Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bạo lực học đường nhìn từ game online

Tạp Chí Giáo Dục

Tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức sẽ giúp HS tránh xa những tác động xấu từ xã hội. Ảnh: T.Vy

Bạo lực học đường được sinh ra từ nhiều nguyên nhân nhưng trong đó không thể không “điểm mặt” game online; vì những “hình mẫu” từ trong các trò chơi game online đã được các em học sinh (HS) “sao y bản chính” ra ngoài đời một cách vô thức mà không nhìn thấy trước hậu quả đau lòng của nó. 
1. Thời gian gần đây bạo lực học đường đang là một thực trạng thật sự nhức nhối và trở thành mối bận lòng của cả cộng đồng khi các giải pháp phòng chống tỏ ra thiếu hiệu quả. Chúng ta thật sự bất ngờ khi kết quả khảo sát của các tổ chức xã hội đưa ra với tỷ lệ 64% các em nữ được hỏi đã thừa nhận có hành vi đánh nhau với “đối thủ” của mình. Mọi người cũng không khỏi bức xúc khi việc đánh nhau đã quen thuộc đối với một số HS cá biệt. Qua thăm dò ý kiến, nhiều HS tỏ thái độ phản đối quyết liệt và không chấp nhận chuyện đánh nhau của “các tay anh chị” nhưng lại có em cho đây là chuyện bình thường và có thể chấp nhận được (?). Trong số các HS nữ đã từng hành hung người khác, hầu hết đều biết bạo lực gây nên những tổn thương về thể xác, tinh thần và làm mất đi thiện cảm của mọi người đối với con gái. Nhưng vẫn còn gần 1/4 cho rằng hành vi bạo lực không gây ra hậu quả gì (!). Lý do các vụ đánh nhau thì nhiều nhưng lại vô cùng đơn giản như: Không ưa thì đánh, có lúc bị khiêu khích, có khi vì lý do tình cảm. Đáng lo ngại là có những lý do không thể hình dung được như: Do người khác nhờ đánh và chẳng có lý do gì cũng… đánh(?). Một phương tiện mang “bộ mặt” bạo lực về tinh thần đang phổ biến là các em sử dụng điện thoại để ghi hình vụ hành hung sau đó đưa lên mạng internet như để làm nhục nạn nhân và khoe “chiến công” của chính mình.
2. Về nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng bạo lực học đường đang xuất phát từ “con đường” game online. Điều này có cơ sở vì “hình mẫu” của các em HS hầu hết là trong các trò chơi điện tử và có tới hơn 70% game online phổ biến tại Việt Nam mang nội dung bạo lực. Không riêng gì game mà trên màn ảnh nhỏ hiện nay cũng đang đầy những cảnh bạo lực khủng khiếp. Tỷ lệ chơi game của HS các cấp học được thống kê cụ thể như sau: Tiểu học (23%), THCS (81%), ĐH (75%). Đây chính là một phần gốc rễ tạo nên xu hướng bạo lực. Dù chúng ta có thực hiện theo biện pháp “3 quản 1 nâng” nhằm quản lý tốt cơ sở các tiệm game, quản lý người chơi, nội dung chơi và nâng cao mức xử phạt hành chính nhưng thực tế vẫn chưa đủ sức răn đe.
Thực tế cho thấy sau cuộc tổng rà soát và dẹp bỏ các đại lý internet cách trường học 200m trên địa bàn thành phố, nhiều quán nét đã lui về hoạt động bí mật hoặc trá hình theo kiểu “chặt đầu này ta mọc đầu khác”. Đáng lo ngại hơn là game online không chỉ cám dỗ HS chưa chuyên cần mà còn lôi kéo cả những HS ngoan, học khá nếu không có điểm dừng. Từ hậu quả của game online mà các em tự đánh mất ý thức và hành vi của mình.
3. Một câu hỏi được đặt ra là cha mẹ có thái độ như thế nào khi con có hành vi bạo lực? Thống kê cho thấy, trong lúc có em được cha mẹ khuyên bảo nhẹ nhàng thì có em lại bị cha mẹ mắng chửi và đánh. Có em được cha mẹ yêu cầu phải xin lỗi bạn thì có trường hợp cha mẹ không hề quan tâm đến hành vi đánh nhau của con mình. Rõ ràng cách giải quyết của người lớn sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến diễn biến tâm lý và việc điều chỉnh hành vi sau này của các em vì “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Những người cùng trang lứa đứng xung quanh khi chứng kiến sự việc lại có thái độ dửng dưng, bàng quan. Có em còn hò reo cổ vũ, dùng máy quay video mà không hề có sự can ngăn hoặc tìm cách cứu giúp nạn nhân. Thái độ này nếu không được điều chỉnh kịp thời sẽ hình thành trong tâm lý lứa tuổi thói quen thờ ơ, vô cảm trước cái xấu, thậm chí vô tình đồng lõa trước cái xấu đang diễn ra quanh mình.
4. Nếu như các em có sự quan tâm hơn của gia đình, thầy cô và bạn bè thì những rắc rối của tuổi mới lớn sẽ được giải quyết kịp thời. Nếu nhà trường trang bị cho HS những kỹ năng sống thì các em sẽ vững vàng hơn trong thử thách. Ngoài trách nhiệm tư vấn tâm sinh lý lứa tuổi, nhà trường phải quan tâm đến việc giáo dục rối loạn hành vi và quan trọng hơn là có thêm chỗ dựa từ thầy cô – những người bạn đi trước luôn đồng hành với các em trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng trước hết để dạy được những bài học đó, cha mẹ phải là người có trách nhiệm đầu tiên. Các bậc làm cha làm mẹ nên tỉnh táo và trung thực nhìn vào chính gia đình mình, xem ở đó trẻ được giáo dục kỹ năng sống như thế nào. Sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái không chỉ có những thông tin vắn tắt mà cần phải có sự chia sẻ, thông cảm và cần hơn cả là một tình thương yêu rộng lớn.
Trịnh Xuân Thiều 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)