Mưa, con đường mòn băng qua rừng, rẫy trở nên trơn trượt, sình lầy bám thành lớp dày cả tấc dưới chân khiến đám học trò cố gắng vấu víu đôi chân trần xuống đất để khỏi ngã…
Học trò miền sông nước đến trường ngày mưa.
|
Nắng, cái nắng gay gắt làm mắt ai cũng nheo lại, không thể nhìn rõ đâu là đường, đâu là cỏ cây trước mặt. Còn phía dưới, những đôi chân vẫn phải đạp thật mạnh xuống đất để “chiến đấu” với đám cỏ dại cao quá đầu gối.
Mỗi ngày đến trường của học sinh xã Lương Thế Trung, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đều phải trải qua hành trình như thế dù mưa hay nắng.
Hạnh phúc là khi được đi học
11h trưa, Nguyễn Hoàng Huynh, học sinh lớp 4 trường tiểu học Trung Hưng, ấp Bầu Bèo bắt đầu hành trình đến trường của mình với đầu trần, chân đất và đôi dép cắp ngang hông.
Từ nhà đến trường, Huynh phải đi bộ cả tiếng đồng hồ qua con đường mòn dọc theo kênh Đầm Vinh, Cây Bướm. Đường chỉ là bờ ruộng, bờ rẫy được mọi người đi nhiều theo vết chân tạo nên đường mòn, hai bên những hàng lau sậy um tùm…
Nhiều đoạn không có đường, phải băng qua cỏ dại mọc lên tới ngực nhưng cậu bé vẫn phải cố gắng đạp lên cỏ mà đi. Hết đạp cỏ, lội sình lại leo cầu khỉ. Cầu khỉ với học sinh miền sông nước dường như quá đỗi quen thuộc. Thế nhưng mỗi lần qua cầu khỉ, nhất là trời mưa Huynh đều sợ vì chỉ cần trượt chân một cái, không biết em sẽ trôi về đâu…
“Nhiều lúc vào lớp học, thấy em cứ gãi chân sồn sột như bị ngứa. Hỏi ra mới biết, chân em rướm máu, trầy xước vì cỏ tranh, cây dại cứa vào trên đường đi học…”, thầy Lê Minh Tuân, giáo viên trường tiểu học Trung Hưng kể.
Huynh bảo: Đến khi ngứa quá em phải chạy ra vòi nước sau trường xối nước lên chân cho đỡ, nhưng vào lớp học lại rát…
Tan học, trời mưa tầm tã. Con nít thích mưa. Nhưng với Huynh và các bạn, nhìn thấy trời mưa mà "ớn"! Mưa biến con đường đất đỏ đi vào những cù lao trở nên trơn trượt, nhầy nhụa đầy sình lầy. Mưa khiến các em phải cố gắng bấm thật chặt các đầu ngón chân xuống mặt đất để không bị ngã.
Mưa, những chiếc áo mưa mỏng manh chỉ đủ che cặp, sách vở khỏi ướt còn đầu tóc các em đều ướt sũng. Đôi dép đầy bùn cầm tay, quần xắn cao quá đầu gối và phía dưới gấu quần nước bắt đầu rơi tong tong xuống đất…
Dưới cơn mưa nặng hạt, chiếc áo mưa chực muốn rạch toạc ra. Về đến nhà, chiếc áo đồng phục trắng biến thành nâu vàng bởi hàng trăm vết bùn văng tứ tung.
Nhắc đến chuyện đi học của trẻ em trong ấp, anh Nguyễn Văn Linh, người dân ấp Bầu Bèo nói đùa: “muốn biết học sinh đi học khổ như thế nào, cứ băng vào giữa đám cỏ cao quá đầu gối kia rồi cố gắng đạp lên mà đi là hiểu ngay…”
Khó khăn là vậy nhưng đối với Huynh, được đi học là hạnh phúc. Chưa bao giờ em bỏ học vì đường xa, bụng đói. Hàng ngày, cha Huynh mần hồ, mẹ ở nhà nuôi con gà, trồng mới rau ngoài ruộng. Hôm nào giăng lưới có cá, em sẽ được bữa ăn ngon còn lại toàn cơm với rau… Thịt là món ăn xa xỉ mà chưa học trò nghèo nào dám nghĩ tới.
Em không cầu đi đò đâu!
Lên lớp 6, Lê Thị Huỳnh Nhi, ấp Bà Bèo bật khóc nức nở khi phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Số tiền đò cho học sinh 4.000 đồng/ngày đi về đã “góp phần” làm nặng thêm gánh lo cho cả gia đình em.
