Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cây đại thụ văn hóa Cơ Tu

Tạp Chí Giáo Dục

Già Y Kông thổi Bhơlưa – loại nhạc cụ được chế tác từ sừng những con trâu đực khỏe mạnh
Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ba, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) gọi già Y Kông (87 tuổi) là cây đại thụ văn hóa của bản làng. Gần cả cuộc đời, ông cất công sưu tập, giữ gìn và truyền lại các loại nhạc cụ văn hóa của đồng bào Cơ Tu cho thế hệ trẻ…
Đến huyện miền núi Đông Giang, hỏi thăm về già Y Kông không ai là không biết. Nhiều người còn gọi ông là “Y Kông nhạc cụ”. Với biệt danh ấy đủ hình dung ra một già làng không chỉ đam mê mà còn là nhà sưu tập của nhiều bộ nhạc cụ thể hiện nét văn hóa truyền thống của đồng bào miền sơn cước.
Đam mê văn hóa dân tộc
Đón chúng tôi ở bậc thang nhà sàn, già Y Kông cười hào sảng: “Nghe tin các cháu muốn tìm hiểu về truyền thống văn hóa của người Cơ Tu, tôi vui cái bụng lắm. Điều hiện nay tôi lo nhất là lớp trẻ không ai muốn tìm hiểu để rồi những nét văn hóa truyền thống của cha ông bị mai một, thất truyền”. Y Kông bảo ông đam mê các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào vùng cao này từ thời tóc còn để chỏm. Mỗi lần theo cha đi dự các lễ hội, ông đã rất chú tâm vào các điệu nhạc. Lớn lên chút nữa, thấy cha đàn, thổi khèn, ông lại mày mò hỏi cha về cách chế tác và tự tay làm thử. Tình yêu ấy ăn sâu vào máu thịt không thể rời bỏ cho đến ngày tóc ngả sang màu muối tiêu.
Đưa tay vuốt chòm râu bạc phơ, Y Kông lần lượt giới thiệu cho chúng tôi từng loại nhạc cụ, cách làm, cách sử dụng và cả ý nghĩa, vai trò nhạc cụ trong mỗi lễ hội ra sao. “Đây là trống chơgôr gióoh. Trống có ý nghĩa sử dụng trong tất cả các lễ hội của đồng bào như đón Tết, mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu… Một bộ chơgôr gióoh đầy đủ là phải có chiêng, cồng, dùi đánh. Tùy từng lễ hội mà người ta dùng nhiều hay ít bộ chơgôr gióoh, thường thì từ 2 đến 4 bộ”, Y Kông nói. Người vùng cao nơi đây quan niệm rằng, chính chơgôr gióoh là cầu nối để dân bản gặp được thần linh. Bởi vậy, nếu như lễ hội không có các loại nhạc cụ này thì sẽ mất thiêng. Người đánh chơgôr gióoh cũng được lựa chọn là những chàng trai khỏe mạnh, nhân cách tốt để thể hiện sự tôn kính với thần linh.
Y Kông yêu và đam mê các loại nhạc cụ cũng bằng niềm tin giản đơn rằng, lưu giữ chúng lại để khỏi thất truyền vì nhiều thứ văn hóa khác xâm nhập.
Một nhạc cụ khác mà nhắc đến già Y Kông tỏ ra rất tâm huyết đó là Bhơlưa. Đây là loại nhạc cụ quan trọng nhất của người Cơ Tu được chế tác từ sừng những con trâu đực khỏe mạnh. Khoảng giữa thân sừng người ta đục một lỗ hình chữ nhật dài, cắm vào một đoạn thân cây đót gọi là lưỡi gà để thổi. Loại nhạc cụ này nhất thiết phải thổi trong các dịp lễ, nếu ai thổi giữa ngày thường sẽ bị làng phạt.
Rời các loại nhạc cụ chỉ dùng được trong dịp lễ lạt, Y Kông bắt đầu say sưa giới thiệu cho chúng tôi biết về các loại đàn người ta hay dùng để nói lên tiếng nói ái tình, cầu nối giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng như: Đàn Abel, Crdool. Già Y Kông bảo rằng: “Nếu như ở miền xuôi người ta thường có nhiều phương thức như viết thư hay trực tiếp tỏ tình, cầu hôn thì người miền ngược thông qua những loại nhạc cụ để bày tỏ tấm chân tình. Họ tin rằng, chỉ có tiếng nói của nhạc cụ mới giãi bày hết tâm can của mình”.
Nỗi niềm trăn trở

