“Đêm biết mình đậu đại học, em không sao ngủ được. Nghiêng mình qua, thấy mẹ đang nằm vắt tay lên trán. Nước mắt bỗng trào ra…” – cô tân sinh viên Phan Thị Ngọc Anh, nhập học ĐH KHXH&NV TPHCM trong ngổn ngang lo lắng…
Cả cuộc đời kiên cường gánh bao lo toan, thế mà giờ đây, mẹ không cầm được nước mắt khi con gái tần ngần trước bao khoản chi đầu năm học mới
Tần tảo đời mẹ…
Cái tin cô học trò nhỏ Phan Thị Ngọc Anh, học sinh trường THPT Bình Long, Bình Phước đỗ đại học, cả cái thị trấn nghèo An Lộc bỗng trở nên xôn xao. Ai cũng bảo, cái con bé có làn da ngăm ngăm, dáng người nhỏ thó ấy, siêng năng, cần cù như thế thì chắc xuống TPHCM nó cũng học tốt thôi. Nhưng họ lại lo lắng, “nhà nó nghèo rớt mồng tơi, tội nghiệp, nó lấy tiền đâu ra mà đi học và trang trải cuộc sống ở dưới cái thành phố sầm uất như Sài Gòn”.
Và, người lo lắng nhất là bà Vũ Thị Hồng Thoa – mẹ của tân sinh viên Phan Thị Ngọc Anh.
Lập gia đình, có đến 4 mặt con. Khi cậu con trai út vừa sinh được vài tháng tuổi thì chồng mất sau một cơn bạo bệnh. Một thân góa phụ, bà Thoa phải gánh gồng, làm việc tất bật để nuôi 4 đứa con thơ. Hàng ngày, bà phải theo xe đò từ Bình Long về TPHCM để đi buôn chuyến.
Buôn bán ế ẩm, bà về nhà nhận giỏ nhựa để đan gia công cho một công ty xuất khẩu. Nhiều đêm, người đàn bà ấy chong đèn thức đến sáng, cần mẫn đan từng cái giỏ. Mỗi cái giỏ hoàn thành, bà vui thêm một chút. Bởi, kết quả lao động đó, con bà có thêm chén cơm ấm bụng.
Cố gắng bươn chải với đủ thứ nghề từ làm bánh lọt, sương sâm… đến bán bánh canh dạo, công việc nào mấy mẹ con cũng cùng phụ nhau làm. Ở vùng quê nghèo, dù rong ruổi rạc chân với gánh bánh canh trên vai mỗi ngày cả nhà cũng chỉ kiếm được dăm chục ngàn đồng.
Hai đứa con gái lớn lần lượt đi lấy chồng. Đứa con gái đầu không có đất làm ăn phải ở nhà thuê bên cạnh mẹ. Hàng ngày quàng đôi quang gánh đi bán bánh canh. Đứa con gái kế cận phải tha phương mưu sinh, để hai đứa con thơ dại cho bà Thoa trông coi. Gánh nặng mưu sinh nuôi 2 con tuổi ăn học và 2 cháu nheo nhóc càng làm oằn thêm đôi vai gầy của người góa phụ đã ở bên kia dốc cuộc đời.
Xót xa đời con…
Ngày Phan Thị Ngọc Anh chuẩn bị vào mẫu giáo cũng là ngày người cha thân yêu của em vĩnh viễn lìa bỏ cõi đời. Gạt nước mắt trước nỗi đau mất chồng, mẹ của Ngọc Anh phải gắng gượng sống để nuôi 4 đứa con thơ. Dường như cảm nhận được nỗi đau ấy, cô con gái Ngọc Anh mới 4 tuổi đầu đã trở nên ngoan ngoãn, đảm đang phụ giúp mẹ.
Rưng rưng thương con nhập trường thiếu thốn đủ đường, mẹ Ngọc Anh chỉ chực khóc. Còn em, cố thật cứng rắn an ủi mẹ để mẹ yên lòng về Bình Phước.
Nhà nghèo, không có đất để canh tác, mẹ của Ngọc Anh bôn ba ngược xuôi để nuôi con. Cảm được cái nghèo sẽ đeo đẳng mãi, người mẹ luôn động viên các con cố gắng học tập thật giỏi mới có thể thoát khỏi cái nghèo. Thương mẹ, Ngọc Anh chăm chỉ học tập.
