Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Một ngày ở lò than tổ ong

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Ngàn – chủ lò than – ngồi xếp than đã ép thành hàng
Mức thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng là khá cao đối với người lao động làm tại các lò than tổ ong. Vì mưu sinh họ chấp nhận bệnh tật có thể đến với mình từng ngày, từng giờ…
Cái mùi ngai ngái của tạp chất, khi gió lùa mạnh sộc thẳng vào mũi gây cảm giác ngột ngạt, khó chịu đến khó tả. Ngoài sân phơi than, bốn công nhân tuổi đời còn khá trẻ mắt dán chặt vào chiếc băng chuyền bắc từ xưởng ra, bê than đã ép chất thành hàng dài thẳng tắp. Còn trong khu vực trộn ép than có mái che thấp lè tè nhằm hạn chế gió mưa, bao con người cần mẫn tay thoăn thoắt, miệng nói cười. Ở môi trường ấy, không gian ấy, mọi thứ như đã quyện vào nhau không rời trong vòng xoáy gạo tiền.
Đời than
Những ngày cuối năm, không khí làm việc ở lò than tất bật hơn, ngày làm việc bắt đầu sớm và kết thúc khá muộn. Thật khó nhận ra gương mặt của từng người nếu như chưa lần nào gặp mặt bởi bụi than, bùn đất bám dày đặc từ đầu xuống chân. Anh Minh, người có hơn 10 năm trong nghề nặn than tổ ong, hồ hởi mời chúng tôi ngồi ở chiếc phản cũ chỗ nào cũng có vệt bùn khô. “Chú em thông cảm, cuối năm hút hàng quá, anh em làm cả ngày đêm không kịp giao nên chẳng có thì giờ rảnh mà chăm chút cho chỗ ăn, chỗ ngủ”, anh Minh phân bua.
Đây là lò than tổ ong có quy mô khá lớn thuộc huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) còn sót lại sau bao năm vất vả cầm cự nuôi công nhân. Ông chủ lò là anh Nguyễn Văn Ngàn (quê huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Trước đây, anh Ngàn đã mất hơn 10 năm làm thuê ở một lò than tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (TP.HCM). Anh Ngàn nhớ lại: “Khi hay tin tôi mở lò chỉ với gần chục triệu đồng tiền vốn, ai cũng giật mình. Bấy nhiêu không đủ mua chiếc máy trộn, chưa có đầu ra ổn định, trong khi đó mọi thứ nguyên liệu đều phải trả tiền mặt…”.
“Để có than thành phẩm, công nhân phải trực tiếp xử lý qua nhiều công đoạn, trong đó hầu hết đều bằng phương pháp thủ công. Mỗi ngày, công nhân hít phải bụi than, chất kết dính, mạt cưa… rất độc hại”, ông Nguyễn Văn Tiên, người lớn tuổi nhất ở đây, lo lắng.
Nhân công của lò than những ngày đầu không ai khác ngoài vợ chồng anh Ngàn và đứa cháu. Họ làm tất cả các khâu, từ tìm nguyên liệu thu mua, trộn, nặn, phơi… cho đến ngược xuôi tìm mối bỏ than. Đến nay, công nhân của lò đã tăng hơn 20 người, doanh thu mỗi tháng hàng trăm triệu đồng. Đưa tay quệt bụi than bám mồ hôi trên má, anh Hồng, công nhân đứng máy trộn, vui vẻ cho biết: “Ngày thường thu nhập trung bình của một công nhân không dưới 4 triệu đồng/tháng. Ba tháng giáp Tết, thu nhập có thể tăng lên 5-6 triệu đồng/tháng”.
Tính giờ làm việc và công sức bỏ ra thì đồng lương ấy cũng chưa phải là tương xứng nhưng hầu hết công nhân đều rất hài lòng bởi thời buổi hiện nay tìm việc không hề đơn giản, lại không ổn định. “Anh em góp tiền nấu cơm ăn, đêm lại ngủ luôn ở lán tiết kiệm được khoản tiền thuê nhà không nhỏ, chi tiêu các khoản, mỗi tháng dành dụm từ 2-3 triệu đồng gửi về quê”, anh Minh cho hay.
Đưa chúng tôi tham quan lò than, anh Ngàn không chút giấu giếm: “Có được như hôm nay là nhờ anh em đồng cam cộng khổ. Lúc đầu lò còn khó khăn, than làm ra chất đống bị chôn vốn, không tiền trả lương nhưng nhiều anh em chỉ mong “cơm ngày hai bữa là đủ, khó khăn rồi sẽ qua” nên chúng tôi rất quý trọng”.
Đối mặt với bệnh tật

