Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Trường học ở nơi 00C

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Long Thị Thu đến thăm gia đình em Giàng Thị Móng
Qua đèo Khâu Phạ (một trong 10 con đèo nguy hiểm nhất Việt Nam) là đặt chân đến vùng đất của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Chỉ nghe tên thôi đã thấy xa, đã thấy buồn và đã thấy đó là “vùng trũng” về kinh tế, xã hội…
Chúng tôi theo chân đoàn cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) lên thăm và tặng quà cho thầy trò Trường Tiểu học nội trú Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải) trong cái rét giữa đông. Đoàn chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lúc 5 giờ sáng, chỉ với 300km đường nhưng cũng phải đến chiều mới tới được Nậm Khắt. Đón chúng tôi là những đứa trẻ gương mặt rộp lên trắng bốp và lột như da rắn.
Thời tiết khắc nghiệt
Mù Cang Chải nổi tiếng cả nước với những cung đường ruộng bậc thang lúa chín vàng đẹp như tranh. Vẻ đẹp ấy đã níu chân bao du khách. Nhưng với người dân ở đây thì cả năm cũng chỉ trông chờ vào một mùa lúa chín khi tiết trời sang thu. Còn lại đất bỏ không vì không thể gieo trồng nổi một loại cây gì do không khí khô, lạnh và buốt. Ban ngày nhiệt độ có thể lên tới gần 200C nhưng từ 17 giờ, khi mặt trời xuống núi, cái lạnh ngấm dần, buốt da buốt thịt. Đến 21 giờ nhiệt độ đã là 30C và đến 24 giờ là 00C. Sáng sớm, những tàu lá quắt lại vì băng phủ. Băng như một lượt muối phủ lên cây lá đồng thời cướp đi sự sống của những chồi cây. Thế là đất cứ phơi mình trong giá rét.
Cô Long Thị Thu, giáo viên lớp 1, cho biết nếu miền Bắc có 4 mùa thì trên Mù Cang Chải chỉ có 2 mùa, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thì mưa đến thối đường, thối đất; còn mùa khô chính là mùa đông, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, lạnh đến thấu xương, trâu bò lăn ra chết vì rét. Rét buốt là thế, nhưng các em học sinh ở Nậm Khắt cũng chỉ khoác hờ chiếc áo đồng phục mỏng manh hoặc có khi chỉ mặc độc cái áo sơ mi. Các em gái mặc váy nhưng chân không tất, bắp chân tím lại vì rét.
Ngày chúng tôi lên Nậm Khắt chưa phải là ngày rét nhất, mới chỉ là những ngày bắt đầu rét nhưng cái lạnh cũng tê tái chân tay. Trẻ em môi khô như bờ ruộng, còn gót chân và bàn tay nứt nẻ như rõng cày.
Khó khăn nối khó khăn
Trường Tiểu học nội trú Nậm Khắt có 8 điểm trường lẻ và 1 điểm chính. Từ trung tâm xã đi đến bản xa nhất khoảng 13-15km, còn bản gần nhất cũng 3km.
Cô Phạm Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trên 90% học sinh của trường là con em dân tộc H’Mông. Trình độ dân trí không đều, có nhiều người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) hiện còn chưa biết chữ… Những khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống giáo viên khiến nhiều người khi đến nơi đây đã không thể “trụ” lại được với nghề.
Cách đây trên 20 năm, cô Phạm Thị Lan đã xin về công tác tại Mù Cang Chải. Nhưng không vượt qua được khó khăn, cô đã bỏ nghề. Một thời gian sau, khi bình tĩnh lại, cô chợt đặt câu hỏi: “Tại sao người khác làm được, mình không làm được?”. Thế là cô quyết định quay lại Mù Cang Chải và gắn bó với giáo dục của huyện suốt 19 năm nay. Cách đây 2 năm, cô về Trường Tiểu học nội trú Nậm Khắt. Khi đó, trường mới chỉ có duy nhất một dãy nhà được kiên cố hóa, chưa có nhà hiệu bộ, nhà bếp và khu nội trú cho học sinh. Với tầm nhìn của mình, cô đã xây dựng đề án và được xã phê duyệt. Sau 2 năm, trường đã có đầy đủ các khu nhà phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh cũng như cán bộ, giáo viên.
Kể về những khó khăn của giáo viên vùng cao, cô Long Thị Thu vẫn chưa thể quên những ngày mới về đây công tác – năm 1998. Ngày ấy, đường sá đi lại còn gian nan. Hàng ngày, không chỉ thu xếp thời gian lên lớp mà các thầy cô còn phải bố trí thời gian đi đến từng nhà cõng học sinh tới trường. Vừa dạy học sinh học nhưng đồng thời, cô cũng phải học tiếng của người H’Mông. Vốn là người dân tộc Tày nhưng cô Thu cho biết cũng phải mất rất nhiều thời gian để học ngôn ngữ bản địa của học sinh mình. Đời sống vật chất của giáo viên ngày đó cũng thiếu thốn, chế độ chính sách chưa được hỗ trợ nhiều, cô Thu cho biết nhiều giáo viên đã phải bỏ nghề. Tuy nhiên, không ít người đã tự nguyện gắn bó với giáo dục vùng cao. Một phần vì tình yêu với nghề, một phần nữa là theo tiếng gọi của tình yêu đôi lứa. Trường Tiểu học bán trú Nậm Khắt cũng có vài “nàng dâu” đến từ Quảng Ninh, Hải Dương hay các vùng thuận lợi khác của Yên Bái. Họ đến với Nậm Khắt vì nghề giáo nhưng phần nữa cũng là vì nơi đây có một nửa của họ.
