Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TPHCM nên thí điểm cải cách ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Theo GS-TS Đặng Lương Mô, TPHCM nên thành lập một hội đồng tư vấn về nâng cao chất lượng ĐH, gồm những trí thức hiểu rõ vai trò của ĐH đối với sự phát triển của đất nước.

Góp phần thực hiện Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 14-5-2011 của UBND TPHCM về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX về chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cuối tuần qua, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã tổ chức hội nghị kiều bào hiến kế thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ giai đoạn 2011-2015. Hơn 60 khách mời, phần lớn là trí thức kiều bào, đã tham dự hội nghị.

Sinh viên khoa cơ khí – Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: Tấn Thạnh

Nên thí điểm cải cách

Theo TS Trần Hà Anh, kiều bào Pháp (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội), ngành giáo dục thời gian qua mới chỉ làm được việc mở rộng đáng kể quy mô đào tạo ĐH, CĐ và THCN, còn các nhu cầu khác thì mức độ đáp ứng tương đối thấp.
Bất cập của giáo dục ĐH là thực trạng chung của cả nước, trong đó có TPHCM. Nhưng với vai trò đầu tàu kinh tế, là một trung tâm giáo dục lớn của cả nước thì theo GS-TS Đặng Lương Mô, kiều bào Nhật (cố vấn ĐH Quốc gia TPHCM), TPHCM có trách nhiệm lớn đối với sự phát triển mọi mặt của đất nước và chịu vai trò tiên phong trên mọi lĩnh vực, kể cả giáo dục ĐH.
GS-TS Đặng Lương Mô gợi ý TPHCM nên thí điểm về cải cách và cải thiện chất lượng ĐH cho xứng vai trò dẫn đầu của cả nước; nên tránh những mục tiêu xa vời mà nhắm vào những mục tiêu gần, thiết thực, cụ thể có thể đạt được trong tầm tay; nên quy định rõ ràng các tiêu chuẩn tối thiểu đối với một ĐH để bảo đảm chất lượng về hai mặt: cơ sở vật chất từ hạ tầng đến thượng tầng, đội ngũ giảng dạy. Đạt được hai tiêu chuẩn đó thì những “ĐH tầm cỡ thế giới”, “ĐH tầm cỡ khu vực”… đều sẽ tự nhiên thành. GS-TS Đặng Lương Mô nhấn mạnh rằng TPHCM nên thành lập một hội đồng tư vấn về “nâng cao chất lượng ĐH”, gồm những trí thức hiểu rõ vai trò của ĐH đối với sự phát triển của đất nước. 
Đầu tư có trọng điểm
Bằng những kinh nghiệm thực tiễn, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến đóng góp cho sự phát triển giáo dục ĐH, CĐ ở TPHCM.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nói: “TPHCM không thể đầu tư vào hệ thống các trường ĐH, CĐ theo kiểu rắc muối, rắc đường mà phải có trọng điểm”. TS Nguyễn Thiện Tống, kiều bào Úc, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho rằng Chính phủ cần có chính sách đầu tư lớn cho các trường ĐH trọng điểm, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ tài chính cho những trường này. Những nguồn tài chính hỗ trợ của TPHCM sẽ gồm có các tài trợ nghiên cứu khoa học trong ngân sách của TPHCM.
Chất lượng người thầy, bao gồm cả vai trò của lực lượng Việt kiều trí thức, trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ được nhiều đại biểu đề cập. GS-TS Lâm Thành Mỹ, kiều bào Pháp, cho rằng cần huy động sự tham gia của các trí thức Việt Nam ở nước ngoài trong việc biên soạn giáo trình; mở rộng hợp tác với trí thức người Việt ở nước ngoài và có quy chế rõ ràng trong hợp tác. TS Nguyễn Xuân Xanh, kiều bào Đức, nêu ý kiến: “Nếu không mời họ làm giáo sư thì ít nhất TPHCM cũng mời họ làm thỉnh giảng, tham luận, hợp tác góp ý… đó là những người mang nhiều thông tin và tri thức quý báu từ nước ngoài về kích thích phát triển học thuật”. 
Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ là một trong 6 chương trình trọng điểm mà TPHCM đề ra trong kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015. Ông Phan Thám, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho biết những ý kiến đóng góp trong hội nghị kiều bào hiến kế thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ sẽ được gửi đến các cơ quan chức năng của Chính phủ và TPHCM.
Huy Lân / NLĐ


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)