Già Y Kông
Ngưng lại giây lát sau cả tiếng đồng hồ say sưa giới thiệu các loại nhạc cụ văn hóa dân tộc vùng cao quê mình, Y Kông cho biết, ông tên thật là Nguyễn Văn Dư. Sinh ra trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, năm 1954 ông tham gia hoạt động cách mạng tại Tây Nguyên, để dễ bề hoạt động, ông đổi tên thành Y Kông theo họ người Rắc lây ở nơi đây.
Từ năm 1962 đến năm 2002, ông kinh qua nhiều chức vụ như: Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (1962-1975), Chủ tịch UBND huyện Hiên (1975-1982); rồi tiếp đó năm 1982 ông làm cán bộ xã Ba cho đến năm 2002 thì nghỉ hưu. “Về nghỉ hưu mình có thêm nhiều thời gian để sưu tập, phục chế các loại nhạc cụ của đồng bào”, Y Kông nói. Theo đó, cứ vào mỗi dịp lễ hội, Y Kông lại tất bật với công việc hướng dẫn mọi người chơi các loại nhạc cụ cho đúng điệu.
Người Cơ Tu ở Đông Giang bây giờ không cần phải đi xa tìm mua nhạc cụ, chỉ cần tìm đến Y Kông là có thể mượn được nhiều loại và “bao” luôn cả nhạc trưởng. Y Kông là một trong số ít những người Cơ Tu cuối cùng ở huyện miền núi này có thể chơi thành thạo được gần như tất cả các loại nhạc cụ truyền thống. Y Kông yêu và đam mê các loại nhạc cụ cũng bằng niềm tin giản đơn rằng, lưu giữ chúng lại để khỏi thất truyền, phần khác là lưu giữ nét văn hóa của cha ông hàng bao đời nay trước nguy cơ thất truyền vì nhiều thứ văn hóa khác xâm nhập.
Y Kông yêu và đam mê các loại nhạc cụ cũng bằng niềm tin giản đơn rằng, lưu giữ chúng lại để khỏi thất truyền vì nhiều thứ văn hóa khác xâm nhập. 
Y Kông cho biết, kho tàng của ông có gần như đầy đủ các loại nhạc cụ của đồng bào Cơ Tu ở vùng cao này. Ông trải lòng: “Người biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Cơ Tu bây giờ hiếm lắm. Lớp trẻ chỉ thạo các loại nhạc sống xập xình, cầm cây đàn, cây sáo lên thổi không nên điệu, nên hồn. Nếu không có chính sách, chủ trương giữ gìn cụ thể, dài hơi, mình e rằng mai này, đến vùng cao, không còn tìm đâu thấy các loại nhạc cụ đại diện cho âm vang đặc trưng của chốn núi rừng!”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Người dân tộc Cơ Tu có nhiều nhạc cụ
Già Y Kông cho biết, kho tàng nhạc cụ của người dân tộc Cơ Tu có nhiều loại hình, âm sắc, tiết tấu đa dạng và phong phú như: Đàn Abel (đàn kéo), đàn Tơr bhréc, đàn Ưng chrưl, cây sáo Tơrhoo; bộ kéo (abêl), bộ hơi (khèn)  và bộ gõ (trống chiêng)… Mỗi loại nhạc cụ có những đặc điểm và công dụng cũng như tính năng riêng mang đặc trưng của người Cơ Tu qua các giai đoạn phát triển lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, người am hiểu, chế tác và chơi được các loại nhạc cụ này hiện rất hiếm hoi.
Ở cái tuổi 86 với nhiều bệnh tật tuổi già, già Y Kông vẫn miệt mài góp nhặt, lưu giữ từng điệu nhạc cho thế hệ sau. Ông vui mỗi khi có đoàn khách lạ ghé qua muốn nghe ông chơi nhạc. Thậm chí ông còn sắm một cuốn sổ lưu niệm để những du khách tìm đến ghi lại tâm tưởng của mình. Ông nói, đó là sự đánh giá chuẩn mực, khách quan nhất cho nét văn hóa truyền thống.
 
 

Bình luận (0)