Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngôn ngữ “chat”

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Phạm Thị Nga đang tổng hợp số liệu cùng với nhóm

Giữa thời đại bùng nổ CNTT, chat là một phương tiện giao tiếp không nói thành lời nhưng lại có sức lan tỏa trong một không gian ngôn ngữ rộng lớn, xóa nhòa được mọi ranh giới về địa lý và thời gian. Có thể nói, chat đã và đang len lỏi vào trong mọi ngõ ngách của đời sống giao tiếp và trở thành “cơm ăn, nước uống” hàng ngày của con người trước nhu cầu thông tin nhanh gọn, nhất là đối với lứa tuổi học trò.
Nhưng cũng vì chat mà ngôn ngữ của lứa tuổi học trò đang bị bóp méo và làm mất đi giá trị chuẩn của sự trong sáng tiếng Việt.
“Nhức đầu” vì ngôn ngữ… chat
Điều “nhức đầu” thứ nhất là vì không đọc được những từ ngữ lạ hoắc lạ huơ hiện trên màn hình kiểu như: Zui gê, bi jờ lùm sao đâz? Bùn kúa, zìa đi thui?… Điều “nhức đầu” thứ hai là không biết những mẫu tự đó chứa thông tin gì. Không chỉ “nhức đầu” mà người đọc còn “tá hỏa tam tinh” khi được chủ nhân “phiên dịch” lại đó là: Vui ghê bây giờ làm sao đây(!) Buồn quá về đi thôi(!). Điều ngạc nhiên hơn là người ngồi đối diện bên kia màn hình vẫn có thể hiểu được một cách rành rọt và nhanh chóng mặc dù “bề ngoài” ai cũng chỉ sử dụng ngôn ngữ duy nhất là tiếng mẹ đẻ. 
Những câu chuyện này thật không hề xa lạ với học sinh (HS) hiện nay, bởi thế các em coi đó là chuyện không có gì đặc biệt cần phải nói. Thế nhưng trong suy nghĩ của một số HS Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM), đây chính là những cảnh thật “chướng tai gai mắt”.
Từ xuất phát điểm đó, nhóm bạn Huỳnh Dũng Nhân, Trần Thị Ngọc Thảo và Lê Thị Hoàng Nhung đã làm một cuộc hành trình để tìm hiểu “Hiện tượng sử dụng ngôn ngữ chat trong giới HS THPT”. Sau khi Dũng Nhân đưa ra kế hoạch cho đề tài, hai bạn nữ đã bắt tay vào việc chọn lựa câu hỏi để làm một cuộc khảo sát trong học sinh toàn trường. 
Với câu hỏi đầu tiên, một kết quả thật bất ngờ là có tới 96,5% sử dụng ngôn ngữ chat thường xuyên. Điều này đã cho nhóm thấy được thực trạng đáng buồn về cách sử dụng ngôn ngữ… loạn xạ của HS hiện nay. Dũng Nhân cho biết: “Qua trao đổi với nhiều ý kiến, các bạn đều cho rằng có như vậy mới hợp thời, thể hiện đẳng cấp chat và quan trọng hơn là tiện lợi”.  Ngôn ngữ chat thật sự đang trở thành niềm say mê và kiêu hãnh của giới trẻ. Từ trong thế giới ảo, thế hệ 8X và 9X đang ra sức “sáng tạo” không ngừng ngôn ngữ của mình. Theo họ người nào lạc hậu chậm với thời cuộc sẽ không hiểu nổi(?).
Không được lạm dụng trong học tập 
Theo Hoàng Nhung – một thành viên trong nhóm – điều tra thực tế đã rút ra được quy tắc biến đổi của ngôn ngữ chat hiện nay. Về cách viết tắt tự tạo, có 4 nhân tố chính: Ở đại từ nhân xưng, họ tự xưng mình là cụ (nếu là bạn trai), là mợ (nếu là bạn gái). Điều này, theo họ không chỉ thể hiện sự phá cách mà có ý hài hước, ẩn nghĩa ở trong đó. Trên diễn đàn chat, giới trẻ đang lạm dụng tiếng lóng như một ma trận, điều mà ngôn ngữ trong sáng của tiếng Việt luôn lên tiếng phản đối. Tiếng lóng đang được giới trẻ hồn nhiên sử dụng và trở thành “mật ngữ” kiểu như: Đã đớp (ăn cơm) chưa? Hết đạn (tiền) rồi? Nhiều từ quen thuộc đã được thay hình đổi dạng: Tán dóc (buôn dưa lê), nói chuyện lâu (nấu cháo). Thậm chí có những từ lóng dùng để chỉ các bậc tôn kính: Tiền bối lỗi thời (cha mẹ).
Nặng nề hơn là cách dùng hệ thống ký hiệu – mã hóa. Bên cạnh dùng các icon (biểu tượng cảm xúc như J L K), giới trẻ còn thêm vào trong những chữ cái để tạo ra âm mới rất khó hiểu: Làm sao – làm seo, bó tay – pó tay, thích – thik… Chính sự “sáng tạo” có một không hai này đã làm cho tiếng Việt bị khuyết tật về mặt hình dáng. Để tạo ra biến thể hệ thống từ chủ nhân chat đã giảm các âm vị trong một âm tiết (chữ) nào đó nhất là những nguyên âm đôi theo xu hướng gần âm cùng nghĩa; biết – bít, viết – vít hoặc “đánh rơi” âm đệm “u” như quá – ká, buồn – bùn.
Mặc dù có một vài tiện ích như tiết kiệm thời gian, gần gũi và dễ dàng trong quá trình trao đổi ngôn ngữ như một vài ý kiến đưa ra nhưng ngôn ngữ chat đang làm vẩn đục bầu trời ngôn ngữ tiếng nói toàn dân. Không ít cá nhân sử dụng liên tục nên đã trở thành một phản xạ tự nhiên và đã đưa chúng ra khỏi ranh giới phạm vi chat. Điều này thể hiện rõ nhất trong các tập vở ghi chép của HS. Có rất nhiều từ đã thật sự xa lạ với bạn bè và cả giáo viên bộ môn. Tuy nhiên, đây chỉ là chuyện “lưu hành trong nội bộ” dù sao thì cũng không ảnh hưởng đến “hòa bình chung”. Thế nhưng, có không ít HS có thể cố ý hay cả vô tình đã sử dụng ngôn ngữ chat này vào trong bài kiểm tra hàng ngày. Cô Phạm Thị Nga – giáo viên ngữ văn hướng dẫn đề tài cho nhóm – đưa ra ý kiến, đây là việc làm không thể chấp nhận được vì nó đã mặc nhiên sử dụng chính thức và công khai trong giao tiếp bằng văn bản viết. Theo cô Nga, có thể lúc ban đầu các em chưa thấy được hậu quả của nó nhưng về lâu về dài thì ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ giao tiếp của con người, đặc biệt là ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trước những thách thức lớn của thời kỳ hội nhập và mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới. Cũng có ý kiến cho rằng việc cấm giới trẻ sử dụng ngôn ngữ chat là điều không nên, vấn đề quan trọng nhất là ở sự định hướng.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
“Các bạn nên sử dụng một cách hợp lý hơn, phải biết dùng đúng lúc đúng chỗ. Khi nào sử dụng được thì tạm chấp nhận chứ không thể lạm dụng một cách tràn lan, nhất là trong môi trường học tập chuẩn mực ở trường phổ thông”, Ngọc Thảo – thành viên trong nhóm – chia sẻ. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)