Các khoản thu tự nguyện sẽ được hiểu là khoản tài trợ cho giáo dục theo đúng tinh thần của thông tư “Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.
Thư viện Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM. Đây là công trình do hội phụ huynh học sinh đóng góp cải tạo làm mới với tổng số tiền 120 triệu đồng. |
Đó là khẳng định của ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – tài chính (Bộ GD-ĐT), với Tuổi Trẻ về khái niệm “tài trợ” được nhắc đến trong thông tư mới ban hành (Tuổi Trẻ 13-9). Một trong những quy định của thông tư này là trường học được nhận tài trợ tiền mặt, vàng, kim cương…
Để giải đáp cụ thể nội dung của thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 25-10 này, Bộ GD-ĐT đã tổ chức buổi gặp gỡ quy mô hẹp với báo chí ngày 13-9.
Vẫn thiếu chế tài
“Tất cả các khoản thu tự nguyện, đóng góp cho cơ sở giáo dục không hoàn lại, không kèm điều kiện gì đều phải được hiểu là tài trợ cho giáo dục. Tiền tài trợ này theo tinh thần của thông tư sẽ do thủ trưởng cơ sở giáo dục quản lý, hoạch định sử dụng một cách công khai”- ông Bùi Hồng Quang nhấn mạnh.
Lý do để ban hành thông tư được ông Quang nhắc đến là trước những văn bản đã ban hành liên quan đến thu chi, nhiều cơ sở giáo dục đặt vấn đề phần đóng góp tự nguyện của cá nhân và tập thể thì thu và quản lý như thế nào khi họ hoàn toàn tự nguyện đóng góp cho nhà trường… “Thông tư quy định điều chỉnh cho tất cả các cấp bậc học từ mầm non đến đại học. Nghĩa là tất cả các cơ sở giáo dục đều có quyền thu và sử dụng các khoản đóng góp”- ông Quang khẳng định.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc thông tư quy định về tài trợ có phải là cách để hợp thức hóa các khoản thu ngoài học phí thành tên gọi chung “tiền tài trợ”, ông Quang nói: “Không thể đặt vấn đề như vậy. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là ban hành các văn bản pháp quy. Bộ GD-ĐT đã có nhiều công văn gửi UBND tỉnh, thành phố và các sở GD-ĐT yêu cầu giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng lạm thu tại các trường, đặc biệt từ năm 2010 đến nay, nhưng kết quả chưa được như mong muốn nên phải xây dựng thông tư chung quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục”.
Thực tế, đúng là Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều công văn, nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu kiểm soát việc thu chi trong nhà trường nhưng việc lạm thu vẫn tái diễn, đặc biệt nghiêm trọng ở thời điểm đầu năm học mới. Đầu năm 2012-2013, đã có hiện tượng phụ huynh một số lớp học không cho con đến trường để phản đối các khoản thu vô lý. Trước tình trạng này, bộ cho rằng lý do cốt lõi là thiếu chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe trong những văn bản này. “Ngay điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (năm 2011) cũng đã quy định rất rõ về nguyên tắc thu các khoản tự nguyện trong nhà trường, song đúng là đến nay tình trạng lạm thu chưa được giải quyết đến cùng. Nguyên nhân thứ nhất là tuyên truyền chưa đến nơi, rất nhiều cha mẹ học sinh không hề biết đến nội dung của điều lệ này. Thêm một lý do chính là chế tài xử lý không cụ thể” – ông Quang phân tích.
Tuy nhiên, trong toàn bộ nội dung thông tư quy định về tài trợ mới tinh này, vẫn thiếu vắng chế tài xử lý cụ thể – vấn đề mà chính ông Quang cho là mấu chốt trong việc chấn chỉnh lạm thu.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, ông Quang thừa nhận thông tư này cũng không có điều khoản nào xác nhận hình thức xử lý và viện dẫn hướng xử lý theo cách: người vi phạm sẽ chịu xử lý theo luật công chức, viên chức (!).
