Việc dạy tập làm văn ở trường có hiệu quả tốt xấu phụ thuộc rất nhiều vào chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK).Ở môn học nào cũng thế, việc chọn kiến thức và kỹ năng nào cần dạy rất quan trọng. Vì thế, chúng ta nên nhìn lại CT và SGK về mặt này (bài này xin bàn về CT và SGK ở bậc THCS)
Cần xem lại một số khái niệm
Có những quan niệm cần xem lại. Cái hướng đào tạo năng lực viết văn chương đã có bàn, xin nói về những điều chưa đúng khi chọn các kiểu bài cũng như dạy về từng kiểu bài.
CT hiện nay có xu hướng vừa tôn trọng tính khoa học vừa đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Sự chọn lựa các kiểu bài dường như đi theo ngành khoa học “Ngữ pháp văn bản” để bảo đảm tính khoa học. Nhưng “khoa học” cũng có sự phân biệt. Có loại quan niệm về tính khoa học trong giới chuyên môn(1). Có loại quan niệm theo “quy ước chung” ở người phổ thông (mới học nữa). Việc đáp ứng yêu cầu cuộc sống với những kiểu bài gọi là nhật dụng nữa. Người thường có nhu cầu cần viết thông báo, làm biên bản? Đó là những văn bản có tính chuyên môn, người phải làm sẽ được học riêng (hoặc “tập huấn”). Có loại văn bản nhật dụng cần hơn lại không được chọn: trao đổi góp ý về một vấn đề, một hiện tượng trong đời sống.(2)
Cần xem lại quan niệm và sự chọn lựa này. Hẳn là phải đi theo những nguyên tắc nhất định. Đó là tính cơ bản, tính thiết thực của văn bản đối với người phổ thông. Không thể học hết những kiểu văn bản tồn tại trong đời sống. Phải chọn lấy các kiểu loại cần thiết do có ứng dụng nhiều và đó là các kiểu loại cơ bản. Quí hồ tinh, bất quí hồ đa. Việc bố trí nhiều kiểu loại đến nỗi thầy trò đều cưỡi ngựa xem hoa là điều cần tránh. Học kỹ một số kiểu cơ bản. Khi nắm được qui trình, phương pháp chung sẽ dễ dàng tập làm các kiểu nhật dụng. Xin nhắc lại bị kêu nhiều hiện nay là ngôn ngữ ở trẻ.
Ranh giới giữa các thể loại chưa rạch ròi
Một vấn đề lý luận cũng cần đặt ra và giải quyết. Đó là sự vạch ranh giới các kiểu loại. Có vị nghĩ rằng gộp ba kiểu trần thuật, tường thuật, kể chuyện vào cái rọ “tự sự” là để tránh “cứng nhắc”. Thật ra, ngoài cơ sở khoa học, có yêu cầu sư phạm ở đây. Cả về tâm lý lứa tuổi cũng như về hoạt động “dạy nghề”. Trẻ cần được học cái cơ bản, rạch ròi và vừa sức. Tường thuật khác kể chuyện ở cốt truyện, nhân vật (3) . Chứng minh và giải thích khác nhau về mục đích, về hướng tìm luận cứ (4) . Đơn giản hóa lý thuyết đến mức chấp nhận được là một điều cần. Khi trẻ nhỏ chưa phát âm được các âm đôi, các từ có cấu tạo ngữ âm khó người ta dạy trẻ cái từ nó nói được (ị, tè chẳng hạn). Các kiểu bài này là những điển dạng, có thể là những thành phần mang tính chất “tế bào” trong những nghị luận ngoài đời sau này nên cần được học riêng, học kĩ. Cũng phải nói đến tính “điển dạng” của các đề tài. Các câu tục ngữ có nghĩa đen nghĩa bóng rất phù hợp với kiểu bài giải thích vì tính điển dạng của nó. Ra đề giải thích các câu này, học sinh sẽ học được các thao tác rất cơ bản ở kiểu bài như giải nghĩa – giải thích sâu – bàn luận thêm. Sao lại bài xích việc chọn giải thích các câu đó?
