Đó là làng Đại Tự ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cả làng có gần 140 giáo viên. Có những gia đình 3-4 thế hệ làm nghề gõ đầu trẻ.
Các cô giáo làng Đại Tự tại lớp học mầm non xã Thanh Khương . Ảnh: Nguyễn Trường |
Ra ngõ gặp thầy
Có vợ là giáo viên, trưởng thôn Nguyễn Việt Hà tự hào kể: Cả làng có khoảng 290 hộ thì có đến gần 140 người làm nghề giáo, đấy là chưa kể một số lượng không nhỏ con em trong làng đang là sinh viên các trường sư phạm trong cả nước. Tính ra, trung bình cứ khoảng 2 hộ gia đình lại có một người làm thầy, tưởng như cứ bước ra khỏi cổng là gặp… thầy.
Tất cả hiệu trưởng, hiệu phó các trường học trong xã (từ trường mầm non, trường tiểu học đến THCS) đều là người làng. Có gia đình có đến 12 người làm thầy.
Dòng họ Cao Đình vốn có truyền thống dạy học nhiều đời. Người làng kể, cụ Cao Đình Khanh trước đây đã tự xây một nhà dạy học riêng, truyền bá chữ quốc ngữ. Cụ được dân làng trân trọng gọi là ông Tổng Khanh.
Tiếp nối lòng yêu nghề của cụ, đến nay dòng họ này có đến 30 người theo nghề giáo. Ông Cao Đình Lai, 75 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học của xã Thanh Khương, cho biết: “Trong thời kỳ khó khăn nhất như trước đổi mới, dòng họ tôi vẫn luôn trân trọng nghề giáo và tin tưởng vào tương lai tươi sáng hơn của nghề này”.
Chưa có giải thích thỏa đáng vì sao làng Đại Tự “phát đường làm thầy” như vậy. Nhưng một số người cho rằng, có thể do nghề này được nhiều thế hệ trước đây như cụ Tổng Khanh, cụ giáo Ty, cụ Chánh Duyệt trong làng xây dựng, vun đắp. Cũng có thể tình yêu nghề, quý trẻ, trân trọng sự nghiệp trồng người đã được lớp lớp cha anh trong làng truyền lại cho tới tận bây giờ.
Ít người làm quan
Ít người làm quan
Trước đây, các thầy cô trong làng phải đi làm ruộng, hàng xay, hàng xáo để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học khá phổ biến. Khó khăn là thế nhưng giáo viên trong làng không có ai bỏ nghề. Vui nhất là dịp 20-11 hay ngày Tết, đường làng luôn đầy ắp tiếng cười nói của học sinh đến thăm hỏi thầy cô.
Ông Hoàng Đình Minh, Phó Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: “Cả gia đình tôi có 9 anh chị em thì có 6 người theo nghề giáo. Cha tôi cũng là nhà giáo, nhưng tôi không có may mắn nối nghiệp ông. Vào ngày Nhà giáo, ngày Tết, thấy nhà nhà đông vui, nhộn nhịp, mình cũng không khỏi chạnh lòng”.
Người làm nghề giáo trong làng cũng có chung bệnh nghề nghiệp. Bà Nguyễn Thị Bích Nghiệp, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã cho biết: Hầu hết giáo viên trong làng mắc bệnh viêm họng hạt do… nói nhiều. Không ít người mắc các bệnh liên quan đến lao, phổi. Một hệ quả nữa là, nhiều người làm nghề giáo nên làng không có mấy người giàu.
“Làng tuy có nhiều giáo viên nhưng lại không có nhiều người đỗ đạt cao hay làm quan to?” – Bà Nghiệp kết luận.
Nguyễn Trường / TPO
Bình luận (0)