy làm việc tốt hơn nhưng không thể thay thế hoàn toàn lao động sư phạm của GV. “Nó chỉ có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai phương pháp dạy học tích cực nhưng giáo dục, tương tác giữa thầy và trò vẫn là điều kiện bắt buộc để GV có thể nắm bắt tâm tư, nhận thức của người học mà điều chỉnh cách dạy cho phù hợp. Đặc biệt ở những môn KHXH đặc tả tình cảm như văn học, đạo đức…, GAĐT khó nói lên được cái hồn. Hay khi học môn toán, HS vẫn phải lên bảng làm bài tập vì GAĐT chưa thể thay thế. Vì vậy, GAĐT vẫn chỉ là phương tiện trợ giúp GV trong quá trình giảng dạy” – bà Tô Nhi A tâm sự.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Khi được đọc, được nghe, được nhìn (cấp độ tri giác tăng dần), quá trình tiếp thu, lĩnh hội kiến thức của HS cũng diễn ra dễ dàng, tích cực và kích thích tính độc lập làm việc của các em nhiều hơn”, bà Tô Nhi A cho biết.
|
Bình luận (0)