Cũng nên nói thêm về sự lầm lẫn giữa chứng minh ở lôgich học với chứng minh ở lý thuyết tập làm văn. Chứng minh lôgich có thể bằng sự việc đã được kiểm chứng có thể bằng lý lẽ là những phán đoán, kết luận được công nhận có giá trị chân lý theo lẽ thường (đó có thể nói cũng là “giải thích sâu” ở kiểu bài “giải thích”, là đưa lý lẽ dẫn chứng thuyết phục khi bình luận). Chứng minh với tư cách là một kiểu bài tập làm văn theo lý thuyết là một bài làm có cấu trúc mang tính qui định ở các phần mở bài, thân bài, kết luận, có các luận cứ theo quy ước là sự việc đã hoặc có thể kiểm chứng, cái gọi là lý lẽ chỉ là những lời phân tích dẫn chứng để dẫn đến kết luận phục vụ việc chứng minh từng ý…
Sau cùng thì rất cần nói đến sự “nâng cao” chưa thích hợp lắm như sự đòi hỏi phải biết kết hợp miêu tả, biểu cảm hay nghị luận khi kể chuyện. Việc dạy trẻ cải biên khi trần thuật như thay vai kể… là cần cho việc kể lại chuyện đã đọc đã nghe sau này trong đời sống và phục vụ cả việc học kể chuyện mình chứng kiến hoặc hư cấu. Khác với sự đòi hỏi cao ở trên có thể giải quyết những mắc mứu kiểu này khi quán triệt yêu cầu đào tạo năng lực tạo ngôn bản, văn bản ở trình độ phổ thông…
Khi coi mục tiêu là đào tạo năng lực ngôn ngữ (tạo ngôn bản, văn bản) thì CT mới giải quyết được nhiều vấn đề hiện nay. Hướng vào nhu cầu có thực trong đời sống người phổ thông về việc tạo lập ngôn bản, văn bản, CT sẽ giải quyết việc rèn kỹ năng nói, kỹ năng viết đúng hướng với từng kiểu bài, và ngay cả các kiểu bài cơ bản, nền tảng nữa. Với sự nghiên cứu tỉ mỉ và khoa học, tính thiết thực của CT và hiệu quả phục vụ năng lực “đời thường” của nó, CT sẽ làm cho trẻ hào hứng học tập để thỏa mãn nhu cầu có thực của chúng và chúng có động cơ đủ mạnh, ý chí đủ mạnh để lao động đúng yêu cầu. Tất nhiên còn có những vấn đề về tư tưởng, về triết lý giáo dục… nhưng đó là chuyện khác.
Lê Xuân Mậu
(1) Nhưng cái bảng phân loại các kiểu bài ở sách “Ngữ pháp văn bản và việc dạy tập làm văn” (NXB Giáo Dục 1985) với 4 loại hành chính – khoa học – chính luận – nghệ thuật với hai nhóm lôgich – duy lý và biểu cảm liệu đã khoa học? Sự không có mặt tiểu loại “thuyết minh” ở đó và cả sự giảng dạy tiểu loại này ở lớp 8 cũng là có hay không tính khoa học?
(2) Với rất nhiều văn bản “nhật dụng” hiện nay, người ta đều làm theo mẫu và “điền vào chỗ trống! Và rất nhiều loại văn bản nhật dụng như hóa đơn, thực đơn, thông báo… cần được học đọc là chính.
(3) Khó có thể coi mấy ông đại biểu đến dự lễ khai trường là… nhân vật! Diễn biến sự việc ở tường thuật cũng khác ở kể chuyện.
(4) Mục đích làm cho người ta tin với hướng tìm luận cứ là sự việc thực tế có tính thuyết phục ở kiểu bài chứng minh khác với giải thích. Khi giải thích, muốn làm người ta hiểu sâu thì chủ yếu tìm luận cứ là các lý lẽ, chưa nói đến việc cần giảng giải nghĩa từ, nghĩa câu…
Bình luận (0)