Công nhân lò than tổ ong “đánh cược” với sức khỏe khi không mang dụng cụ bảo hộ lao động. Trong ảnh: Công nhân trộn tạp chất trước khi đưa vào máy trộn
Lò than nằm lọt thỏm giữa miếng đất trống, cách đường độc đạo dẫn xuống bến phà Phước Lại chừng 400m. Nằm tách biệt hoàn toàn với khu dân cư cũng là lý do bảo đảm môi trường sống cho hàng trăm hộ dân tại đây. “Để có than thành phẩm, công nhân phải trực tiếp xử lý qua nhiều công đoạn, trong đó hầu hết đều bằng phương pháp thủ công. Mỗi ngày, công nhân hít phải bụi than, chất kết dính, mạt cưa… rất độc hại”, ông Nguyễn Văn Tiên, người lớn tuổi nhất ở đây, lo lắng. Anh Minh cho biết thêm: “Ngày đầu chưa quen, đêm anh em không ngủ được vì… ho sù sụ. Ai có tiền thì thi thoảng còn đi bệnh viện, còn khó khăn thì mặc, đến đâu hay đến đó”.
Nhiều công nhân tự trang bị dụng cụ bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, ủng… khi làm việc, tuy nhiên do đặc thù công việc, không phải ai cũng quen với những thứ mà họ cho là “vướng víu”. Vì vậy, thứ mà trong túi bất kỳ công nhân nào cũng phải có là nước muối sinh lý. “Nghỉ giải lao là nhỏ mũi để rửa, hạn chế bụi vào phổi”, anh Minh giải thích. Chẳng cần nói gì thêm khi chứng kiến cảnh hàng chục công nhân hàng giờ ngập ngụa trong bụi than cũng đủ thấy “án tử” đang dần đến với họ. Với 2.000m2, một diện tích khá lớn nhưng khi có gió mạnh, bụi than thốc lên mù mịt cả một vùng chẳng dễ nhìn thấy nhau dù chỉ cách vài bước chân. Anh Ngàn cũng thừa nhận, trong gần chục năm mở lò, anh phải di chuyển đến bảy địa điểm vì liên tục bị người dân thưa kiện “gây ô nhiễm môi trường”.
Lán trại dựng tạm bợ vừa là nơi ngả lưng vừa là nơi ăn uống sau giờ làm việc của hàng chục công nhân đủ mọi lứa tuổi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, họ là những người đồng hương ở các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định…
Anh Ngàn cho biết: “Trước khi về đây, anh em sống rày đây mai đó theo công trình xây dựng, khi ở miền Đông, lúc xuống miền Tây. Với người độc thân còn dễ nhưng khi đã có gia đình, con cái nheo nhóc mà dắt díu theo thì không gì khổ bằng”.
Bài, ảnh: Trần Anh
Độc hại cho sức khỏe và môi trường
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cảnh báo: Than tổ ong không chỉ độc khi đốt, khói than ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường mà bản thân thành phần tạp chất, nguyên liệu sản xuất cũng có độc. Làm việc trong môi trường này, người lao động cần tuân thủ quy định về an toàn lao động, phòng tránh các bệnh liên quan đến da, phổi.  Nguy hiểm hơn, để tiết kiệm chi phí, không ít lò than sử dụng nhiều phụ gia như sắt, dầu nhớt thải…, khi tiếp xúc trực tiếp hoặc đốt sẽ gây nguy hiểm cho hệ hô hấp và hệ tuần hoàn.
 
 

Bình luận (0)