Sức mạnh của cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ là thông điệp mà còn là những hành động cụ thể, những mô hình thực tế có sức lan tỏa đến từng cấp, ngành, các cơ quan trên địa bàn TP, để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI của TP.Cần Thơ trong thời gian tới, nhằm thu hút đầu tư và thành công trong khởi nghiệp. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do TP.Cần Thơ kết hợp VCCI tổ chức cuối tuần qua.
Tại hội nghị, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, trình bày về “Kinh tế Việt Nam (VN) trước bối cảnh kỷ nguyên công nghiệp 4.0 – cơ hội và thách thức”. 4.0 là cuộc cách mạng công nghệ xã hội, điện thoại thông minh, inernet vạn vật, kết nối hệ thống tích hợp số – hệ thống thực. Xe ô tô, máy bay, tàu thủy tự lái. Robot cao cấp với trí thông minh nhân tạo… Bên cạnh thuận lợi nhiều mặt, an ninh mạng quốc tế sẽ bị đe dọa. Dự báo 15 năm tới, 86% lao động trong ngành may mặc VN sẽ thất nghiệp. Do giao dịch chủ yếu bằng công nghệ, số người làm việc tại nhà tăng lên, một người muốn có công ăn việc làm tốt phải học thêm và thay đổi kỹ năng nhiều lần trong đời.
“Để thích ứng với công nghệ 4.0, nông nghiệp của VN phải đứng trước yêu cầu tái cơ cấu kinh tế nhằm đối phó với nhiều thay đổi (biến đổi khí hậu, thị trường thế giới…), phải có cách tiếp cận thích hợp. VN phải ưu tiên giải quyết vấn đề lao động, tăng thu nhập của lao động nông thôn bằng cách phát triển sản xuất dịch vụ. Khởi nghiệp không chỉ là lập doanh nghiệp mới mà hộ gia đình, kinh doanh cá thể có thể vận dụng công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại, tham gia chuỗi giá trị. Tín dụng phải đến với nông dân với tỷ lệ tương ứng từ đóng góp của nông nghiệp công nghệ và việc làm. Bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm…”, ông Doanh nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, yếu tố bảo vệ sức khỏe và giáo dục cơ bản đóng góp nhiều nhất cho PCI của VN nói chung, Cần Thơ nói riêng. Do vậy cần giáo dục SV-HS tinh thần sáng tạo, suy nghĩ độc lập, rèn luyện thói quen học tập suốt đời; giáo dục kỹ năng sống, hợp tác, làm việc trong tập thể; rèn luyện ngoại ngữ, thể lực, ý chí phấn đấu vượt khó. Rèn luyện thói quen học tập suốt đời, chấp nhận thay đối nghề nghiệp. GD-ĐT phải gắn liền với sản xuất. Xây dựng tinh thần tự chịu trách nhiệm, dám nghĩ dám làm.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, để “biến nguy thành cơ” cần đổi mới sản xuất, chuyển sang nông nghiệp sạch, chất lượng cao, mở rộng thị trường xuất khẩu. Gói tín dụng 100.000 tỷ phải chảy vào đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tích tụ ruộng đất nhưng phải bảo vệ quyền sử dụng lâu dài, hợp pháp của nông dân, tránh ruộng đất tập trung vào chúa đất mới ở nông thôn.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Ban Pháp chế VCCI, cũng cho biết: Qua khảo sát cho thấy TP.Cần Thơ vốn được coi là thủ phủ – đại diện cho vùng – có nhiều điểm sáng trong điều hành như cải cách trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp (DN) thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai, minh bạch hơn trong tiếp cận thông tin. Lãnh đạo chính quyền TP được đánh giá linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, trong đó có việc chỉ đạo các sở ngành dành ngày thứ hai hàng tuần để tiếp, làm việc, giải quyết các vấn đề cũng như bức xúc của nhân dân và DN. Công tác đào tạo lao động, gồm giáo dục phổ thông và đào tạo nghề có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, qua khảo sát người dân và cộng đồng DN cho thấy: Các DN thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ. Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bà Ngọc Lan nhấn mạnh: “Đặc biệt, cần lưu ý công tác kiểm tra, thanh tra DN. Các DN cho biết, 20% trùng lặp về nội dung kiểm tra, thanh tra giữa các cơ quan. 51% DN phải “đưa quà” cho các cán bộ thanh, kiểm tra. Bên cạnh đó cần tăng cường chất lượng dịch vụ hỗ trợ DN về nhiều lĩnh vực như tư vấn pháp luật, tìm kiếm thông tin thị trường, giúp DN tiếp cận các chính sách, đất đai, quy hoạch của TP…”.
Theo nhiều đại biểu, hiện nay Cần Thơ đứng thứ 5/10 tỉnh, thành trong cả nước hấp dẫn đầu tư nhất. Nếu TP thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, phát huy mặt tích cực, thì nỗ lực nâng cao và đạt hiệu quả hơn về năng lực cạnh tranh PCI sẽ không là mục tiêu tham vọng.
Phượng Phượng
Bình luận (0)