Trong khi các nước chạy đua ráo riết trong đào tạo nguồn nhân lực thì bức tranh cải cách giáo dục ĐH ở VN vẫn chắp vá và chưa thể hội nhập quốc tế.
Thay vì phải loay hoay thay đổi kỹ thuật thi cử, Bộ GD-ĐT cần khẩn trương có một đề án cải cách giáo dục ĐH chi tiết, chiến lược, có tầm nhìn – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bỏ lỡ mô hình cao đẳng cộng đồng
Cao đẳng cộng đồng (community colleges) ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng tiếp cận giáo dục ĐH, bao gồm cả đào tạo nghề, phát triển nghiệp vụ, giáo dục thường xuyên và chuyển tiếp lên ĐH 4 năm ở Mỹ và Canada. Mô hình này đã lan tỏa ra các quốc gia và vùng lãnh thổ vòng cung châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia đã áp dụng công thức này như hòn đá tảng trong chính sách cải cách giáo dục chuyên nghiệp làm bước nhảy vọt và diễn đàn triển khai nhiều sáng kiến địa phương để phát triển kinh tế, hội nhập toàn cầu. Đây là mô thức giáo dục thực tiễn, ít tốn kém, linh hoạt và hữu hiệu trong đào tạo kỹ thuật viên công nghệ lành nghề – lực lượng lao động có kỹ năng cao tối cần thiết cho phát triển kinh tế ở từng quốc gia.
Mô thức cao đẳng cộng đồng đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực công nghệ hàng loạt, giúp nâng cao dân trí. Mô hình ĐH ngắn hạn ít tốn kém này rất thích hợp cho các quốc gia có tổng thu nhập quốc dân thấp, trong khi việc đầu tư vào ĐH 4 năm với chương trình dài hạn cổ điển không đem lại lợi ích tức thời. Từ sau Thế chiến thứ 2 đến cuối thế kỷ 20 có hơn 20 nước áp dụng phát triển công thức cao đẳng cộng đồng. Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là sự kết hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp tại địa phương đào tạo các kỹ năng cần thiết giúp người học kiếm được việc làm ngay sau khi ra trường.
Vẫn loay hoay
Bắt đầu thế kỷ 11 với Văn miếu Quốc tử giám, giáo dục ĐH VN dựa trên Nho giáo, trải qua 1.000 năm Bắc thuộc chịu ảnh hưởng của 3 dòng triết giáo chính là Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo. Gần 100 năm Pháp thuộc với ảnh hưởng văn minh phương Tây đến đầu thế kỷ 20 mới có ĐH Đông Dương. Có thể nói công cuộc canh tân giáo dục thực sự bắt đầu ngay sau khi Bác Hồ tuyên bố thành lập nước cộng hòa dân chủ đầu tiên ở châu Á.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, cùng sự tham gia đóng góp của 30 học giả trong Hội đồng cố vấn học chính, ông Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng đầu tiên Bộ Quốc gia giáo dục đã nhanh chóng trình Chính phủ Đề án cải cách giáo dục theo những nguyên tắc căn bản Dân chủ – Dân tộc – Khoa học. Báo cáo Vấn đề cải cách giáo dục trong nước VN mới đã nêu những nguyên lý của nền giáo dục quốc dân như sau: “Trước hết, nền giáo dục mới là nền giáo dục của một nước độc lập: nó phải tôn trọng nhân phẩm, rèn óc tự cường và làm phát triển tài năng cá nhân đến tột bực; nó phải phát huy những cá tính của dân tộc, gây một tinh thần quốc gia mạnh mẽ và xây dựng một nền học thuật độc lập của nước nhà trong sự tiến hóa chung của nhân loại”.
Tiếc rằng, do kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào tháng 12.1946, sau đó là kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đề án cải cách giáo dục này bị gác lại và lãng quên cho tới tận ngày nay.
Tư tưởng cải cách giáo dục của đề án này với thiết kế cơ cấu khung chương trình cho tiểu học, trung học và ĐH đã tiếp thu tinh hoa nhân loại mà hơn 20 năm sau đề án cải cách giáo dục của Singapore cũng thể hiện tương tự tinh thần như vậy với cấu trúc rẽ nhánh từ sau 2 năm đầu của tiểu học.
Giai đoạn từ 1987 – 1991 giáo dục ĐH VN có nhiều cải cách quan trọng nhưng do chính sách cấm vận của Mỹ, VN rất muốn nhưng không trực tiếp tiếp nhận mô hình và triết lý giáo dục ĐH Mỹ. Tại hội nghị trí thức Việt kiều ở TP.HCM đầu xuân 1994, Chính phủ tuyên bố cải cách giáo dục ĐH theo mô hình các nước khối ASEAN mà thực chất đó là mô hình Mỹ. Từ năm 1994, Bộ GD-ĐT chú ý nghiên cứu mô hình cao đẳng cộng đồng Mỹ song song với xây dựng ĐH đa cấp, đa lĩnh vực (2 ĐHQG và 3 ĐH vùng), nhưng do nhiều nguyên nhân nên một số trường cao đẳng cộng đồng được thành lập ở ĐBSCL, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Lai Châu… sau nhiều năm vẫn chỉ là thí điểm, không được công nhận trong luật Giáo dục ĐH.
