Hơn 2.300 tỷ đồng để phát triển dự án trường chuyên giai đoạn 2010-2020. Đây là một khâu đột phá của ngành giáo dục trong việc phát triển nhân tài. Có thể nói với đề án này, các trường chuyên đã có nhiều cơ hội để phát triển và nâng cấp cơ sở vật chất.
15m2/học sinh
Theo mục tiêu của đề án, đến 2015, 100% trường chuyên THPT đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm, có chất lượng ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, trong đề án đã nêu ra một khâu đột phá đó là tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường trung học phổ thông chuyên với việc đào tạo ở đại học. Cũng đến 2015, có 30% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp trung học phổ thông được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học trong nước và tại các trường đại học có uy tín ở nước ngoài và đạt 50% vào 2020. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết đề án sẽ tập trung giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên cho các trường chuyên trên cả nước hiện nay, trong đó, ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/học sinh. Phát triển hệ thống thư viện điện tử, đầu tư mua sách, tài liệu tham khảo, cập nhật thông tin về giáo dục trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với nhiều trường, bài toán này không hẳn sẽ giải quyết trong thời gian tới. Ông Lê Thanh Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) cho biết khó khăn nhất của trường hiện nay là cơ sở vật chất. Theo ông Liêm, có thể nói Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển có diện tích nhỏ nhất hiện nay, diện tích bình quân chỉ đạt 1m2/học sinh, có 7 phòng học lớn và 3 phòng học nhỏ. Mỗi năm chỉ tuyển được 170 – 180 học sinh. Còn về đội ngũ thì trường đã chuẩn bị đón đầu từ trước. Hiện trường đã có 40% giáo viên là thạc sĩ, 20% giáo viên là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Cần một chính sách đồng bộ
Từ khi Bộ GD-ĐT bỏ chính sách tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải quốc gia vào ĐH, học sinh giỏi không còn mặn mà với trường chuyên, đội tuyển. Bởi mục tiêu của học sinh và gia đình là vào ĐH. Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, cần thay đổi tâm lý đào tạo gà nòi đối với phụ huynh và học sinh. Còn theo ông Liêm, để thu hút học sinh giỏi vào trường chuyên, Bộ cần có chính sách đồng bộ hơn. Chính sách tuyển thẳng học sinh đạt giải quốc gia đã được bỏ do có nhiều hạn chế. Nhưng với chính sách như hiện nay cũng khiến nhiều học sinh không mặn mà. Vì dù đủ điều kiện để xét vào trường ĐH (đạt trên điểm sàn, tốt nghiệp THPT loại khá, giải 3 quốc gia trở lên) nhưng học sinh vẫn không thể vào trường do trường ĐH mà học sinh muốn vào không nhận. Do đó, ông cho rằng Bộ cần phân bổ chỉ tiêu tuyển học sinh đạt giải quốc gia cho các trường.
Chuyên biệt trong trường chuyên
Cả nước hiện nay chỉ duy nhất tỉnh Đắc Nông chưa có trường chuyên, các tỉnh thành còn lại đều có ít nhất một trường. Nhưng mỗi năm, trong các kỳ thi Olympic các môn quốc tế, các giải thưởng hay những học sinh được chọn chỉ tập trung ở một số trường nhất định như khối chuyên ĐH Quốc gia Hà Nội, TP.HCM, chuyên Trần Phú (Hải Phòng), chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), chuyên của Đà Nẵng, Phan Bội Châu (Nghệ An)… Còn rất nhiều trường chuyên khác, chưa bao giờ hoặc rất hiếm khi có học sinh góp mặt. Điều này không phải do không có học sinh giỏi mà theo nhận định của các chuyên gia là do chưa đầu tư đúng mức. Bởi để có một giải thưởng quốc tế, không chỉ có đội ngũ, có cơ sở vật chất mà còn phải có sự đầu tư lâu dài. Một giáo viên dạy chuyên lâu năm tại Trường Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng để có những giải thưởng quốc tế cần có sự chuyên biệt trong chính những trường chuyên. Những hạt giống cần được đầu tư và phát hiện từ đầu. Vì mỗi lớp chuyên hiện nay có tới trên dưới 30 học sinh. Nếu bắt tất cả những học sinh này đều học theo chương trình để thi quốc tế thì các em chắc chắn không thể “trụ” nổi. Do đó, các trường chuyên cũng cần phải có chiến lược riêng cho mình.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)