Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nơi tình thương thắp sáng…

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm trong hẻm 3153/24 đường Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, Trung tâm phát huy Bình An luôn nhộn nhịp tiếng nói cười trẻ em lui tới học chữ. Hầu hết các em là người nhập cư, gia đình khó khăn, không có điều kiện đến lớp học chính quy.

Cô trò trong một tiết học ở Trung tâm phát huy Bình An

Nửa ngày đi học, nửa ngày mưu sinh

Trung tâm phát huy Bình An được thành lập từ năm 2010, thuộc chương trình Bạn trẻ em đường phố (Friends For Street Children – FFSC). Hiện trung tâm có 7 lớp với khoảng 190 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5 đang tham gia học tập các sáng thứ hai đến thứ sáu. Hầu hết các em ở độ tuổi từ 4 đến 15, theo gia đình rời quê hương về Sài Gòn thuê trọ làm thuê, nhặt ve chai, phụ hồ, bán vé số…

Cô Đặng Thị Thu Hạnh, quản lý trung tâm chia sẻ, mỗi em một hoàn cảnh, mỗi trình độ và nhận thức khác nhau. Em thì khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ. Em thì học lớp 3, 4 ở quê nhưng đọc viết chưa rành. Em thì quá tuổi đến lớp nhưng vẫn chưa được đi học… Mặt khác, nhiều em gia đình khó khăn, không giấy khai sinh nên không thể xin vào trường công lập để học. Theo đó, tùy theo trình độ, nhận thức mà các cô sắp xếp vào các lớp cho phù hợp.

Đối với các em ở trung tâm, nửa ngày đi học, nửa ngày phụ giúp ba mẹ mưu sinh là chính nên việc đến lớp là một niềm vui to lớn. Bởi ở đó các em không chỉ học chữ mà còn được vui đùa với bạn bè, cô giáo. Nhiều em nhà ở trọ tận xã Bình Hưng, Phong Phú, chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh), khu vực quận 5… cách lớp học nhiều cây số nhưng vẫn chăm chỉ đạp xe đạp đến lớp đúng giờ, bất kể nắng mưa. Một số em còn đèo theo cả em út để cùng học. Trường hợp Đào Thanh Tâm (13 tuổi) sáng sáng đạp xe 4km từ nhà trọ đến lớp. Ba mẹ quê ở Châu Đốc, nhà nghèo quá nên về Sài Gòn nhặt thuê rau nhút và Tâm cũng bỏ học theo gia đình. Ở quê đã học đến lớp 5 tuy nhiên trình độ chưa đạt yêu cầu nên Tâm phải học lại lớp 4. Không đi một mình, ngày ngày Tâm còn chở theo em út để học cùng.

Trường hợp của Phạm Thạch Kim Yến 14 (tuổi) cũng chăm chỉ mỗi sáng đạp xe chở theo em gái từ khu trọ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh đến lớp, trưa lại về nhà phụ ba mẹ trông các em nhỏ. Vài năm trước, Yến từng học tại trung tâm này nhưng công việc làm thuê của ba mẹ không ổn định, chuyển về Tây Ninh bán vé số buộc Yến bỏ học giữa chừng. Năm nay, gia đình quay lại Sài Gòn, Yến tiếp tục đến lớp xin học. Bản thân từng ước mơ trở thành bác sĩ, nhưng giờ đây Yến chỉ ước mơ trở thành họa sĩ để thỏa thích được vẽ.

“Ước mơ thành bác sĩ có lẽ khó đạt được nên giờ đây con sẽ cố gắng học tốt để được lên lớp, học tiếp trở thành họa sĩ”, Yến bộc bạch.

Vừa học chữ, vừa học lễ nghĩa

Tham gia giảng dạy các em phần lớn là giáo viên tiểu học trên địa bàn đã về hưu. So với dạy học ở trường công lập, dạy học trẻ em ở Trung tâm Bình An được các cô đánh giá vất vả gấp nhiều lần. Tuy nhiên, vì nhiệt huyết nghề nghiệp và mong trò nghèo được học chữ, các cô tham gia giảng dạy bằng cả tấm lòng.

Cô Phạm Thị Nhiệm, giáo viên về hưu Trường Tiểu học An Phong (quận 8) cho biết, nếu không có tình thương dành cho các em thì rất khó bám lớp. Đa số là con em lao động nghèo, cha mẹ ít quan tâm đến học hành nên khi mới vào lớp, nhiều em bướng bỉnh, không có thói quen chào hỏi thậm chí nói tục… Ngoài dạy chữ, các cô phải uốn nắn cả tác phong, nề nếp. Từ cách ăn nói, ứng xử, chào hỏi, quan tâm người xung quanh…

Cô Bùi Thị Ràng, giáo viên về hưu Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (quận 8) cho biết, các em rất vui khi đến lớp học nhưng nhiều em lại có tính bất cần nên trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn. Nếu cứng rắn, các em sẽ bỏ học, xem như mình thất bại. Mưa dầm thấm lâu, nhiều em đi học chuyên cần và ngoan ngoãn, lễ phép.

Cô Bùi Thị Ràng, giáo viên về hưu Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (quận 8) cũng cho biết, các em rất vui khi đến lớp học nhưng nhiều em lại có tính bất cần nên trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn. Nếu cứng rắn, các em sẽ bỏ học, xem như mình thất bại. Mưa dầm thấm lâu, nhiều em đi học chuyên cần và ngoan ngoãn, lễ phép.

Ở lớp cô Ràng, cứ sau giờ học chữ, học sinh được phân công quét dọn phòng lớp, tưới cây cảnh nhằm tạo không gian sạch đẹp, thoáng mát. Cô Ràng cho biết: “Công việc sẽ góp phần rèn các em thói quen làm việc nhà, sống ngăn nắp, nề nếp và yêu thiên nhiên, môi trường”.

Mặc dù không phải là trường học chính quy nhưng giáo viên xây dựng chương trình giảng dạy, đánh giá theo định hướng của Bộ GD-ĐT. Học hết lớp 5, trung tâm sẽ đưa các em sang Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (quận 8) tham gia thi hết cấp. Được Phòng GD-ĐT quận 8 tạo điều kiện, những học sinh đạt yêu cầu chương trình lớp 5 sẽ tiếp tục theo học lớp 6 chương trình chính quy nếu có nguyện vọng. Cô Thu Hạnh chia sẻ, năm học trước 3 em theo học lớp 6 trong quận do có nguyện vọng.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

 

Bình luận (0)