Trong bản “Chiến lược giáo dục của Tổng thống Mỹ tới năm 2000” nhấn mạnh: “Nước Mỹ sẽ thua một vài nước nếu không chú ý tới kho tàng vô giá nằm sau vỏ não thanh thiếu niên”. Thế kỷ 20 đã khép lại với chiến tranh lạnh và xung đột ý thức hệ tư tưởng kết thúc và loài người bước sang kỷ nguyên mới của thông tin và toàn cầu hóa, thế kỷ của văn hóa và tôn giáo. Giáo dục ĐH VN đang chịu tác động mạnh và đan xen của các nước ở châu Á, phương Tây và chính sách Fulbright của Mỹ xuất khẩu giáo dục ĐH…
Thiết nghĩ trách nhiệm của nhà nước mà trước hết là Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc, khẩn trương nghiên cứu đề xuất một đề án cải cách giáo dục ĐH chi tiết, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, năng động và thiết thực để thực sự đáp ứng nguyện vọng học tập của nhân dân, mà trước hết là nhu cầu học tập và kiếm việc làm của hàng triệu thanh thiếu niên nghèo ở thành thị cũng như nông thôn.
Câu chuyện giáo dục: Khi người ta là hoa của đất 1. Buổi sáng thứ hai đầu tuần, dòng người hối hả tuôn về trung tâm thành phố. Các con đường được nghỉ chút xả hơi cuối tuần nay phải gồng mình vì bụi khói, tiếng ồn… Ở nhiều góc đường, cũng như mọi khi, chỉ kịp chực chờ đèn đỏ là một số người tiếp thị xông ra trước đầu xe, chìa những tờ rơi quảng cáo. Một số người khó chịu thầm nghĩ: Điệp khúc mở đầu cho một ngày đầy phiền toái của cuộc sống thị thành! Nhưng hôm nay thật khác lạ, có cái gì đó thật dễ chịu, thật thân thương len lỏi vào trong tâm trí của người đi đường kia. Phát tờ rơi hôm nay là hai cô gái mặt mày xinh xắn. Họ là sinh viên. Một cô đi đưa cho khách. Cô còn lại thì lom khom nhặt những tờ rơi mà người đi đường tiện tay thả xuống mặt đường vô tội vạ trước đó. Nhiều người nghĩ rằng họ sẽ phát lại cho khách những tờ rơi nhặt lại ấy. Nhưng không, cô ta nhặt xong và bỏ vào một giỏ rác bên đường… 2. Ba người đàn ông trung niên ngồi uống cà phê. Trong tiếng nhạc xập xình, họ đang bàn về việc trúng số – những tấm vé mua chung số khi uống cà phê sáng qua. Ai cũng hoạch định cho riêng mình đầy những mộng đẹp. Vừa lúc ấy có một bà lão bán vé số bước vào. Bà lão chìa xấp vé ra mời. Họ mượn sổ dò số. Vé hỏng! Một người vò vé, ném sang góc bàn đối diện, người khác thả rơi xuống nền quán, còn người kia thì nhét vào túi áo. Sau khi bán vé xong, bà lão xin những tấm vé trong túi người đàn ông kia. Cả ba người đều nghĩ: Chắc là có gì gian dối ở đây? Xin vé xong, bà lão cúi nhặt những vé rơi vãi và đi ra cửa quán. Cả ba người nhìn theo. Trái với những gì họ nghĩ, bà lão cho những chiếc vé vào sọt rác của chủ quán… 3. Là một giáo viên nhiệt tình, thương yêu học sinh và đầy trách nhiệm, nhưng tuần nào tổng kết thi đua ở trường, lớp của thầy C.H.C chủ nhiệm vẫn xếp hạng bét. Tệ nhất là điểm vệ sinh. Lớp trực nhật chậm, lem luốc, bữa sạch bữa dơ. Hôm nào đến cuối buổi học cũng nhiều giấy vụn. Sau nhiều lần nhắc nhở, có cả sử dụng hình phạt, thấy chẳng suy suyển gì mấy, thầy C. bèn nghĩ ra một cách. Số là hôm ấy lớp có tiết kiểm tra. Trong lúc chúng cắm cúi làm bài thì thầy C. đi khắp phòng học, thầy điều chỉnh các dãy bàn cho thật ngay ngắn. Rồi đột nhiên thầy đến cuối lớp, lấy cây chổi lên. Trước cái nhìn đầy ngạc nhiên của cả lớp, thầy đã quét sạch những rác bẩn. Kể từ hôm đó, lớp của thầy C. bao giờ cũng được học trò vệ sinh sạch sẽ… Cổ nhân có nói: người ta là hoa của đất. Những hành động trên thật xứng đáng được trân trọng. Nếu xã hội là một vườn hoa lớn, thì những biểu hiện trên là những bông hoa đẹp nhất. Nhiều khi phải biết tự hạ mình xuống để được người khác nâng giá trị của mình lên. Ta có quyền tin tưởng rằng, nếu chứng kiến những cảnh ấy thì người ta sẽ có ứng xử tích cực hơn: một cái lắc đầu không nhận tờ rơi, hoặc có nhận thì không ném xuống mặt đường; điều chỉnh thói quen tiện đâu là xả rác đấy. Đâu chỉ là chuyện rác, mà lớn hơn là chuyện ứng xử, chuyện của văn hóa… Trần Ngọc Tuấn |
Mai Văn Tỉnh (nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT)
Theo TNO
Bình luận (0)