Ngoài giờ học trên trường, Ngọc Anh về phụ giúp mẹ đan giỏ nhựa. Đêm nào khi học xong bài, Ngọc Anh cũng cùng mẹ và cậu em trai Phan Ngọc Châu (hiện đang học lớp 11) thi nhau đan giỏ. Thành quả một ngày làm việc cật lực của cả 3 mẹ con cũng chỉ được 30.000 – 40.000 đồng. Thương mẹ vất vả, đêm nào Ngọc Anh cũng chong đèn đan giỏ đến 1, 2 giờ sáng mới ngủ.
Rồi việc đan giỏ không còn “thịnh” ở thị trấn nghèo, mẹ con Ngọc Anh chuyển sang bán đậu hủ. Hàng ngày, người mẹ đẩy xe đậu hủ đi bán dạo đến nhá nhem tối mới trở về để kiếm 40.000 đồng/ngày. Đó là chưa kể nhưng lúc trời mưa, ế ẩm bán không được. Ngọc Anh ở nhà vừa trông nom 2 đứa cháu, vừa nhào bột, nấu đường, cạo dừa… Có khi bị nồi đường đang thắng sôi ùng ục đổ làm bỏng cả tay chân.
Sau một ngày đẩy xe đậu hủ, mẹ trở về trong sự mệt mỏi, rụng rời tay chân. Sợ mẹ mệt mỏi mà thức dậy sớm nữa thì đổ bệnh. Thế là, khi “nhà người ta còn chưa đi ngủ, đã là ngày mới của Ngọc Anh”. 12 giờ khuya, cô bé lục đục nấu đậu hủ, làm bột, nấu nước dừa, lau chùi xe đẩy sạch bóng để khi mẹ dậy là có thể đi bán ngay. Hoàn tất công việc thì trời tờ mờ sáng, Ngọc Anh thức ôn bài đợi khi trời sáng thì đi học luôn.
Ngọc Anh tâm sự: “Những lúc thấy mẹ vất vả quá, em định nghỉ học để đi làm thuê, kiếm tiền về phụ giúp mẹ nuôi em, nuôi cháu. Nhưng mẹ khóc. Mẹ bảo dù có khó khăn thế nào, em cũng phải học cho thật tốt. Thương mẹ, em phải vâng lời”…
Sau khi đỗ tốt nghiệp lớp 12, Ngọc Anh cũng không muốn đi thi Đại học vì không có tiền. Ban đầu, Ngọc Anh muốn thi sư phạm để làm cô giáo dạy Văn nhưng bác trưởng ấp khuyên học về dân số để sau này về phục vụ địa phương nên em thi vào khoa Xã hội học, trường ĐHKHXH&NV TPHCM.
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau mà… khóc.
“Đêm biết mình đậu đại học, em không sao ngủ được. Nghiêng mình qua, thấy mẹ đang nằm vắt tay lên trán. Nước mắt em bỗng trào ra…” – Ngọc Anh tâm sự.
Nhà không còn một xu dành dụm. Căn nhà lộng gió, đêm nằm thấy sao trời càng trở nên trống trải hơn khi đứa con gái bắt đầu tính chuyện nhập học theo… yêu cầu của mẹ.
Cảm phục tinh thần hiếu học của Ngọc Anh, bác Long, bác Vinh tổ trưởng, trưởng ấp đã đứng ra làm đơn vay cho Ngọc Anh 4 triệu đồng (thời hạn 2 năm) để em có tiền đi nhập học.
Sáng ngày 11/9, hai mẹ con lặn lội từ Bình Long xuống TPHCM để làm thủ tục. Nước mắt người mẹ đầm đìa, cứ nắm tay đứa con gái dặn dò đủ điều. Cố trấn an mẹ với nụ cười lướt trên môi nhưng khi mẹ lên xe về, nước mắt em chực trào.
“Lúc ở nhà với mẹ, có sao ăn vậy. Lên Sài Gòn, có bao nhiêu tiền mẹ lo dành cho em. Em trai và mẹ ở nhà không biết rồi sẽ ra sao. Cháu út em năm nay vào mẫu giáo, nhưng không có tiền phải nghỉ học đợi mùa khai giảng năm sau…” – Ngọc Anh tâm sự.
Ai cũng hiểu, đường đến giảng đường không chỉ có nước mắt của niềm hạnh phúc, sung sướng, tự hào, mà còn có cả một niềm trăn trở, lo âu của những hoàn cảnh khốn cùng trong cuộc sống. Đường đến với giảng đường Đại học của tân sinh viên Phan Thị Ngọc Anh chắc chắn cũng lắm chông chênh đang chờ đợi.
Công Quang (Dan tri)
Bình luận (0)