Lớn lên con sẽ làm phi hành gia, Con ước mình trở thành họa sĩ, Con muốn được làm đầu bếp… Tất cả những mong ước dù lớn lao hay giản dị, đều rất cần thiết cho đời sống tinh thần của trẻ.
Ước mơ giúp trẻ có động lực phấn đấu hơn trong cuộc sống – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Từ những hình mẫu lý tưởng
Theo các chuyên gia tâm lý, ngay từ khi trẻ biết dùng lời nói biểu đạt suy nghĩ – tầm 4, 5 tuổi, là trẻ đã có khái niệm về ước mơ. Khi mẹ hỏi “con ước mơ trở thành gì nào?”, bé trai thường nói “con muốn trở thành siêu nhân” còn bé gái lại hay mong muốn được là nàng công chúa, cô tiên, cô giáo.
Lớn hơn một chút, khi có nhận thức rõ ràng siêu nhân là gì, các nhân vật công chúa, nàng tiên là gì, các bé không còn ước mơ như vậy nữa, mà bắt đầu tìm kiếm những hình mẫu lý tưởng để mong muốn được trở thành.
Chị Huỳnh Thúy Nga, giáo viên tiểu học tại Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: “Khi cho các bé làm văn, tôi vẫn ra đề là “kể về ước mơ của em”. Tôi rất thú vị vì trong đó, nhiều bé nói về ước mơ của mình thật giản dị và đẹp, ví dụ như ước trở thành một người con hiếu thảo, ước là cô giáo dạy chữ cho trẻ em nghèo. Dù không biết các bé lớn lên có trở thành những người đó không, nhưng rõ ràng, biết ước mơ là một điều đáng quý. Từ đó các bé luôn làm những điều thật tốt đẹp để hướng tới hình tượng trong ước mơ của mình”.
Chị Nga chia sẻ thêm: “Có nhiều bé không biết ước mơ gì cả. Vì vậy tôi thường trao đổi với phụ huynh là hãy thường xuyên trò chuyện với trẻ về những nhân vật, hình mẫu đẹp trong cuộc sống và hỏi con có thích làm như thế không, gợi mở cho bé để hướng bé biết ước mơ một điều gì đó. Nếu sống mà không có ước mơ thì sẽ rất tẻ nhạt”.
Khuyến khích, động viên
Mới đây, tại một cuộc thi viết về ước mơ, Lê Trung Kiên, học sinh lớp 8/1 Trường THCS Nguyễn Du, TP.HCM đoạt giải nhì. Kiên đã chia sẻ trong bài viết: “Khi còn bé, tôi cũng từng muốn làm kiến trúc sư như bố tôi hay làm doanh nhân thành đạt, nhưng rồi sau đó tôi lại thấy mình thích nhất là làm nhà khoa học. Ngày tôi mới 4, 5 tuổi, bố tôi cho tôi đọc nhiều sách hình. Thế là những hình ảnh huyền diệu của thế giới dưới đại dương với màu sắc lung linh hay vẻ đẹp sâu thẳm của vũ trụ đã hớp hồn tôi và đã làm trỗi dậy niềm đam mê khoa học ẩn trong tuổi thơ nhỏ bé của tôi”. Có thể nói, những cuốn sách tuyệt vời của bố mẹ đã giúp cho cậu bé hình thành ước mơ của mình.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Trẻ lên 4, 5 tuổi bắt đầu có trí tưởng tượng nên đã biết hình thành những ước mơ sơ khai, thường là những gì lung linh, đẹp đẽ, xa rời thực tế. Tuy nhiên, cha mẹ cần khuyến khích trẻ và giúp trẻ phấn đấu sống tốt hơn từ những hình tượng đó. Ví dụ nếu con muốn trở thành siêu nhân thì con phải mạnh mẽ lên, không khóc nhè, biết bảo vệ em, giúp đỡ ba mẹ trông em”.
Lớn hơn, những ước mơ của trẻ dần gần gũi với hiện thực, cha mẹ không chỉ động viên mà phải dẫn dắt, tạo điều kiện cho con thực hiện ước mơ của mình. Thạc sĩ Hiếu cho rằng, lúc này ước mơ của trẻ bắt đầu phản ánh những bước đi nghề nghiệp, do đó, cha mẹ cần nắm bắt xem mong muốn của con có phù hợp với cá tính, khả năng, sở thích của con hay không? Nếu chưa thực sự phù hợp, phụ huynh có thể khéo léo giúp con thay đổi, hoàn thiện bản thân để chinh phục ước mơ. Ví dụ, nếu con muốn làm nhà khoa học, thì con phải học cách tư duy logic, phải luôn thích thú tìm tòi, nghiên cứu…
Tạo điều kiện cho con thực hiện
Con trai tôi rất mê vẽ. Từ lúc học mẫu giáo, cháu đã thể hiện sự đam mê và có năng khiếu về màu sắc. Trong sổ liên lạc của từng năm học, các cô giáo luôn nhận xét là cháu tô màu đẹp, vẽ các con vật rất giỏi, có năng khiếu về hội họa. Vợ chồng tôi cũng sớm nhận ra điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến khích cháu không chỉ vẽ mà còn học nhạc, đá bóng, chơi cờ tướng… Cái gì cháu cũng đều thích, nhưng trong đó, có vẻ như vẽ vời là môn cháu thích hơn cả.
Quả thực, lên đến cấp 2 thì cháu bộc lộ càng rõ hơn. Có lần, mẹ con thủ thỉ, con đã tâm sự với tôi là muốn trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh. Tôi ngay lập tức tỏ ra thú vị và hỏi: “Vì sao con lại không muốn trở thành cầu thủ bóng đá mà là vẽ truyện tranh?”. Cháu tỏ ra già dặn: “Con có nhiều ý tưởng trong đầu lắm, và con muốn dùng những hình vẽ để chuyển tải nó, bóng đá thì không thể hiện được”. Đến nay thì cháu đang học Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Ước mơ trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh đang dần thành hiện thực, vì tuy chưa ra trường, nhưng cháu đã vẽ minh họa truyện ngắn cho một số tờ báo và cùng một nhóm bạn viết truyện tranh thiếu nhi cho một số nhà xuất bản. Lê Kiều Trang (Hà Nội)
|
Theo Mỹ Quyên (TN)
Bình luận (0)