Với các học trò nghèo, tiền đò cũng là một gánh "lo" không nhỏ.
|
Mới 12 tuổi, người ốm tong như cây tre, cô bé chưa đủ sức làm việc nặng phụ giúp gia đình. Thế nhưng cha mẹ em chẳng thể chạy nổi tiền trường, tiền học phí vì lên cấp 2 phải đóng góp nhiều hơn.
Cha Nhi đi gặt lúc thuê cho xã bên, mẹ ở nhà nuôi tôm nhưng từ năm ngoái đến giờ vẫn chưa thu hoạch được đồng vốn nào. Tôm thả đợt nào cũng bị bệnh rồi chết hết, số nợ của gia đình từ trước ngày làm nhà vẫn chưa trả hết.
“Hoàn cảnh gia đình không thể no nổi cho cháu tiền trường, tiền đò được. Tôi lại đau bệnh triền miên không đủ sức khỏe làm việc” – chị Lê Thị Mười, mẹ Nhi thật thà.
Mỗi buổi chiều, nhìn các bạn cùng trang lứa vụt qua trên chiếc xuồng máy đến trường, lòng Nhi lại rộn ràng, háo hức. Chỉ sau khi đám bạn học cùng lớp đi qua, Nhi thẫn thờ nhìn theo đuôi chiếc xuồng tung bọt trắng xóa rồi lặng lẽ đi vào nhà…
Từ đó, đêm nào em cũng thao thức, mong muốn được đi học nhưng chưa một lần dám năn nỉ xin mẹ cho đi học bởi em biết hoàn cảnh gia đình mình đang khó khăn.
“Mấy hôm nay em chạy lên trường, lên nhà thờ xem có người giúp đỡ cho em đóng tiền trường để học tiếp hay không? Giờ chỉ cần đóng tiền trường, em sẵn sàng lội bộ, lội bùn để đến trường. Em không cần đi đò đâu…” – Nhi thổn thức.
Với Nhi và bạn bè trong xã được đi học là cả niềm hạnh phúc lớn lao dù phải lội bùn, lội sình đến trường. Thậm chí, với những em nhà ở sâu trong rẫy, cù lao xa còn phải lội bộ thêm cả quãng đường dài vì đò không thể chở tới nhà.
Nhà xa đồng nghĩa với đoạn đường đến trường của các em đầy nguy hiểm bởi rắn, rết luôn thường trực. Nhiều lần, các em khóc thét ngay tại chỗ vì nhìn thấy rắn, rết đang “vô tư” bò trườn qua đường đi…
“Lúc đó, tụi em chỉ biết thét lên, cố gắng chạy thật nhanh ra khỏi đoạn đường đó. Đôi khi về nhà trễ, hết đò tụi em còn băng qua sông để về nhà cho anh nữa. Hôm sau đứa nào cũng bị cảm vì nước lạnh… Chỉ cần được đi học thì đường có gập ghềnh đến mấy cũng chẳng là gì” – Phạm Sao Băng, học sinh lớp 8 trường THCS Hòa Trung kể.
Rồi những lần qua cầu khỉ, trời mưa khiến Băng và các bạn bị ngã, bộ đồ đi học chưa kịp đến trường đã bê bết bùn đất. Thế là phải chạy thật nhanh đến trường, ra vòi nước xối cho hết bùn đất rồi vào lớp với bộ đồ ướt nhẹt, nước chảy tong tong dưới gầm bàn… Rồi những lần đi học về phải lội qua sông, đến nhà là bệnh người sốt bừng bừng vì vừa phơi đầu trần từ trường về lại ngâm nước sông. Vậy mà sáng nay đứa nào cũng háo hức đi học, Băng kể.
Huynh, Nhi, Băng chỉ là một số trong hàng trăm học sinh nghèo tại xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Với các em, được đi học là điều may mắn hạnh phúc bất kể phải nhịn đói, bị gai cào xước mình mẩy và lội bùn hàng cây số đến trường.
Ông Hồ Việt Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân cho biết về cơ bản xã đã xóa mù chữ phổ cập tiểu học. Thế nhưng số lượng học sinh tái bỏ học sau khi đến trường xã lại không nắm rõ(!). Trên thực tế, không ít trường hợp các em học sinh lớp 2, 3 phải bỏ học vì gia đình quá nghèo, nhất là năm học chuyển cấp 1 lên cấp 2 với tiền học phí, sách vở tăng theo… Lên cấp 2, học sinh chỉ có thể đi đò đến trường vì đoạn đường quá xa, cả đi và về hết khoảng 10 cây số. Thế nhưng chính sách hỗ trợ tiền đò cho học sinh nghèo mà xã Lương Thế Trân đang thực hiện lại chỉ áp dụng cho hộ có sổ nghèo với 46 học sinh, trong khi số lượng học sinh đi đò ở xã gấp nhiều lần con số này.
|
- Thái Phương
Bình luận (0)