Lạm thu vì học phí thấp?
Theo ông Quang, tình trạng lạm thu không cải thiện ở nhiều nơi do mức học phí chậm điều chỉnh. Ngoài những công văn trực tiếp chấn chỉnh, giám sát lạm thu, cuối năm 2011 Bộ GD-ĐT lại tiếp tục có văn bản gửi tất cả các cơ sở giáo dục chỉ đạo kiểm tra tình hình thực hiện quy định học phí mới. “Chính học phí thấp, chưa kịp điều chỉnh theo học phí mới cũng tác động nhất định đến các khoản thu góp của các trường, lớp. Quy định của Thủ tướng là chi cho lương và các khoản có tính chất lương tối đa là 80% tổng mức chi thường xuyên, tối thiểu 20% mức chi thường xuyên dành cho các hoạt động khác của nhà trường về quản lý hoạt động, nghiên cứu khoa học… Song thực tế, tại phần lớn các cơ sở giáo dục tiền chi cho lương và phụ cấp lương đã chiếm gần hết mức chi thường xuyên ở mức 85-90%, thậm chí có nơi lên mức hơn 90%. Do đó, cơ sở vật chất của nhiều trường rất thiếu thốn…”. – ông Quang nói.
Ông Quang cũng cho hay sau khi ban hành thông tư này, thanh tra bộ đang chuẩn bị đi kiểm tra các cơ sở giáo dục việc thực hiện tinh thần chỉ đạo của bộ đến đâu.
Ông Quang khẳng định theo thông tư này, phụ huynh, ban đại diện phụ huynh không thể tự tiện đóng góp các khoản gọi là tự nguyện để mua máy điều hòa, mua rèm, máy chiếu… về lắp cho lớp của con em mình. “Tự nguyện là tài trợ không có điều kiện. Những hiện vật đó nhà trường sẽ tiếp nhận và quyết định hình thức sử dụng”- ông Quang nhấn mạnh.
NGỌC HÀ (TTO)
* GS Văn Như Cương: Khó kiểm soát
Việc gán các khoản thu góp tự nguyện của phụ huynh vào khoản tài trợ là nhắm đến việc các khoản góp này không nhằm mục đích gì, nhưng đó là điều khó xảy ra, khó kiểm soát. Trừ những mạnh thường quân lớn, những người giàu có muốn tài trợ cho giáo dục thì thông tư này có thể áp dụng. Còn lại, phụ huynh của lớp học muốn đóng góp cải thiện điều kiện cơ sở vật chất cho lớp học con em mình thì làm sao không có điều kiện đi kèm?
Nhà vệ sinh của trường hỏng, ngân sách nhà trường phải đến năm sau mới có, phụ huynh sốt ruột đóng góp thì phải giải quyết ngay cho con em họ. Gọi đóng góp tự nguyện là tài trợ, là không đòi hỏi mục đích thì đằng sau nhà trường và phụ huynh vẫn phải thỏa thuận với nhau, để tiền họ đóng góp phải phục vụ lợi ích cho chính con em họ trước đã…
* GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM): Đề phòng “ràng buộc ẩn”
Trong thông tư có quy định rõ các cơ sở giáo dục không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, các nhà tài trợ không gắn điều kiện ràng buộc việc tài trợ với việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền lợi kinh tế phát sinh từ các khoản tài trợ cho các cơ sở giáo dục…Tuy nhiên, trong điều kiện VN, Bộ GD-ĐT cần đề phòng những “ràng buộc ẩn” trong tài trợ, lợi dụng việc này để chạy trường, chạy lớp, hưởng các quyền lợi kinh tế phát sinh…, đồng thời phải giám sát chặt chẽ việc này.
Ở nhiều nước quỹ này phát triển rất lớn. Như ở Mỹ, với nguồn quỹ rất lớn, các trường học chỉ cần sử dụng nguồn tiền sinh lợi từ quỹ này (gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán…).
N.H. – TR.HUỲNH ghi
|
Bình luận (0)