Những ngày này, ai đi qua khu sản xuất gạch ở thị xã Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) sẽ thấy một chàng trai mặc sơmi trắng, quần xanh học trò lặng lẽ quan sát từng công đoạn từ lấy đất, ép, đốt, nung… Chàng trai đó là Trần Duy Khiêm, thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM) với 29,5 điểm (toán 10, vật lý 10, hóa học 9,5).
Trần Duy Khiêm và cô giáo dạy toán của mình – Ảnh: Hà Bình
|
Sẽ rất bất ngờ khi biết Khiêm là con của một trong những “đại gia” sản xuất gạch ở Tây Ninh. Bố Khiêm không thiếu tiền nhưng ông luôn dạy con “phải tự lập, đi bằng đôi chân của mình mới trân trọng những gì mình có”. Với mong muốn được “học một sàng khôn”, năm lớp 10 Khiêm một mình quảy balô xuống trọ học tại Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến (TP.HCM).
“Hai tuần đầu định bỏ về vì nhớ nhà kinh khủng. Ở nhà mọi thứ đều có người lo nhưng ở trường tất cả phải tự làm từ giặt quần áo, sắp xếp kế hoạch học tập và tự tính toán chi tiêu cho bản thân, lại còn phải học cách ứng xử trong môi trường tập thể…” – Khiêm nhớ lại.
Mẹ qua đời trong một tai nạn giao thông từ khi Khiêm hơn 10 tuổi. Thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ nhưng những bài học từ mẹ, vốn là một cô giáo dạy văn, đã thấm sâu vào tâm hồn cậu học trò nhỏ ngày nào. “Cha dạy tôi tính tự lập và tôi học cách cần kiệm từ mẹ” – Khiêm nói. Những lúc cần tiền mua USB, ổ cứng máy tính hay vật dụng học tập, Khiêm đều tiết kiệm từ 250.000 đồng/tháng do được giảm học phí dành cho học sinh học giỏi thay vì phải “alô” về nhà.
12 năm liền làm lớp trưởng, là một “cây” văn nghệ của lớp, một tay bóng rổ cừ khôi của trường đã tạo nên một Trần Duy Khiêm tự tin, rắn rỏi, chững chạc. Đã học được khá nhiều “sàng khôn” sau ba năm trọ học ở TP.HCM, Khiêm cho biết việc đầu tiên của bạn sau khi trở thành sinh viên là tìm một việc bán thời gian để tích lũy kinh nghiệm sống cho mình.
HÀ BÌNH (TTO)
Bình luận (0)