Hiện nay cuộc sống giáo viên ở Nậm Khắt đã bớt khó khăn, nhưng không phải họ không còn phải hy sinh. Phần lớn các giáo viên trong trường đều phải sống xa gia đình. Cô Thu có hai con nhưng phải gửi một cháu đang học lớp 8 cho ông bà ngoại ở thị xã Nghĩa Lộ. Hàng tháng cô vượt 80km đường đèo về thăm con. Rất nhiều thầy cô khác đều phải gửi con về với bố mẹ mình ở xa. Những hy sinh của giáo viên vùng cao không thể đong đếm được bằng vật chất mà chỉ có thể đo được bằng quãng thời gian các thầy cô gắn bó với trường, với lớp.
Học sinh “níu con chữ”
Nậm Khắt là một xã nằm phía Đông Nam của huyện Mù Cang Chải nhưng lại nằm giáp ranh với tỉnh Sơn La. Gần 100% dân số là người H’Mông, thời tiết khắc nghiệt, rất nhiều người đã tìm đến ma túy và họ cũng trở thành con nghiện lúc nào không hay. Chính vì vậy, nhiều học sinh ở Nậm Khắt sống trong cảnh có bố, hoặc mẹ bị đi tù hay nghiện. Các em không chỉ phải vượt qua thời tiết, qua cái nghèo mà còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đến với con chữ. Cô Thu đã dẫn chúng tôi đến nhà của em Giàng Thị Móng, học sinh trong lớp cô. Hoàn cảnh của Móng khá đặc biệt, bố đi tù, mẹ nuôi hai chị em cùng với ông bà ngoại đã già yếu. Ông của Móng cũng bị nghiện. Lúc chúng tôi đến nhà Móng, ông của Móng đang lên cơn sốt rét. Nhà Móng không có gì giá trị ngoài mấy gù bắp treo trên bếp cùng với mấy còn gà chạy quanh nhà. Nhiệt độ ngoài trời xuống thấp nhưng Móng cũng chỉ mặc một chiếc áo sơ mi với đôi dép nhựa. Môi tím lại vì rét, mũi bị hắt xì nhưng nhờ chăm chỉ đến lớp, Móng nói tiếng Việt khá sõi.
Cùng hoàn cảnh với Móng còn có Giàng Thị Lầu, học sinh lớp 4A của trường. Mẹ Lầu đi tù, bố nghiện nặng, 4 chị em Lầu ở với nhau. Còn Giàng Thị Pàng, học sinh lớp 2A, có hoàn cảnh đặc biệt hơn khi bố mẹ em đều đi tù, Pàng phải ở với gia đình anh trai… Những hoàn cảnh éo le ở Nậm Khắt không ít. Chính từ hoàn cảnh mà dường như học sinh ở đây trưởng thành sớm hơn so với lứa tuổi. Ở nhà biết giúp gia đình, còn đến trường, khi được ở nội trú, mỗi phòng được nhà trường tổ chức trồng 2 luống rau, các em đều chăm sóc, tưới nước rất đều đặn. Những luống rau này đang chờ đến ngày xanh tốt để thu hoạch bán lại cho trường phục vụ bữa ăn hàng ngày của chính… các em.
Nhưng bước chân học sinh đến trường dường như đang chênh vênh hơn khi vẫn còn đó những cái chết trắng hay những cái chết từ con ma lá ngón. Có lẽ chúng ta sẽ cần một giải pháp tổng thể hơn để các em học sinh vùng cao có thể yên tâm tới trường.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Xã nghèo của huyện nghèo
Mù Cang Chải là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước thuộc chương trình 135 của Chính phủ. Với giáo viên, họ không chỉ phải vượt qua khó khăn để “cõng chữ lên non” mà quan trọng hơn, đó là họ còn phải vượt qua được chính mình. Nhiều người đã từng phải bỏ nghề vì không thể vượt qua được thử thách ở nơi đây.
Hiện nay, các giáo viên lên Nậm Khắt lập nghiệp phải ở nhà công vụ nhưng đều rất vui, rất yên lòng với lựa chọn của mình.
 
 
Mang chăn ấm đến học sinh vùng cao
Cô Phan Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), cho biết trong thời gian qua nhà trường đã quyên góp được số tiền 200 triệu đồng để ủng hộ học sinh Trường Tiểu học bán trú Nậm Khắt. Số tiền này được chuyển thành hiện vật thiết thực đến với học sinh nơi đây với hơn 150 chăn, 270 mũ và khăn len, 200 đôi giày thể thao, 6,3 tấn gạo, 1 máy chiếu, 1 ti vi LCD và 10 phần quà cho 10 học sinh khó khăn nhất của trường (2 triệu đồng/phần). Toàn bộ số quà này đã được trao tận tay học sinh ở Nậm Khắt. Trong khi đó, cô Phạm Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú Nậm Khắt cho biết chỉ học sinh lớp 3, 4, 5 mới được ở nội trú; học sinh lớp 1, 2 học tại các điểm trường. Học sinh ở đây có trên 90% là người H’Mông, rất nhiều em thuộc hộ nghèo… 
 

Bình luận (0)