Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Con nhà nghèo vượt khó

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn: em thì có ba bệnh nặng, em thì ba mẹ chia tay, em sống mồ côi… nhưng tất cả điều đó đã không khuất phục được ý chí học tập của các em mà ngược lại, các em đã cố gắng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để vươn lên học tốt.

Trần Lâm Thảo Nguyên: Khó khăn không ngăn được ước mơ

Trần Lâm Thảo Nguyên

Ba làm bảo vệ ở Trung tâm GDTX Lê Quý Đôn, mẹ là giáo viên trường mầm non, cả gia đình Thảo Nguyên đang cư trú trong một căn hộ nhỏ của một người bác. Mặc dù kinh tế gia đình không khá giả gì nhưng ba mẹ Thảo Nguyên vẫn cố gắng cho em ăn học tử tế. Không phụ lòng ba mẹ, suốt 12 năm liền Thảo Nguyên đều là học sinh giỏi (Thảo Nguyên là cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa), đặc biệt, năm lớp 11 em còn giành được giải 3 và năm lớp 12 giành được giải nhất môn văn cấp thành phố. Không chỉ học giỏi các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, Thảo Nguyên còn học rất “đỉnh” các môn khoa học tự nhiên, vì thế mà điểm tổng kết năm học nào của em cũng không dưới 8,0. Thảo Nguyên chia sẻ: “Với các môn như toán, lý, hóa em thường làm đi làm lại nhiều bài tập, bài tập nào khó em phải trao đổi với bạn bè thì mới nhớ kỹ và vận dụng được các công thức vào bài tập. Còn với những môn khoa học xã hội thì chủ yếu là lắng nghe thật kỹ bài giảng của thầy cô dạy trên lớp và hệ thống lại trong đầu các ý chính của bài học. Ngoài ra, em còn đọc thêm các loại sách tham khảo để có thêm những kiến thức thực tế sâu và rộng”. Không chỉ học tập tốt, Thảo Nguyên còn hăng hái tham gia vào các hoạt động Đoàn – Đội ở trường bởi theo em, hoạt động Đoàn – Đội không chỉ giúp cho em có được giây phút thư giãn sau những ngày học tập căng thẳng ở trường mà còn giúp em rèn luyện thêm nhiều kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp.
Đang cố gắng học tập để chuẩn bị cho kỳ thi vào ĐH thì ba em phát hiện bị bệnh lao phổi nặng và phải nhập viện để phẫu thuật, nỗi lo ba bệnh ở giai đoạn nguy kịch dường như đã làm tinh thần Thảo Nguyên suy sụp hoàn toàn. Thế nhưng, ngày ngày vào bệnh viện thăm ba, thấy ánh mắt ba nhìn mình như nhắn nhủ với bao niềm hi vọng, em mới hiểu rằng, nếu mình thi rớt ĐH sẽ làm cho ba buồn hơn so với nỗi đau mà ba đang gánh chịu trong người. Vì vậy, em đã cố gắng gạt qua mọi nỗi sợ hãi, khó khăn của cuộc sống để chú tâm vào việc học, quyết mang về cho ba tờ giấy báo đỗ vào ĐH. Không có thời gian và tiền bạc để ôn thi ở các trung tâm như các bạn cùng lớp, Thảo Nguyên phải tự ôn tập ở nhà và kiêm thêm chuyện dọn dẹp nhà cửa, bếp núc thay cho mẹ ở bệnh viện chăm sóc ba. Với nghị lực vươn lên của mình, Thảo Nguyên đã thi đỗ vào Khoa Nhật Bản, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM năm học 2011-2012.
Ba Thảo Nguyên đã xuất viện và hiện vẫn đang điều trị bệnh ở nhà, còn một mình mẹ là trụ cột kinh tế chính trong gia đình, hàng ngày cố gắng xoay xở để kiếm tiền mua thuốc chữa bệnh cho chồng và lo cho con ăn học. Thương ba, thương mẹ, Thảo Nguyên càng cố gắng học tập tốt hơn. Thảo Nguyên dự định sẽ cố gắng học tốt để giành được học bổng toàn phần đi du học ở nước ngoài. Tôi tin, với nghị lực vượt khó, em sẽ thực hiện được ước mơ của mình.
Đỗ Vương Thế Thục Anh: Thương mẹ, em phải học tốt

Đỗ Vương Thế Thục Anh
Ba mẹ chia tay, Thục Anh (học sinh lớp 10, Trường THPT Gia Định) và em trai về sống với mẹ là giáo viên dạy sử Trường THPT Võ Thị Sáu. Mức thu nhập của giáo viên dạy sử không cao nên ngoài thời gian dạy ở trường, mẹ Thục Anh phải thức khuya dậy sớm làm thêm một số việc để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của ba mẹ con. Thương mẹ vất vả, Thục Anh lại càng cố gắng học tập thật tốt để mẹ vui lòng. Năm học 2010-2011, điểm tổng kết trung bình cuối năm của em lên đến 9,5. Đặc biệt, năm học vừa qua, Thục Anh còn giành được giải nhất môn địa lý cấp thành phố. Chia sẻ bí quyết học tốt môn địa lý, em cho biết: “Đối với môn địa lý, học thuộc lòng sẽ không đưa lại một kết quả tốt mà cần phải nắm chắc, biết tổng hợp và phân tích các ý. Ngoài ra, học cách vẽ biểu đồ cũng hết sức quan trọng bởi khi vẽ biểu đồ em sẽ phân tích được nhiều khía cạnh khác, chẳng hạn như biểu đồ kinh tế thì khi vẽ xong em sẽ phân tích được các tiềm năng của vùng kinh tế đó hay khi vẽ biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa thì em sẽ biết được khí hậu của từng vùng miền để phân tích”.
Hằng ngày vào bệnh viện thăm ba, thấy ánh mắt đau đáu của ba nhìn mình như nhắn nhủ bao niềm hi vọng, Thảo Nguyên hiểu rằng, nếu em thi rớt ĐH thì sẽ làm cho ba đau buồn hơn so với nỗi đau mà ba đang gánh chịu trong người.
Thục Anh học ban A nhưng đối với các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội em không hề xem nhẹ. Thục Anh chia sẻ rằng em sẽ thi vào ĐH Luật để làm một luật sư chuyên về bảo vệ môi trường. “Môn địa lý là môn học mà em yêu thích nên trong quá trình học em đã có nhiều điều kiện để nhìn nhận sâu hơn về môi trường của chúng ta hiện nay, vì vậy em muốn trở thành luật sư để lên tiếng bảo vệ môi trường”, Thục Anh khẳng định vậy.
Sáng thức dậy cùng mẹ đến trường, chiều đón xe buýt về nhà bà ngoại ở quận Phú Nhuận nghỉ ngơi và đi học thêm, tối ba mẹ con lại dắt díu nhau về nhà ở quận Thủ Đức. Thời gian mà ba mẹ con về đến nhà lúc nào cũng 22 giờ nhưng Thục Anh vẫn cố gắng giặt quần áo, lau dọn nhà cửa. Vất vả là vậy nhưng năm học nào Thục Anh cũng rinh về cho mẹ những tấm giấy khen học sinh giỏi.
Bài, ảnh: Dương Bình

Thương mẹ vất vả lo cho hai chị em từng li từng tí, Thục Anh càng cố gắng học tập thật tốt để mẹ vui lòng. Kết quả, năm học 2010-2011, điểm tổng kết trung bình cuối năm của em lên đến 9,5.
 

 

Bình luận (0)