Lo âu và hy vọng – có lẽ là tâm lý chung của gần 800.000 thí sinh cả nước khi tần ngần bước vào phòng thi buổi sáng hôm nay để tìm kiếm khúc ngoặt cuộc đời. Rất nhiều bạn trẻ thầm tự hỏi liệu mình có đủ trí lực lọt vô số 20% “biên chế” của giảng đường đại học tương lai? Liệu mình có còn bình tĩnh và can đảm vượt qua những câu hỏi tự luận và trắc nghiệm phải tìm lời đáp trong 180 phút – khoảng thời gian dài bằng 12 năm đèn sách với bao công sức nuôi dưỡng của cha mẹ và xã hội? Liệu mình có phụ công mong mỏi của gia đình?
Một người bạn ở một tỉnh miền Trung mới gọi điện kể một chuyện lạ là vào mùa thi năm nay quê anh có người đã bắt con đứng trong bồ thóc chỉ để hở đầu và đôi bàn tay lật sách cho chú tâm “luyện thi”. Và đó là chuyện thật 100% – một chuyện chứng tỏ khát vọng vươn lên bằng trí thức của cả một dân tộc không muốn bị tụt hậu trong thế giới phẳng.
Để có một mùa thi ĐH-CĐ trọn vẹn, để có một tinh thần “fair play” trong cuộc thi được đánh giá là nghiêm túc nhất, các bậc phụ huynh, ngành GD-ĐT, các đoàn thể và toàn xã hội đã làm hết sức mình cho công tác chuẩn bị. Nào là những suất cơm và chỗ ở miễn phí, những cuộc ra quân “tiếp sức mùa thi” liên tục được tổ chức… rồi cả guồng máy công quyền vào cuộc lo chỉnh sửa giấy tờ thi, lo an toàn thi, lo giải tỏa ách tắc giao thông… rồi cả lo cúm A/H1N1 bén mảng đến phòng thi.
Áp lực rõ ràng quá lớn. Vì không thể không thi. Ở các nước phát triển, có thể chỉ cần ghi danh là theo học ngay bậc đại học vì họ có đủ tiềm lực, có sẵn cơ sở hạ tầng cần thiết, và nhất là ít có những tiêu cực trong thi cử cũng như có sẵn đội ngũ giảng viên tận tâm và nghiêm chỉnh truyền đạt kiến thức, đánh giá sinh viên.
Còn chúng ta thì thiếu đủ đường, thiếu đến mức phải nói “không” với tiêu cực, với nạn thành tích, với chạy điểm, chạy trường, rồi thiếu giáo viên, thiếu tiền xây dựng nền móng trường học đạt chuẩn quốc tế… Và thôi thì như chúng ta hay dùng cụm từ “chung sống” khi điều kiện bất khả kháng: chung sống với lũ, chung sống với “lô cốt” để có một đô thị tương lai… và tất yếu là phải tạm “chung sống với thi”.
Chúng ta cũng hiểu tâm tư của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi ông nắm giữ mảng “nhạy cảm” nhất trong các mảng “nhạy cảm” là giáo dục. Nhưng dù có nói gì chúng ta không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả ấn tượng của ngành giáo dục – đào tạo mà ông đã bươn chải lo toan cùng các cộng sự.
Một trong những dẫn chứng là chủ trương thi “2 trong 1” – dù có nhiều sức ép hữu hình và vô hình – song đã tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Vấn đề chính là chúng ta chọn “một gì”: thi tốt nghiệp THPT hay thi ĐH như chúng ta đang thi? Thi ĐH tất nhiên xét về sự nghiêm túc và công bằng – rõ ràng có ưu thế nổi trội. Còn chọn thi tốt nghiệp THPT như tham mưu của các chuyên viên Bộ GD-ĐT thì cũng tốt nếu chúng ta đảm bảo được sự nghiêm túc trong kỷ luật trường thi, đảm bảo được đề thi mang tính phân loại cao để dễ cho khâu xét tuyển…
Tất cả chỉ là vấn đề “kỹ thuật”, đều có thể tìm thấy một phương án “chấp nhận được” cho một chủ trương đúng. Tuy nhiên, hiện tại phần nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục hàng đầu, cũng như các phụ huynh và học sinh đều muốn giữ cái “cũ” đã được kiểm chứng là thi ĐH với cách chọn “đúng người, đúng chỗ”.
Cái chính là Bộ GD-ĐT – qua khẳng định của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – sẽ phân cấp triệt để cho các cơ sở giáo dục. Tất nhiên “phân cấp” cỡ nào, “phân cấp” đến đâu đều phải có lộ trình và có cơ sở khoa học logic. Và chuyện tuyển sinh ĐH cũng không nằm ngoài khả năng “phân cấp”: Để tránh thí sinh dồn về quá đông cũng như giảm áp lực xã hội, tại sao chúng ta không thể thay đổi phương thức “3 chung” và tổ chức tuyển sinh nhiều lần trong năm?
Dù có nói gì 180 phút một môn thi chỉ tổ chức một lần trong năm cũng chưa thể đánh giá toàn diện sức học và khả năng của thí sinh đang muốn mở toang cánh cửa ĐH. Và thi hôm nay để còn nghĩ tới thi ngày mai…
Bích An (HNM)
Bình luận (0)