Hiện nay, HS rất cần được giáo dục kỹ năng sống. Trong ảnh các em HS đang tìm hiểu thông tin tại bảo tàng. Ảnh: T.L
|
Trong giai đoạn hiện nay, khi xã hội có nhiều thay đổi đã tác động mạnh đến đời sống làm cho một bộ phận thế hệ trẻ xa rời các giá trị đạo đức truyền thống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu kỹ năng sống.
Hiện nay, việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh (HS) như thế nào cho hiệu quả là một vấn đề trăn trở của nhà trường và những người làm công tác giáo dục. Đối với bậc học mầm non, hoạt động vui chơi mà trung tâm là trò chơi đóng vai theo chủ đề ở tuổi mẫu giáo có vai trò chủ đạo thể hiện trước hết là ở chỗ nó giúp trẻ giải quyết mâu thuẫn trong bước phát triển từ tuổi ấu nhi lên tuổi mẫu giáo. Tổ chức trò chơi chính là tổ chức cuộc sống của trẻ. Trò chơi là phương diện để trẻ học làm người. Nếu như hoạt động chủ đạo của trẻ ở bậc mầm non là vui chơi, thì hoạt động của trẻ ở bậc tiểu học đã có sự thay đổi về chất, chuyển từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập.
Đối với HS THCS và THPT, đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý, thích tìm tòi học hỏi cái mới, điều lạ. Có em chưa phân biệt được cái gì tốt, cái gì xấu, điều gì nên làm và điều gì không nên làm nên đôi khi còn lẫn lộn. Do đó, người giáo viên phải dẫn dắt các em vượt qua những khó khăn, thử thách để giúp các em nhận thức sâu sắc về những việc cần thiết phải làm đối với cuộc sống của bản thân và mọi người ở lứa tuổi HS.
Thứ nhất, nhà trường cũng như phương tiện truyền thông, báo chí phản ánh về một số hành vi tiêu cực trong học đường: Bạo lực học đường, thiếu thái độ tôn sư trọng đạo, gian lận trong học tập, chuyện yêu đương và quan hệ tình dục quá sớm dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng, tiếp cận với chất kích thích và văn hóa phẩm không lành mạnh… nhưng liệu rằng chúng ta đã chú ý thực sự đến căn nguyên của vấn đề hay chưa? Vấn đề quan trọng có thể nhận thấy là chúng ta chưa thật sự tập trung xây dựng văn hóa học đường. Bộ GD-ĐT phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, thế nhưng, thế nào là môi trường thân thiện, môi trường này có những tiêu chuẩn nào cần đảm bảo?
Thứ hai, phụ huynh cần phải biết tâm ý, tính tình con em mình, tùy từng em mà uốn nắn, quản lý, giám sát từ việc học đến việc chơi và cả trong kết bạn. Đặc biệt cần phải tìm hiểu tình hình HS trong lớp học con mình để kịp thời giúp cháu điều chỉnh các mối quan hệ với bạn, với thầy cô và khi cần thiết cũng nên liên hệ với nhà trường để báo cáo những điều bất thường mà mình nghe ngóng, nắm được qua con em. Con cái càng lớn, cha mẹ càng cố gắng trở thành những người bạn lớn của con, cùng chia sẻ, tâm tình với con, hiểu con để có thể đưa ra những lời khuyên răn, giúp đỡ kịp thời khi con gặp khó khăn hay có những biểu hiện lệch chuẩn. Cần luôn nêu cao nguyên tắc mà Makarenko, nhà giáo dục Nga, đã nêu “Phải luôn tôn trọng và yêu cầu cao với trẻ”.
Thứ ba,về phía xã hội. Sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự hợp tác của phía cha mẹ HS, giáo viên chủ nhiệm sẽ khiến các hiệu trưởng không cảm thấy đơn độc. Các cơ quan có trách nhiệm cần có các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn những phim ảnh, trò chơi… quá kích động bạo lực, có quy định xử phạt và tuyên truyền rộng rãi các quy định xử lí những hành vi lệch chuẩn. Ví dụ: Cậy đông người đánh một người, tung lên internet những băng video, hình ảnh vi phạm nhân phẩm, danh dự của người khác… Cần lên án thái độ thờ ơ, vô cảm với những sai phạm xung quanh mình của mọi người trong xã hội. Đây cũng là một cách cổ súy, đồng tình với những hành động sai trái.
Để ngăn chặn, làm giảm những hiện tượng lệch chuẩn đạo đức này, việc giáo dục kỹ năng sống cho HS là cần thiết và cấp bách trong đó cần có sự phối hợp hành động của các lực lượng giáo dục từ gia đình đến nhà trường và cả xã hội. Trong đó, giáo dục gia đình có vai trò quan trọng nhất: Cha mẹ bằng tình yêu thương và sự quan tâm thường xuyên của mình có vai trò quyết định nhất trong việc hình thành nhân cách tích cực cho con.
TS. Ninh Văn Bình
(Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận)
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, từ năm học 2009-2010 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ HS đánh nhau ở trong và ngoài trường học (trung bình cứ 9 trường học thì xảy ra một vụ HS đánh nhau). |
Bình luận (0)