TPHCM được TS. Hoàng Ngọc Vinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp đánh giá là nơi làm rất tốt công tác phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.
Tâm lý chung hiện nay của nhiều học sinh là sau khi tốt nghiệp THCS thì phải vào bằng được THPT, sau khi tốt nghiệp THPT thì phải vào bằng được đại học, bất chấp năng lực học tập và khả năng tài chính. Trong khi cánh cửa học vấn ngày càng thu hẹp thì cánh cửa nghề nghiệp lại vắng bóng người học.
Tại hội thảo về đổi mới, phát triển giáo dục chuyên nghiệp tại TPHCM vào ngày 23/1, TS. Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, cho biết ông rất ấn tượng và đánh giá cao khả năng phân luồng học sinh của thành phố này. Không những thế, chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp của TPHCM cao hơn nhiều so với những vùng khác trong cả nước. Ông cho rằng nếu TPHCM mạnh về giáo dục chuyên nghiệp thì các vùng khác sẽ mạnh theo, thành phố nên chia sẻ những kinh nghiệm này cho các tỉnh ở ĐBSCL.
Tư vấn tuyển sinh vào trường nghề ở TPHCM.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM thì hiện nay địa phương này có 41 trường, cơ sở đào tạo TCCN. Năm 2008, tỷ lệ tuyển sinh hệ TCCN đạt đến 96,48%. Mỗi năm TPHCM có khoảng 67.000 học sinh tốt nghiệp THCS và 55.000 học sinh tốt nghiệp THPT. Việc phân luồng học sinh không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà các cấp chính quyền và đoàn thể của TP đều tham gia.
Có những nơi như quận 8, Phòng giáo dục tổ chức phân luồng theo đối tượng. Những học sinh tốt nghiệp THCS có năng lực học tập từ trung bình khá trở lên, có điều kiện kinh tế thì được định hướng vào các trường phổ thông công lập, dân lập, tư thục. Với những học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn, năng lực học tập từ trung bình trở xuống thì được định hướng vào học lớp 10 hệ bổ túc, học hệ trung cấp kỹ thuật. Chính vì vậy, năm học 2008-2009, tỷ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục đi học đạt 99,66%.
Nguyễn Hữu Lộc, học sinh Trường trung học Nam Sài Gòn, cho biết lúc đầu em rất buồn vì thấy các bạn đậu vào Trường THPT Lương Văn Can còn em thì thi rớt nhưng sau đó UBND phường động viên em đi học công nhân sửa chữa điện – điện tử nên bây giờ cảm thấy hài lòng vì đã chọn đúng đường đi.
Còn quận 6 thì thành lập ban chỉ đạo phân luồng học sinh từ cấp quận đến cấp phường, sau đó liên hệ ban tuyển sinh Trường CĐ Phú Lâm xin chỉ tiêu ưu tiên cho học sinh có hộ khẩu ở quận 6. Trung tâm giáo dục thường xuyên của quận thì gửi giấy báo đến từng học sinh không đủ điều kiện vào lớp 10 công lập, dân lập, tư thục. UBND quận cũng duyệt trợ cấp học phí cho học sinh nghèo hệ TCCN tại Trường CĐ Phú Lâm là 27 triệu đồng.
Chính vì vậy trong năm học 2009-2010, trong tổng số 437 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng thi hỏng hoặc bỏ thi lớp 10 thì ban chỉ đạo phân luồng quận đã vận động được 425 học sinh đăng kí vào lớp 10 các hệ ngoài công lập chính quy và TCCN, đạt tỷ lệ 97,2%. Trong số này, 245 em vào học hệ TCCN của Trường CĐ Phú Lâm, 135 em vào học lớp phổ cập ban đêm và bổ túc ban ngày, 45 em vào trường dân lập, tư thục. chỉ có 12 học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không đi học nữa, chiếm tỷ lệ 2,7%.
Kỳ tích tăng tỷ lệ học sinh vào trường chuyên nghiệp của quận Phú Nhuận cũng khiến nhiều người bất ngờ. Theo TS. Ninh Văn Bình, Trưởng phòng giáo dục quận Phú Nhuận, thì cách đây 2 năm, số học sinh sau tốt nghiệp THCS vào các trường chuyên nghiệp rất ít so với tổng số các em không trúng tuyển 3 nguyện vọng vào lớp 10 hàng năm. Tỷ lệ này vào năm 2006-2007 là 2,91% và 2007-2008 là 19,94%. Nhưng sau khi họp bàn rút kinh nghiệm việc phân luồng học sinh thì trong năm học 2008-2009, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào trường chuyên nghiệp lên đến con số 30,62%.
Với những thành công trong việc phân luồng học sinh như vậy, Sở GD-ĐT TP dự kiến tỷ lệ phân luồng đến những năm 2015 và 2020 như sau: Sau THCS có 70% học sinh tiếp tục vảo học các trường phổ thông và 30% vào giáo dục nghề nghiệp. Còn sau THPT, có 40% học sinh vào ĐH-CĐ, 60% học sinh vào giáo dục nghề nghiệp.
Hiếu Hiền / Dan tri
Bình luận (0)